Hai miền leo thang cảnh báo hạt nhân
Thời gian gần đây, mối quan hệ giữa Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Hàn Quốc xấu đi rõ rệt.
Mới đây nhất, Triều Tiên cho biết đã quyết định dỡ bỏ tuyến đường sắt duy nhất thông thương hai miền. Trước đó, hai bên khiến thế giới ngỡ ngàng khi cùng leo thang căng thẳng trong vấn đề an ninh có liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Hàn Quốc vốn coi chương trình hạt nhân của Triều Tiên là thách thức và đe dọa an ninh lớn nhất. Trong khi đó, Triều Tiên lại nhìn nhận chương trình hạt nhân của mình là vũ khí chiến lược quan trọng và quyết định nhất để đối phó với thách thức, đe dọa an ninh từ Mỹ và Hàn Quốc. Hiện nay, Mỹ triển khai khoảng 28.000 binh lính và nhiều hệ thống tên lửa hiện đại ở Hàn Quốc. Cách đây không lâu, tầu ngầm hạt nhân của Mỹ cặp cảng ở Hàn Quốc. Hai đồng minh quân sự chiến lược truyền thống của nhau này thường xuyên tiến hành tập trận chung ở trên biển cũng như trên bộ.
Ngày 1-10 vừa qua, Hàn Quốc trình làng hệ thống tên lửa đạn đạo Hyunmoo-5 có tầm bắn 3.000km. Và sau khi phía Triều Tiên tuyên bố tiếp tục gia tăng không giới hạn tiềm lực răn đe hạt nhân để đối phó những đe dọa an ninh từ phía Mỹ, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã cảnh báo, nếu Bình Nhưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân thì đấy sẽ là sự kết thúc của chính thể hiện tại ở Triều Tiên vì sẽ bị Hàn Quốc và đồng minh đáp trả mạnh mẽ. Xưa nay, chưa khi nào leo thang cảnh báo hạt nhân giữa hai nước công khai gia tăng mạnh mẽ đến mức độ như vậy.
Hiện tại là đỉnh điểm của quá trình mối quan hệ giữa hai nước xấu đi nghiêm trọng và rõ rệt. Quá trình này khởi đầu với sự thay đổi tổng thống ở nước Mỹ và Hàn Quốc: Ở nước Mỹ, ông Joe Biden thay thế ông Donald Trump, ở Hàn Quốc, ông Yoon Suk-yeol thay thế ông Moon Jae-in. Mỹ và Hàn Quốc siết chặt mối quan hệ đồng minh quân sự chiến lược truyền thống và tăng cường tập trận quân sự chung. Triều Tiên nhiều lần phóng tên lửa, sửa đổi hiến pháp coi Hàn Quốc là địch thủ và từ bỏ mục tiêu tái thống nhất bán đảo. Và đặc biệt là Triều Tiên nhiều lần khẳng định sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ an ninh.
Cả hai đều thời sự hóa việc cảnh báo và răn đe hạt nhân nhằm cùng mục tiêu là ngăn ngừa xảy ra xung đột vũ trang hoặc chiến tranh trên bán đảo vì nếu để xảy ra hai kịch bản này thì cả hai đều chỉ có thể thua chứ không thể thắng. Đấy sẽ là cuộc chơi "Trạng chết thì Chúa cũng băng hà". Cả hai bên đều ý thức được đầy đủ về điều này.
Dù vậy, rủi ro ở đây không những chỉ luôn tiềm tàng mà còn rất lớn. Chỉ cần một đánh giá không chuẩn xác và phân tích sai lệch là có thể đưa đến hành động trên thực tế có thể gây ra thảm họa nghiêm trọng. Hơn nữa, càng găng nhau, càng bất hòa sâu sắc với nhau, càng không tin tưởng nhau thì hai bên càng khó có thể đi vào tiếp xúc và đối thoại trực tiếp và khó đạt được giải pháp chính trị cho tất cả mọi vấn đề vướng mắc.
Càng leo thang cảnh báo và răn đe lẫn nhau thì càng khó thoát được ra khỏi những vòng xoáy ấy.