Xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao ở Thanh Trì: Nhiều bài học kinh nghiệm quý
Thanh Trì là huyện đầu tiên của thành phố Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Với kết quả này, huyện về đích sớm hơn 2 năm so với kế hoạch đề ra. Quá trình triển khai, huyện đã có nhiều cách làm hay, là bài học kinh nghiệm để nhiều địa phương khác học tập, nhân rộng.
Về đích trước mục tiêu 2 năm
Nhìn lại chặng đường đã qua, nông thôn mới đã đem lại cho các xã của huyện Thanh Trì nhiều đổi thay. Trong đó phải kể đến như từ một xã thuộc vùng trũng của huyện, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, xã Đại Áng đã có những đổi thay vượt bậc. Hiện nay, Đại Áng có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, như: Làm nón ở Hợp tác xã Nón lá Vĩnh Thịnh; nuôi cá “sông trong ao” ở Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng... Xã có 5 sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố. Bí thư Chi bộ thôn Vĩnh Thịnh (xã Đại Áng) Nguyễn Bá Ky cho biết, nghề làm nón của thôn đã được thành phố công nhận là Làng nghề truyền thống, tạo công ăn, việc làm cho hàng trăm lao động với mức thu nhập từ 6 đến 7 triệu đồng/người/tháng.
Tương tự, diện mạo nông thôn mới khang trang, kinh tế phát triển nhanh đang hiện hữu ở xã Ngũ Hiệp, với giá trị sản xuất trên địa bàn đạt hơn 1.000 tỷ đồng/năm. Trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp chỉ còn 2,2%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm 27,4%; thương mại, dịch vụ 70,4%. Trên địa bàn xã có 54 doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động hiệu quả…
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh, gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, tình trạng ô nhiễm môi trường gây bức xúc bao lâu nay ở huyện đã được cải thiện rõ rệt. Để có được kết quả đó, Thanh Trì đã triển khai các cuộc vận động chỉnh trang đô thị; chỉ đạo các xã, thôn cải tạo ao hồ và các dòng sông chảy qua. Thanh Trì cũng rà soát lại toàn bộ quỹ đất công của huyện để siết chặt quản lý, quy hoạch làm khu vui chơi cho người dân, tạo “lá phổi xanh” trong các khu dân cư.
Nhờ đó, bộ mặt nông thôn của Thanh Trì ngày càng khởi sắc, thay đổi rõ nét; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày một nâng lên; môi trường, cảnh quan bảo đảm sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn; đô thị được tăng cường đầu tư theo hướng văn minh hiện đại; hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì thường xuyên; các thiết chế văn hóa tại cơ sở được tăng cường, sử dụng có hiệu quả; cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, nâng cấp đồng bộ, hiện đại, tạo động lực cho sự phát triển bền vững…
Với những kết quả đạt được, ngày 30-9-2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1057/QĐ-TTg công nhận huyện Thanh Trì đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Thanh Trì trong hành trình 15 năm xây dựng nông thôn mới.
Đồng bộ trong triển khai thực hiện
Trở thành huyện nông thôn mới nâng cao đầu tiên của Thủ đô, Thanh Trì có nhiều kinh nghiệm quý trong triển khai. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng, xác định xây dựng nông thôn mới là việc làm thường xuyên, không có điểm dừng, để hoàn thành mục tiêu đạt huyện nông thôn mới nâng cao, Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Trì đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và sự đồng thuận, chung tay góp sức của nhân dân. Bên cạnh đó, huyện đã chủ động, linh hoạt trong phương pháp chỉ đạo, triển khai và sự phối hợp đồng bộ của các phòng, ban, đơn vị cùng các xã trên địa bàn.
Cụ thể như, trong quá trình triển khai nhiệm vụ xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao gắn với Đề án phát triển huyện thành quận, các xã thành phường, huyện Thanh Trì đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ với phương châm, quan điểm: Đối với các tiêu chí trùng nhau giữa 2 bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao và tiêu chuẩn phường thì chọn tiêu chí cao hơn để thực hiện, nhằm phấn đấu hoàn thành mục tiêu kép.
Bên cạnh đó, việc xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao theo định hướng trở thành quận phải chú trọng tới các vấn đề: Phát triển kinh tế nhanh, bền vững, hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường; bảo đảm hài hòa giữa quá trình đô thị hóa với việc giữ gìn không gian, bản sắc văn hóa truyền thống; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, trình độ và năng lực làm chủ của người dân, để nông dân và người dân nông thôn thực sự là trung tâm, chủ thể, động lực, mục tiêu của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Cùng với đó, phải có sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của cả hệ thống chính trị; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, nhất là vai trò của người đứng đầu. Trong công tác chỉ đạo điều hành xây dựng nông thôn mới phải lựa chọn, xác định đúng nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá, phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng cấp, từng ngành; sự nhịp nhàng trong công tác điều phối chung sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp; đồng thời tranh thủ sự chỉ đạo, giúp đỡ của thành phố để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Thanh Trì cũng đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thường xuyên, liên tục để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đúng đắn về mục đích, ý nghĩa của xây dựng nông thôn mới, từ đó tạo sự đồng thuận, ủng hộ, tham gia của nhân dân. Quá trình triển khai, tổ chức thực hiện phải bảo đảm tính công khai, dân chủ ở tất cả các khâu công việc để người dân được biết, bàn bạc, thống nhất, tự giác chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới.
Kết quả Thanh Trì đạt được tạo tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng huyện phát triển thành quận trong thời gian tới.