Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai
Tại buổi gặp mặt giữa Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với đại diện doanh nghiệp vào đầu tháng 10, nhiều ý kiến cho rằng, việc tiếp cận đất đai để thực hiện các dự án y tế, giáo dục cũng như thương mại, dịch vụ… vẫn gặp nhiều khó khăn.
Để giải quyết vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân nhấn mạnh, Luật Đất đai 2024 đã có những điều chỉnh tích cực so với Luật Đất đai 2013, đặc biệt là trong việc thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Các dự án dân sinh đang được tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận đất đai, thông qua nhiều hình thức, như giao đất không đấu giá hay đấu thầu.
Vẫn khó tiếp cận đất đai
Luật Đất đai 2024 đã mang đến nhiều thay đổi quan trọng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai để phát triển các dự án kinh tế - xã hội. So với Luật Đất đai 2013, Luật Đất đai 2024 có những điều chỉnh rõ rệt về quy định thu hồi đất, tập trung vào các dự án lớn phục vụ lợi ích quốc gia và công cộng. Nhà nước chỉ thu hồi đất trong trường hợp thực sự cần thiết, hướng tới mục tiêu phát huy tối đa nguồn lực đất đai, phát triển hạ tầng hiện đại, đồng thời bảo vệ môi trường và di sản văn hóa.
Cụ thể, Luật Đất đai 2024 quy định 31 trường hợp thu hồi đất cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm cả các dự án giáo dục, y tế và thể thao, không phân biệt nguồn vốn đầu tư. Khoản 5, Điều 124 cũng cho phép giao đất hoặc cho thuê đất không qua đấu giá trong những trường hợp đặc biệt, nếu chỉ có một nhà đầu tư đáp ứng đủ điều kiện.
Tuy nhiên, dù Luật Đất đai 2024 đã có nhiều cải thiện, việc triển khai trên thực tế vẫn gặp không ít vướng mắc, nhất là việc tiếp cận đất đai và các chính sách tài chính liên quan. Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, một trong những khó khăn lớn nhất là việc xác định giá đất thương mại dịch vụ.
"Giá đất thương mại dịch vụ hiện đang được tính quá cao, khiến chi phí thuê đất tăng mạnh, ảnh hưởng đến năng lực đầu tư của doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực y tế và giáo dục, nơi cần quỹ đất lớn", ông Nguyễn Quốc Hiệp chia sẻ.
Chuyên gia bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh cũng cho rằng, mặc dù Luật Đất đai 2024 đã quy định rõ về thu hồi và giao đất cho các dự án công ích, vẫn còn thiếu các văn bản hướng dẫn chi tiết. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thế chấp tài sản để huy động vốn, gây đình trệ cho các dự án quan trọng.
Tại cuộc họp mới đây giữa Chính phủ và các doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, cần có sự điều chỉnh linh hoạt hơn trong việc xác định giá đất thương mại dịch vụ để giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thu Hà, đại diện một doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục cho biết: "Chúng tôi mong muốn sự ổn định và minh bạch hơn trong việc định giá đất qua mỗi năm và rất cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể hơn để phát triển các dự án giáo dục và y tế một cách bền vững. Mỗi năm một giá đất theo xu thế tăng sẽ rất khó cho doanh nghiệp".
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Luật Đất đai 2024 mở ra cơ hội cho doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực y tế và giáo dục khi tiếp cận nguồn đất. Doanh nghiệp có thể lựa chọn nhiều phương án, như thuê đất không qua đấu giá hoặc thương lượng trực tiếp với bên có quyền sử dụng đất. Điều này giúp tạo sự chủ động cho doanh nghiệp mà vẫn bảo đảm tính minh bạch và công bằng trong phân bổ nguồn lực đất đai.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc thế chấp đất để huy động vốn từ trái phiếu bất động sản. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giải thích, quyền thế chấp đất đã được quy định rõ trong Luật Đất đai 2024. Doanh nghiệp được giao đất có thể thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng hoặc kinh tế. Riêng vấn đề thế chấp liên quan đến trái phiếu bất động sản thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Các tổ chức tín dụng và các cơ quan liên quan đang xem xét hướng dẫn cụ thể.
Vấn đề khiến doanh nghiệp thương mại, dịch vụ lo ngại hiện nay là việc tính thuế sử dụng đất theo bảng giá đất thương mại, dịch vụ. Nhiều doanh nghiệp phản ánh, giá đất trong bảng này quá cao, nhất là khi nó được tính dựa trên giá đất ở cùng khu vực, nhân với hệ số từ 70-80%, khiến giá thuê đất tăng vọt, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, theo Luật Đất đai 2024, giá đất để tính thuế sử dụng đất được quy định trong bảng giá đất và đã được xác định rõ trong Điều 12 của Nghị định số 71/2024/NĐ-CP. Bảng giá đất thương mại, dịch vụ là một nội dung bắt buộc do HĐND cấp tỉnh quyết định.
Còn Luật Đất đai 2013 chỉ quy định bảng giá đất thương mại, dịch vụ cho một số trường hợp cụ thể, như đất xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp. Luật Đất đai 2024 đã mở rộng và quy định giá đất thương mại, dịch vụ riêng biệt, giúp minh bạch hơn trong chính sách thuế, giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp. Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhấn mạnh, những khó khăn hiện nay có thể xuất phát từ quá trình thực thi chưa đồng đều giữa các địa phương. Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát, kiểm tra và điều chỉnh chính sách để phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.