Giải pháp vượt trội tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô
Là trái tim của cả nước, do vậy Quốc hội đã dành cho Hà Nội những cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật Thủ đô năm 2024 để thành phố thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo.
Trong đó có nhiều giải pháp vượt trội về tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.
Phát triển giáo dục song hành kèm thách thức
Đánh giá một cách khách quan, những năm gần đây, ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô đã có những thành tựu đáng ghi nhận, cả về chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Điều này được minh chứng qua kết quả thi tốt nghiệp, thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế... hằng năm của Thủ đô.
Năm học 2023-2024, kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của học sinh thành phố tiếp tục có chuyển biến mạnh với 99,81% học sinh tốt nghiệp, tăng 0,25% và 5 bậc so với năm trước. Trong đó, tỷ lệ tốt nghiệp của khối giáo dục thường xuyên đạt 99,12%, cao hơn 2,24% so với tỷ lệ tốt nghiệp của giáo dục thường xuyên cả nước, là kết quả cao nhất trong 5 năm qua. Đáng lưu ý, học sinh Thủ đô đứng đầu cả nước với 184 học sinh đoạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. 100% giáo viên đứng lớp đạt chuẩn, tỷ lệ trên chuẩn cao.
Tuy nhiên, giáo dục và đào tạo của Thủ đô vẫn chưa mang tính dẫn dắt, chưa có các mô hình điển hình trong giáo dục có thể nhân rộng. Việc chuyển đổi các cơ sở giáo dục đào tạo công lập có khả năng xã hội hóa sang mô hình tự chủ còn chậm. Thu hút nguồn lực đầu tư từ xã hội cho giáo dục, hợp tác, liên kết quốc tế gặp nhiều rào cản về thể chế.
Hà Nội có khu vực đô thị, có nông thôn và có cả miền núi; mật độ di dân cơ học cao. Điều này dẫn đến sự bất cập về hệ thống trường học đáp ứng cho nhu cầu học tập của học sinh. Từ đây cũng đặt ra đối với quy hoạch của thành phố về vấn đề trường lớp. Cùng với đó, hầu hết trường học ở khu vực nội thành chưa đạt chuẩn đều có khó khăn, đặc biệt là tình trạng thiếu quỹ đất, khiến không bảo đảm chỉ tiêu số học sinh/m2. Nhiều trường có cơ sở vật chất xuống cấp cần nguồn kinh phí để cải tạo, xây dựng lại...
Mở ra hướng đi mới
Hóa giải các bất cập đang đặt ra, Luật Thủ đô (sửa đổi) mà Quốc hội khóa XV vừa thông qua, với các chính sách mới, cơ sở pháp lý mới góp phần giúp Hà Nội gỡ các điểm nghẽn, đặc biệt là việc đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao.
Cụ thể, Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định việc đầu tư, xây dựng hệ thống trường học công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục có nhiều cấp học bảo đảm không gian, cảnh quan sư phạm trong và ngoài nhà trường, đội ngũ giáo viên phục vụ tối đa nhu cầu học tập của học sinh; bảo đảm bố trí quỹ đất xây dựng trường học ở vị trí thuận lợi; không bố trí trường học gần nghĩa trang, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm tiếng ồn, không khí.
Luật cũng cho phép các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố được thực hiện liên kết giáo dục với các cơ sở giáo dục nước ngoài. HĐND thành phố quy định cơ chế tài chính áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, nhiều cấp học. UBND thành phố điều chỉnh, bổ sung chương trình giáo dục mầm non, phổ thông tại cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô nhằm tăng tính chủ động, sáng tạo của người học, tiệm cận nền giáo dục của khu vực và quốc tế. Hướng đi này vừa giúp các em học sinh hội nhập quốc tế ngay trên đất nước mình, vừa giúp các thầy cô giáo có cơ hội tiếp cận với các phương pháp dạy học tiên tiến, giúp phụ huynh giảm được chi phí thay vì cho con đi du học.
Đặc biệt, Luật Thủ đô (sửa đổi) thể hiện tính đặc thù, phân cấp phân quyền cho Hà Nội qua việc HĐND thành phố quy định cơ chế tài chính áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, cơ sở giáo dục công lập có nhiều cấp học, cơ sở giáo dục công lập thực hiện liên kết giáo dục với cơ sở giáo dục nước ngoài; mức hỗ trợ và lộ trình thực hiện việc hỗ trợ học phí cho học sinh phổ thông và trẻ em mầm non trên địa bàn Thủ đô không phân biệt trường công lập, dân lập và tư thục...
Tương tự, UBND thành phố Hà Nội quy định các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, chương trình giảng dạy, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục của cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục có nhiều cấp học; trình tự, thủ tục công nhận, thu hồi quyết định công nhận cơ sở giáo dục chất lượng cao...
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) đánh giá, chính sách phát triển giáo dục và đào tạo của Thủ đô, so với các quy định tại Luật Thủ đô hiện hành, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có những bước tiến lớn. Đây là cơ sở, tiền đề quan trọng để xây dựng Hà Nội thành trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.