Số ca chết não hiến tặng mô, tạng đạt kỷ lục
Trong 9 tháng năm 2024, có 25 ca chết não hiến mô, tạng, góp phần làm tăng số tạng hiến từ người chết não (87/829 bệnh nhân ghép, tương đương 10,49%).
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo khoa học về hiến tặng mô, tạng tại Việt Nam lần thứ 2 do Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia tổ chức ngày 11-10.
Theo báo cáo của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, ca chết não hiến tạng đầu tiên ở nước ta vào tháng 5-2010 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức. Từ năm 2010 đến 2022, mỗi năm tại nước ta có 10-11 ca chết não hiến tạng. Riêng năm 2023, có 14 ca chết não hiến mô, tạng.
Tuy nhiên, 9 tháng năm 2024 có 25 ca chết não hiến mô, tạng, góp phần tăng số tạng hiến từ người chết não đạt 87/829 bệnh nhân ghép (tương đương 10,49%). Đây được coi là con số kỷ lục của Việt Nam vì trước đây, tỷ lệ tạng hiến từ người chết não chỉ chiếm khoảng 5-6%.
Tính đến tháng 9-2024, sau 32 năm triển khai ghép tạng và 14 năm lấy tạng từ người cho chết não, cả nước ghi nhận 180 ca chết não hiến tạng.
Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức Đồng Văn Hệ cho biết, ghép tạng là phương pháp điều trị duy nhất để cứu sống bệnh nhân trong một số trường hợp. Hiện, nước ta đã thực hiện ghép thành công hầu hết các tạng như các nước phát triển đã thực hiện, gồm: Ghép thận, gan, tim, phổi, tụy và ruột.
Năm 2023, 1.000 người tại Việt Nam được ghép tạng, đưa nước ta trở thành quốc gia có nhiều người được ghép tạng nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, danh sách những người chờ ghép tạng vẫn còn dài. Mỗi ngày vẫn có nhiều người bệnh phải qua đời vì không có tạng để ghép. Trong khi đó, số người chết não hiến tặng mô, tạng tại Việt Nam còn thấp so với các nước trên thế giới.
Chính vì vậy, theo ông Đồng Văn Hệ, việc vận động hiến mô, tạng là nền tảng của phát triển nguồn hiến mô, tạng từ người cho chết não. Nếu người dân, gia đình không hiểu, không ủng hộ thì việc người chết não hiến mô, tạng rất khó.
Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, nêu những khó khăn về các quy định pháp luật hiện hành như: Điều kiện hiến tạng sau chết; tuổi hiến tạng, chế độ cho người hiến tạng và gia đình; cơ chế tài chính về chi phí, thanh toán cho vận động hiến, ghép và sau ghép. Ngoài ra, nguồn chi trả từ bảo hiểm y tế cho ghép tạng tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 40% tổng chi phí.
Trước thực tế đó, các chuyên gia y tế cho rằng, tới đây, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác cần được sửa đổi để sớm có hành lang pháp lý, tạo điều kiện triển khai ngày càng nhiều ca ghép tạng, cứu sống thêm nhiều người bệnh.
Được biết, từ ngày 7 đến 12-10, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, phối hợp với Hội Vận động hiến mô bộ phận cơ thể người Việt Nam; Hội Ghép tạng Việt Nam và Học viện Quân y, lần đầu tiên tổ chức “Tuần lễ hiến ghép mô tạng Việt Nam 2024” với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước, cùng chia sẻ các kinh nghiệm, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc hiến tặng mô, tạng.