Chuyển đổi số

Bà Rịa - Vũng Tàu: Hiệu quả chuyển đổi số thể hiện trong mọi mặt đời sống

Nhóm phóng viên 10/10/2024 - 14:14

Công cuộc chuyển đổi số của tỉnh bà Rịa - Vũng Tàu đang diễn ra mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, bước đầu mang lại chuyển biến, hiệu quả rõ rệt, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển.

585-202410101351361.jpg
100% điểm bán hàng, kinh doanh dịch vụ tại huyện Châu Đức đều có mã QR thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: TN

Chuyển đổi số hiện diện mọi nơi

Chúng tôi theo bà Trương Xuân Hương, ngụ tại thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức ra chợ và rất thú vị khi chứng kiến người phụ nữ tuổi 80 này sử dụng thành thạo điện thoại di động quét mã QR để thanh toán không dùng tiền mặt khi mua mớ rau, con cá. Bà Hương chia sẻ: “Ban đầu, tôi cũng thấy lúng túng, nhưng được Tổ công nghệ số cộng đồng đến nhà hướng dẫn nên càng ngày càng thấy thuận tiện hơn. Giờ tôi ít dùng tiền mặt”.

Theo UBND huyện Châu Đức, 100% số chợ truyền thống đã là chợ 4.0; các cơ sở kinh doanh, y tế, giáo dục... và chi trả an sinh xã hội trên địa bàn huyện không dùng tiền mặt. Với thủ tục hành chính (TTHC), huyện đã hoàn thành 3 khâu đột phá với hơn 70% hồ sơ TTHC thực hiện trực tuyến; 100% chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Rút ngắn thời gian giải quyết TTHC cho 90% số thủ tục. Riêng khâu đột phá “Mỗi xã có 2 thôn, ấp thông minh”, huyện đã hoàn thành 14/30 chỉ tiêu, sẽ hoàn thành trong tháng 11-2024.

585-202410101351362.jpg
Thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng huyện Long Điền đến từng nhà dân hướng dẫn cài đặt các ứng dụng công nghệ số. Ảnh: TN

Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, những Tổ Công nghệ số cộng đồng như bà Hương nói hiện đang có trên toàn tỉnh, với 503 tổ và hơn 3.000 thành viên, hoạt động tích cực với mục tiêu hỗ trợ, giúp người dân trên địa bàn tỉnh thay đổi tư duy, tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, thiết thực, hiệu quả, góp phần đẩy nhanh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số mạnh mẽ hơn nữa.

Đơn cử như tại huyện Long Điền, các thành viên Tổ đến từng nhà dân hướng dẫn bà con sử dụng các tiện ích số cơ bản như dịch vụ công trực tuyến, định danh điện tử, chữ ký số cá nhân, thanh toán không dùng tiền mặt... và đạt hiệu quả rõ rệt. Điển hình như tại xã Phước Hưng, 100% hộ sản xuất nông nghiệp ở xã Phước Hưng đã có tài khoản trên sàn thương mại điện tử; 95% hóa đơn điện, nước được thanh toán trực tuyến. Hơn 24% dân số trưởng thành có chữ ký số cá nhân...

Tại thành phố Vũng Tàu, chuyển đổi số còn được nâng tầm, phát triển trong nhiều lĩnh vực mới. Hôm 30-9 vừa qua, UBND thành phố đã có cuộc họp với đơn vị tư vấn để chuẩn bị các bước cần thiết triển khai việc xây dựng, quản lý, sử dụng ứng dụng cấp phép xây dựng qua môi trường mạng trên địa bàn. Phần mềm này có các chức năng cơ bản như tra cứu thông tin quy hoạch; nộp hồ sơ trực tuyến; thụ lý hồ sơ; thống kê; kiểm tra danh sách hồ sơ đã hoàn thành.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũng Tàu Vũ Hồng Thuấn, phần mềm này giúp người dân tiết kiệm được thời gian, có thể nộp hồ sơ trực tuyến cũng như bổ sung cập nhật nhanh chóng, đơn giản; theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ. Khi hồ sơ hoàn tất, người dân sẽ được thông báo qua email và số điện thoại của người nộp hồ sơ; đóng lệ phí qua cổng thanh toán điện tử. Đây là một trong 2 khâu đột phá chuyển đổi số của thành phố Vũng Tàu, sẽ chính thức hoạt động trong năm 2024.

Đẩy mạnh chuyển đổi số hiệu quả hơn

Sau chuyến kiểm tra hôm 26-9 vừa qua, đoàn công tác của Cục Chuyển đổi số (Bộ Thông tin và Truyền thông) đánh giá Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh bà Rịa - Vũng Tàu (IOC, hoạt động từ tháng 4-2022) đã vận hành hiệu quả, giúp lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chức năng thu thập, đánh giá và phân tích thông tin bằng công nghệ một cách chính xác, trực quan dựa trên dữ liệu số về nhiều lĩnh vực.

585-202410101351363.jpg
Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều hoạt động hiệu quả. Ảnh: TN

Cụ thể, đã có 27 đơn vị, 10 lĩnh vực triển khai kết nối, đồng bộ và tích hợp dữ liệu về IOC tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng số 1.348 chỉ tiêu, thông số. Trợ lý ảo IOC tỉnh đã xây dựng được 9 lĩnh vực, bao gồm: Kinh tế - Xã hội, Hành chính công, Đường dây nóng, Phản ánh kiến nghị, Y tế, Giáo dục, Giám sát mạng xã hội, Đất đai, Du lịch với hơn 20.000 câu hỏi. Đặc biệt, dữ liệu IOC được đồng bộ từ các hệ thống thông tin liên quan theo thời gian thực và các ngành cung cấp theo tần suất phù hợp với nhu cầu quản lý, khai thác, bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”, gồm 1.298 chỉ tiêu, tăng 378 chỉ tiêu so với tháng 6-2024.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Đỗ Hữu Hiền thông tin, tính đến hết tháng 9-2024, tỉnh đã hoàn thành 29/37 chỉ tiêu về chuyển đổi số (đạt 78,38%). Về xây dựng đô thị thông minh, đã hoàn thành 7/12 nhiệm vụ, dự án. Đáng chú ý, Mini app trên Zalo “BRVT Smart” ra mắt từ ngày 25-4, đến nay đã thu hút 97.914 người dùng, tạo ra gần 114.260 lượt truy cập. Tỉnh cũng đang triển khai ứng dụng dịch vụ công trực tuyến “DVC Bà Rịa -Vũng Tàu” phục vụ người dân, doanh nghiệp...

585-202410101351364.jpg
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có hệ thống camera thông minh hiện đại, phục vụ bảo đảm an ninh trật tự và an toàn giao thông. Ảnh: TN

Cùng với đó, Ban Quản lý các khu công nghiệp phối hợp Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và các sở, ngành liên quan đang lựa chọn khu công nghiệp để triển khai thí điểm dự án “Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng Khu công nghiệp kiểu mẫu/Khu công nghiệp thông minh theo định hướng sinh thái và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành Khu công nghiệp tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu”.

Cũng theo Sở Thông tin và Truyền thông, thời gian tới, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục triển khai các phần việc để hoàn thành và vượt các chỉ tiêu trong chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh. Tiếp tục thực hiện khâu đột phá “Phát triển hạ tầng số với 200 trạm 5G phục vụ người dân, khách du lịch trên địa bàn tỉnh...”.