Vẫn kiên định một hành trình gạn đục, khơi trong
Lịch sử ngàn năm cùng bề dày truyền thống văn hóa đã hun đúc nên cốt cách người Hà Nội.
Theo thời gian, cùng với sự ảnh hưởng từ quá trình phát triển, hội tụ, kết tinh, lan tỏa giá trị văn hóa bốn phương, nét tính cách của người Hà Nội có sự thay đổi theo cả chiều hướng tích cực và không. Ngày nay, với sự nỗ lực của các cấp chính quyền và nhân dân, nét ứng xử thanh lịch, văn minh của người Hà Nội đang được gợi nhắc, được gìn giữ, bổ sung, phát triển phù hợp với thời đại mới.
“Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”
Từ xưa đến nay, Thăng Long - Hà Nội được xem là đất địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ, lan tỏa tinh hoa văn hóa, làm nên nét tính cách, phẩm chất của người Hà Nội, như thường nói là “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Người xưa và nay dày công giải mã phẩm chất ấy, tựu trung là người Hà Nội không màu mè, không phô trương, luôn sống bình dị, trọng nghĩa trọng tình. Họ từ tốn trong giao tiếp và hành xử, không hấp tấp, vội vàng khi quyết định mọi thứ. Trong ấn tượng của người đối diện, người Hà Nội ứng xử văn minh, nhẹ nhàng, nho nhã, “người thanh, tiếng nói cũng thanh”...
Sinh ra trong gia đình nhiều đời gắn bó với Hà Nội, Giáo sư, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính chia sẻ, những gì mà ông cảm nhận được từ nếp sống gia đình là sự nhường nhịn, tinh thần sẻ chia, cách ứng xử khoan hòa, tôn trọng lẫn nhau.
“Cha tôi luôn nói năng nhẹ nhàng, kể cả khi không vui ông cũng không để điều đó ảnh hưởng đến tâm trạng của người khác. Người Hà Nội sống giản dị nhưng lại rất tỉ mỉ, cả trong cách ứng xử, lựa chọn trang phục hay ăn uống, Họ không ăn nhiều nhưng rất tinh tế, đúng vị” - Giáo sư Hoàng Đạo Kính nêu ví dụ.
Nếp sống, phẩm chất của người Hà Nội nay đã có sự khác xưa. Tốc độ đô thị hóa như vũ bão, sự du nhập của văn hóa các vùng miền và văn hóa thế giới tất yếu khiến người Hà Nội thay đổi, lối sống nhanh, thực dụng, vô cảm có cơ hội len lỏi trong đời sống. Đó là hệ quả không mong muốn của quá trình phát triển, kiến thiết Thủ đô giàu mạnh, hiện đại.
Nhận thấy những tồn tại này, chính quyền Hà Nội luôn quan tâm phát triển văn hóa, bồi dưỡng con người. Gần đây, điều đó được Thành ủy Hà Nội cụ thể hóa qua những chương trình công tác lớn, như nhiệm kỳ 2020 - 2025 là Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17-3-2021 về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”. Ngày 19-2-2024, Thành ủy Hà Nội tiếp tục ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
Chỉ thị nêu rõ, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ tiến hành thường xuyên. Điều này cho thấy sự quan tâm đúng mức, đúng tầm của Hà Nội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Nội, coi đó là động lực để phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, Chỉ thị 30 chỉ rõ nội dung “Xây dựng và gương mẫu thực hành văn hóa lãnh đạo, quản lý, văn hóa liêm chính để mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu trở thành tấm gương chuẩn mực trong ứng xử, phát ngôn, giao tiếp tại công sở, gia đình, nơi cư trú và nơi công cộng”; “Xây dựng môi trường văn hóa công sở đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, nhân văn”...
Theo nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Chỉ thị số 30-CT/TU thể hiện quan điểm xuyên suốt và quyết tâm của thành phố Hà Nội trong việc xây dựng, phát triển văn hóa, người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đó là một quá trình bền bỉ, nhằm xây dựng văn hóa, con người Hà Nội vừa mang nét đẹp riêng của Thủ đô, vừa tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam.
Đẹp từ công sở đến khu phố
Hành trình nỗ lực bền bỉ đã mang đến kết quả ban đầu đáng ghi nhận trong công cuộc xây dựng văn hóa, con người Hà Nội. Cả ở nơi công cộng, khu dân cư, trong công sở.
Sự thay đổi đó có thể nhận thấy ở nhiều nơi, chẳng hạn như bộ phận “một cửa” của UBND phường Quảng An (quận Tây Hồ). Phó Chủ tịch UBND phường Quảng An Dương Thanh Hải chia sẻ, từ lâu phường đã triển khai mô hình “Cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng”. Người dân đến làm việc sẽ được hướng dẫn lấy số thứ tự để ngồi chờ, hoặc có thể tra thông tin từ máy tính đặt tại đây. Xong việc, họ có thể đánh giá mức độ hài lòng hoặc không hài lòng bằng cách bấm nút chọn tự động ở thiết bị điện tử đặt trên bàn. Gần đây, thủ tục hành chính được đẩy nhanh tiến độ giải quyết, người dân thường nhận kết quả ngay trong ngày. Phường còn triển khai mô hình “đăng ký kết hôn trong 10 phút”, những công dân có đầy đủ giấy tờ cần thiết sẽ nhận giấy chứng nhận kết hôn trong ít phút.
Sau gần 8 năm thực hiện Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng, sự chuyển biến về tác phong làm việc, hiệu quả công tác, cách ứng xử nơi công sở được thể hiện rất rõ. Nhiều phong trào, mô hình, cách làm hay tại các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố Hà Nội, nhất là tại bộ phận “một cửa” của UBND các cấp, đã mang đến làn gió mới về nhận thức và hành động chung. Hơi thở của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tư duy về chuyển đổi số lan tỏa trong bộ máy hành chính Thủ đô, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân cũng như nâng cao chất lượng công tác của đội ngũ cán bộ, viên chức.
Theo Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Minh Hoàng, rất nhiều trụ sở làm việc, nơi tiếp dân ở các quận, huyện đã lắp bảng thông tin điện tử, máy lấy số xếp hàng tự động, máy tính tra cứu thông tin hành chính công... Điều này khiến công tác tiếp dân được thuận tiện, văn minh, hiệu quả công việc tăng lên.
Không chỉ trong môi trường công sở, nét đẹp trong lối sống, văn hóa ứng xử trong cộng đồng đã có sự chuyển biến tích cực. Phong trào “Sáng - xanh - sạch - đẹp” ở các tổ dân phố, làng, xã mang lại hiệu quả cao trong xây dựng nếp sống. Các phong trào, mô hình như “Dân vận khéo”, "Tuổi trẻ Thủ đô ứng xử văn minh" như cánh tay nối dài lan tỏa cách làm hay, lối sống đẹp, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc tuyên truyền, xây dựng lề lối ứng xử thanh lịch, văn minh, tinh thần thượng tôn pháp luật trong nhân dân.
Dẫu còn có những điều cần thay đổi nhưng rõ ràng là Hà Nội đang dần đẹp lên. Văn hóa, con người Hà Nội cũng có sự điều chỉnh, học hỏi nét đẹp truyền thống và thích ứng với cuộc sống hiện đại.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới gần đây, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU Nguyễn Văn Phong khẳng định, phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, thực hiện một cách kiên trì, bền bỉ. Quá trình xây dựng người Hà Nội trong thời đại mới không chỉ là thanh lịch, văn minh mà còn hướng đến xây dựng phát triển con người hiện đại.
Như ngàn xưa đã vậy, Hà Nội vẫn đang bền bỉ gạn đục, khơi trong, tiếp nhận tinh hoa để tự hoàn thiện, xứng đáng với vị thế của Thủ đô, mảnh đất ngàn năm văn hiến.