Du lịch

Lấy điện ảnh "hút" khách du lịch

Hoàng Lân 11/10/2024 - 06:32

Với phong cảnh đẹp trải dài từ Bắc vào Nam cùng nhiều di sản văn hóa đặc sắc, Việt Nam có nhiều tiềm năng để quảng bá du lịch thông qua điện ảnh.

Mặc dù được đánh giá có sức hút với các nhà làm phim thế giới, nhưng sự gắn kết giữa điện ảnh và du lịch ở Việt Nam vẫn chưa phát huy đúng mức. Với nỗ lực quảng bá, tăng cường liên kết, hợp tác với các đối tác và nhà làm phim nước ngoài, Việt Nam hy vọng, thời gian tới có thể đẩy mạnh khai thác du lịch thông qua hoạt động điện ảnh.

nha-san-xuat-dien-anh-cua-my-thich-thu-trai-nghiem-tai-khong-gian-quang-ba-chuong-trinh-xuc-tien-du-lich-dien-anh-viet-nam-o-hoa-ky-thang-9-2024..jpg
Nhà sản xuất điện ảnh của Mỹ thích thú trải nghiệm tại không gian quảng bá Chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam ở Hoa Kỳ, tháng 9-2024.

Tiềm năng to lớn

Với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa bản địa độc đáo, Việt Nam từng được rất nhiều đạo diễn quốc tế lựa chọn làm bối cảnh quay phim, trong đó có những bộ phim nổi tiếng như: “Người tình”, “Đông Dương”, “Người Mỹ trầm lặng”, “Peter Pan”, “Kong: Skull Islands”... Thông qua những bộ phim này, Việt Nam được du khách quốc tế biết đến nhiều hơn.

Chẳng hạn, năm 1992 bộ phim “Đông Dương” có một số cảnh quay ở vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Điện Thái Hòa, Lăng Tự Đức (tỉnh Thừa Thiên Huế), Tam Cốc - Bích Động (tỉnh Ninh Bình). Sau khi bộ phim được công chiếu, lượng du khách châu Âu, đặc biệt là du khách Pháp chiếm 80% lượng khách quốc tế đến khu du lịch Tam Cốc - Bích Động. Hay khi bộ phim “Kong: Skull Islands” ra mắt vào năm 2017, khách quốc tế đến với Tràng An (tỉnh Ninh Bình) và Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) tăng đáng kể.

Đánh giá tiềm năng phát triển du lịch thông qua điện ảnh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, trong 12 lĩnh vực của công nghiệp văn hóa, điện ảnh và du lịch là 2 ngành trọng tâm. Sự liên kết giữa hai ngành này sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế.

“Liên kết giữa điện ảnh và du lịch là một hướng đi đúng và là xu hướng tất yếu để phát triển quảng bá du lịch một cách hữu hiệu”, ông Nguyễn Văn Hùng nhận định.

Mới đây nhất, Tổng Giám đốc Indochina Productions - Công ty sản xuất điện ảnh lớn của Hollywood - Nicholas Simon cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng để trở thành phim trường thế giới, nhiều nơi có thể lấy làm bối cảnh để thực hiện các cảnh quay như: Vịnh Hạ Long, Hội An (tỉnh Quảng Nam), Hà Nội... Ngoài ra, con người Việt Nam rất hiếu khách, môi trường làm việc dễ chịu, đó là lý do để các nhà làm phim quốc tế mong muốn đến Việt Nam làm việc.

Đưa Việt Nam trở thành phim trường thế giới

Ngày 25-9 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ với chủ đề “Việt Nam - Điểm đến mới của Điện ảnh thế giới”. Sự kiện được kỳ vọng sẽ mở rộng cánh cửa hợp tác giữa các nhà làm phim thế giới với Việt Nam, từ đó tăng sức hút của du khách đến Việt Nam.

Điều đáng nói, trong hoạt động xúc tiến lớn này, nhiều bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác về du lịch và điện ảnh giữa các cơ quan, các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác Hoa Kỳ đã được ký kết. Trong đó, UBND tỉnh Quảng Bình, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cùng ký hợp tác với Công ty Indochina Productions; Hội Điện ảnh Việt Nam ký kết với Liên hoan phim châu Á thế giới (AWFF)…

Đánh giá sự hợp tác này, Thứ tưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho rằng, sự hợp tác giữa các hãng phim Việt Nam và Hoa Kỳ mang lại triển vọng về việc Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu cho nhà làm phim Hoa Kỳ. Việt Nam hiện có những chuyên gia sẵn sàng hợp tác trong những tác phẩm điện ảnh quốc tế.

Trong Chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ, các chuyên gia Việt Nam và quốc tế đều có chung nhận định về tiềm năng lớn thúc đẩy phát triển du lịch - điện ảnh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhận định thị trường Việt Nam còn nhiều tồn tại, vướng mắc cần khắc phục. Nhà sản xuất phim “Hành trình tình yêu của một du khách” Joel Rice chia sẻ, có rất nhiều nhà làm phim mong muốn được tới Việt Nam để thực hiện cảnh quay nhưng thông tin về điểm đến Việt Nam chưa nhiều.

“Việt Nam cần thực hiện nhiều chương trình xúc để thu hút nhà làm phim, tạo ra sự tiếp cận rộng rãi với các nhà làm phim quốc tế”, ông Joel Rice gợi ý.

Để thu hút các nhà làm phim nước ngoài đến Việt Nam, Tổng Giám đốc Indochina Productions - Nicholas Simon cho rằng, Luật Điện ảnh Việt Nam phải tạo ra những chính sách ưu đãi, giảm chi phí cho nhà làm phim, tạo điều kiện cấp phép dễ dàng, bớt thủ tục hành chính. Đồng quan điểm này, đạo diễn phim “Người Mỹ trầm lặng” Phillip Noyce đóng góp thêm, Việt Nam cần đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh chuyên nghiệp, môi trường sản xuất phim thông thoáng, nâng cao năng lực cạnh tranh về điện ảnh, du lịch với các nước trong khu vực.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong thông tin, Việt Nam đang nỗ lực đơn giản hóa giấy phép làm phim, cung cấp ưu đãi về thuế và có sự hỗ trợ cần thiết cho các đoàn làm phim quốc tế. Với các chương trình ký kết hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam và các đối tác nước ngoài, hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều đoàn làm phim quốc tế tới Việt Nam, mở ra cơ hội quảng bá, thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ hơn.