Đầu tư

Hà Nội - Điểm đến hấp dẫn đầu tư nước ngoài

Hồng Sơn 11/10/2024 - 07:23

Mặc dù hoạt động đầu tư nước ngoài (FDI) của thế giới cũng như trên phạm vi cả nước có lúc thăng trầm nhưng kết quả thu hút, sử dụng vốn FDI của Hà Nội ít khi bị xáo trộn, mà nhìn chung là ổn định và tăng trưởng.

Đến nay, Hà Nội luôn đứng trong tốp đầu cả nước về lĩnh vực này, tạo ấn tượng đậm nét cũng như đóng góp đáng kể vào nền kinh tế quốc dân. Đó cũng là thực tế tương xứng với vị thế, sức hấp dẫn trong đánh giá của doanh nghiệp FDI, hướng tới những thành quả cao hơn trong giai đoạn trung và dài hạn...

kt01.jpg
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đến thăm, động viên cán bộ, công nhân viên Công ty TNHH Tamron Optical Việt Nam (doanh nghiệp Nhật Bản tại KCN Nội Bài, huyện Sóc Sơn). Ảnh: Mạnh Quân

Bức tranh sáng màu

Từ năm 1989 đến nay, thành phố Hà Nội đã thu hút được 7.495 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 55,73 tỷ USD. Cùng thời gian trên, số vốn FDI đã thực hiện giải ngân đạt khoảng 29,7 tỷ USD, bằng 53,2% vốn đầu tư đăng ký.

Riêng 8 tháng năm 2024, Hà Nội thu hút 1,4 tỷ USD vốn FDI, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2023. Hà Nội đứng vị trí thứ 2 cả nước về thu hút FDI, chiếm khoảng 18,24% số dự án và 8,9% tổng vốn đăng ký. Đây là nguồn lực vô cùng quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đột phá phát triển đồng bộ, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị của Thủ đô. Đã có 117 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại thành phố Hà Nội.

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Ngọc Tú, khu vực FDI đã đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, với ưu thế tiềm lực về vốn, công nghệ, năng lực quản trị của mình. Khu vực này đóng góp cho tăng trưởng kinh tế trên cả góc độ tổng cung và tổng cầu, góp phần gia tăng tổng đầu tư xã hội, tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Đặc biệt, doanh nghiệp FDI đóng góp cơ bản trong việc gia tăng nhanh giá trị xuất khẩu trên địa bàn.

Qua thời gian, các dự án FDI cũng tạo hiệu ứng lan tỏa về công nghệ, nâng cao trình độ, năng lực sản xuất, kinh doanh và quản lý đối với các doanh nghiệp trong nước; nhất là trao đổi, chuyển giao công nghệ cho đối tác trên địa bàn.

Sự xuất hiện của khối doanh nghiệp FDI cũng tạo sức ép cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong từng lĩnh vực, làm động lực cho doanh nghiệp trong nước cải tiến công nghệ, thay đổi mẫu mã, chất lượng sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; tác động mạnh tới sự phát triển và chuyển dịch cơ cấu ngành của các lĩnh vực.

Trên thực tế, thời gian qua, Hà Nội thường xuyên duy trì được sức hút, tỏ rõ tiềm năng trong mắt giới đầu tư quốc tế, nhất là những lợi thế về chất lượng nguồn nhân lực, hệ thống hạ tầng với sự cải thiện, nâng cấp nhanh chóng về số lượng công trình giao thông. Đặc biệt, lãnh đạo thành phố luôn cam kết đồng hành, chia sẻ với nhà đầu tư. UBND thành phố đã tổ chức các cuộc gặp, đối thoại với cộng đồng nhà đầu tư, qua đó nắm tình hình thực tiễn, nhận diện khó khăn, vướng mắc để chủ động hỗ trợ, tháo gỡ.

Những cải cách hành chính đích thực thể hiện qua việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giúp nhà đầu tư tiết giảm thời gian, chi phí liên quan đã và đang phát huy hiệu quả, đưa Thủ đô trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn của dòng vốn quốc tế. Quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo thành phố là lấy doanh nghiệp, nhà đầu tư làm mục tiêu phục vụ, coi thành công của nhà đầu tư cũng chính là thành công của thành phố Hà Nội.

Theo ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, doanh nghiệp Hàn Quốc được UBND thành phố Hà Nội quan tâm, tạo mọi điều kiện, hỗ trợ giải quyết các khó khăn vướng mắc để các dự án được hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Ngoài ra, các dự án lớn Hàn Quốc đang đầu tư tại Hà Nội, như dự án khu công nghệ cao Bắc Thường Tín, dự án Khu đô thị Tây Hồ Tây (Starlake)... cũng đang triển khai từng bước. Cùng với đó, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc với các ngành ứng dụng công nghệ cao, chất bán dẫn... đang có sức hút mạnh mẽ đối với nhà đầu tư Hàn Quốc.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, sự tin tưởng của các nhà đầu tư quốc tế vào môi trường đầu tư của Hà Nội là minh chứng cho những cải cách mạnh mẽ trong công tác quản lý, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy đầu tư của Thành phố.

Định hướng nâng lượng, tăng chất FDI

Thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung triển khai Nghị quyết số 50-NQ/TW (ngày 20-8-2019) của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 153/KH-UBND ngày 23-6-2021 về việc hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, định hướng thu hút FDI của Thành phố là tiếp tục theo chiều sâu, gắn với mục tiêu phát triển bền vững; ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao tập trung vào các lĩnh vực: Phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng thành phố thông minh; công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; các dự án lĩnh vực công nghệ thông tin; nghiên cứu phát triển; du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng; đào tạo nhân lực; nông nghiệp công nghệ cao, thực phẩm sạch an toàn...

Bên cạnh những cơ chế ưu đãi chung đã có, Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ mở ra nhiều cơ chế ưu đãi, chính sách hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư. Đơn cử, doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực được xác định "ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược" sẽ được hỗ trợ, ưu đãi về thuê đất, thuê mặt nước...

Nhằm chủ động mời gọi những dự án quy mô lớn của các “đại bàng”, Hà Nội chủ trương thu hút đầu tư từ các công ty, tập đoàn trong lĩnh vực công nghệ cao. Tiếp tục đổi mới xúc tiến đầu tư, gắn kết với xúc tiến thương mại, du lịch cũng như hoạt động đối ngoại, văn hóa. Bên cạnh đó, xác định rõ các thị trường, quốc gia trọng điểm (G7, G8, OECD) để giới thiệu tiềm năng, lợi thế của thành phố.

Để làm được điều đó, các đơn vị liên quan như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố xây dựng và triển khai chương trình xúc tiến đầu tư hằng năm của Thành phố; tham mưu các nội dung để lãnh đạo thành phố tham gia các đoàn Trung ương nhằm thu hút các dự án đầu tư lớn, chất lượng, hiệu quả. Chuẩn bị các điều kiện về mặt bằng, đất đai, hạ tầng, lao động... sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư, tập đoàn lớn; đẩy mạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ để tạo ưu thế cạnh tranh thu hút đầu tư trung và dài hạn. Chủ động tiếp cận, hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư; tổng hợp các dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc; nêu rõ trách nhiệm của từng sở, ngành, đơn vị và báo cáo, đề xuất UBND thành phố.

Đây là những giải pháp vừa cụ thể vừa mang tính căn cơ của Hà Nội nhằm củng cố hơn nữa vị thế "điểm sáng" trong thu hút FDI của cả nước thời gian tới.