Hà Nội kết nối

Đề xuất tiếp tục hoàn thiện quy định để kịp thời thu hồi tài sản tham nhũng

Nguyễn Lê 11/10/2024 12:25

Theo Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh, có thể ra quyết định thu hồi tài sản nhà nước ngay khi phát hiện đối tượng thanh tra có hành vi chiếm đoạt hoặc đối tượng thừa nhận mà không phải đợi kết luận thanh tra.

quang-canh-toa-dam.jpg
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: BTC

Ngày 11-10, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành phố Hồ Chí Minh (Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức tọa đàm “Giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh”.

Theo ông Trần Văn Bảy, Chánh Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021-2023 và 6 tháng đầu năm 2024, ngành Thanh tra thành phố đã thực hiện 828 cuộc thanh tra, gồm có 669 cuộc theo kế hoạch và 159 cuộc đột xuất. Qua đó, giai đoạn 2021-2023, đã thu hồi hơn 68 tỷ đồng trong tổng số hơn 90 tỷ đồng cần thu hồi và gần 500m2 đất. Trong 6 tháng đầu năm 2024, số tiền đã thu hồi là hơn 27,9 tỷ đồng, đạt 100% tỷ lệ cần thu hồi; đã thu hồi 26.684m2 đất/29.345,8m2 đất (đạt tỷ lệ 90,9%).

tran-van-bay.jpg
Chánh Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh Trần Văn Bảy thông tin tại tọa đàm. Ảnh: BTC

Ông Trần Văn Bảy cho hay, có thể ra quyết định thu hồi tài sản của Nhà nước ngay khi phát hiện đối tượng thanh tra có hành vi chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái pháp luật hoặc làm thất thoát mà không phải đợi kết luận thanh tra. Trong trường hợp đối tượng thừa nhận hành vi chiếm đoạt cũng có thể ra quyết định thu hồi.

Theo ông Trần Văn Bảy, đây cũng là giai đoạn quyết định tính hiệu quả trong việc thu hồi tài sản sai phạm ngay trong quá trình thanh tra. Việc kịp thời xử lý, thực hiện quyền tạm giữ, thu hồi tài sản sai phạm trong quá trình thanh tra cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu thu hồi tài sản do hành vi trái pháp luật gây ra.

Sau khi ban hành kết luận thanh tra, việc theo dõi, thu hồi tài sản tiếp tục được thực hiện thường xuyên, cương quyết. Đối với trường hợp chậm thực hiện hoặc không hoàn thành việc thực hiện trong thời gian dài, sẽ được chuyển sang giai đoạn tiến hành kiểm tra, làm rõ; áp dụng các biện pháp tiếp theo theo thẩm quyền.

Ông Trần Văn Bảy cũng đề xuất nghiên cứu, hoàn thiện quy định pháp luật, nhằm hạn chế người vi phạm tẩu tán tài sản; bổ sung cơ chế tịch thu, thu hồi tài sản bằng hình thức hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp để tăng hiệu quả chế tài xử lý tham nhũng.

phung-van-hai.jpg
Phó Chánh án Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Phùng Văn Hải phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: BTC

Tại tọa đàm, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân (TAND) thành phố Hồ Chí Minh Phùng Văn Hải cho biết, đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ đã được xét xử trong thời gian qua, TAND thành phố Hồ Chí Minh luôn chú trọng công tác thu hồi tài sản cho Nhà nước. Theo đó, TAND thành phố Hồ Chí Minh thông qua việc xét xử đã tuyên buộc nhiều bị cáo, tổ chức cá nhân có liên quan phải bồi thường, hoàn trả, thu hồi cho Nhà nước, cơ quan, tổ chức số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Đối với vụ án tham nhũng, tiêu cực, TAND thành phố Hồ Chí Minh giải quyết từ 2021 đến nay, đã tuyên buộc các bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho Nhà nước, cơ quan, tổ chức với tổng số tiền hơn 688.000 tỷ đồng. Số tiền các bị cáo đã tự nguyện giao nộp, bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án, Hội đồng xét xử tuyên thu hồi được khi xét xử hơn 2.000 tỷ đồng và 31 triệu USD.

Theo Phó Chánh án TAND thành phố Hồ Chí Minh Phùng Văn Hải, tài sản có giá trị lớn hoặc mang tính đặc thù là loại tài sản thu hồi rất khó khăn. Đối với loại tài sản này, ông Phùng Văn Hải đề xuất trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, kể từ giai đoạn điều tra đến xét xử, nếu tài sản liên quan đến hành vi phạm tội có giá trị lớn hoặc mang tính đặc thù thì khi kê biên, ngăn chặn, phải tính toán khâu xử lý ngay từ giai đoạn này.

ngo-minh-chau.jpg
Trưởng ban Nội chính Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu phát biểu kết luận tọa đàm. Ảnh: BTC

Ông Ngô Minh Châu, Trưởng ban Nội chính Thành ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, thu hồi tài sản là thước đo hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Sau khi Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành phố Hồ Chí Minh được thành lập, công tác thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực tại thành phố đã có những chuyển biến tích cực.

Trong giai đoạn 2021-2023, công tác thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực của thành phố đã triển khai trọng tâm vào các vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng. Điển hình, thực hiện kê biên, phong tỏa và thu giữ tài sản từ các vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các Trung tâm đăng kiểm ở nhiều địa phương; vụ án tiêu cực xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB…

Trưởng ban Nội chính Thành ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành phố Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu cho rằng, việc thu hồi tài sản tham nhũng còn nhiều khó khăn. Thông qua buổi tọa đàm này, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổng hợp các ý kiến, từ đó đề xuất với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan để công tác thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả hơn.