Rạng ngời hào khí Thăng Long - Hà Nội
Cách đây tròn 70 năm, sáng 10-10-1954, các cánh quân của Đại đoàn 308 - Đại đoàn Quân tiên phong từ các cửa ô tiến vào nội thành Hà Nội, trong “Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường”, giữa rừng cờ hoa cùng niềm hân hoan chào đón của hàng vạn người dân Thủ đô.
Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954 đã trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân và mở ra kỷ nguyên phát triển mới cho đất nước và Hà Nội - Thủ đô Anh hùng của đất nước anh hùng.
Trong 70 năm chiến đấu, dựng xây và phát triển, Hà Nội cùng cả nước tiếp tục tô thắm những trang sử vàng. Sau ngày tiếp quản Thủ đô, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã nhanh chóng khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Trong kháng chiến chống Mỹ, Hà Nội lại cùng “cả nước ra trận”, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến. Phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang” khởi nguồn từ Thủ đô lan tỏa cả nước, góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân 1975. Đặc biệt, trong 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972, quân dân Thủ đô đã lập nên chiến công chói lọi “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, để Hà Nội trở thành “Thủ đô của phẩm giá con người”.
Sau ngày đất nước thống nhất, vượt qua những khó khăn thời bao cấp và chính sách bao vây, cấm vận của các thế lực thù địch, Hà Nội bước vào thời kỳ xây dựng, phát triển và đổi mới với nhiều thành tựu mới. Đặc biệt là qua 4 lần điều chỉnh địa giới hành chính, Hà Nội đã có không gian phát triển rộng mở với quy mô diện tích lên tới 3.328km2, dân số (năm 2008) hơn 6,2 triệu người (năm 1954 là 152,5km2, dân số khoảng 436.000 người).
Những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã nỗ lực phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng để khai thác tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo và hội nhập quốc tế. Diện mạo Thủ đô ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, sáng - xanh - sạch - đẹp. Hệ thống giao thông đang dần được hoàn thiện khép kín với mạng lưới đường vành đai, đường sắt đô thị, cầu vượt sông, kết nối trung tâm Thủ đô tới ngoại thành và các tỉnh lân cận. Công tác quy hoạch, quản lý đô thị được đặc biệt chú trọng. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tăng cường. Văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ đạt nhiều kết quả quan trọng. Sự nghiệp xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chuyển biến tích cực; bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội cùng các giá trị truyền thống được gìn giữ, phát huy. Chất lượng cuộc sống người dân từ thành thị đến nông thôn, vùng đồng bào dân tộc được cải thiện rõ rệt. Đáng kể là dù chỉ chiếm 1% diện tích, 8,5% dân số nhưng Hà Nội hiện đóng góp tới 12,59% GDP, 17,07% thu ngân sách của cả nước, qua đó khẳng định vị trí đầu tàu, động lực phát triển quan trọng hàng đầu của đất nước. Ngoài những danh hiệu cao quý như “Thủ đô Anh hùng”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”, Hà Nội tiếp tục được bạn bè quốc tế định danh, định vị trên bản đồ thế giới với tư cách là một thành phố đáng đến, đáng sống…
Bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên kiến tạo và phát triển, Thủ đô Hà Nội đứng trước vận hội vô cùng to lớn. Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành cùng với Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua đã tạo động lực mới, tạo bước chuyển có tính đột phá cho sự nghiệp kiến tạo Thủ đô. Việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã định hình một không gian phát triển tươi sáng cho thành phố ngàn năm tuổi. Trong tương lai, Hà Nội sẽ là một thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, phát triển theo 5 trục không gian, trong đó trục sông Hồng là trục trung tâm và hai cực tăng trưởng mới là hai thành phố vệ tinh - đô thị xanh, thông minh gồm Thành phố phía Bắc sông Hồng (Mê Linh - Sóc Sơn - Đông Anh), Thành phố phía Tây (Xuân Mai - Hòa Lạc).
Trong những trang sử vàng của dân tộc, 70 năm không phải là dài, song thực sự là những năm tháng đầy hào hùng và vinh quang. Nhìn lại hành trình đã qua, chúng ta càng thêm tự hào, thêm mến yêu Hà Nội, đồng thời nhận thức rõ hơn rằng, để Thủ đô có một cơ đồ tươi đẹp như ngày nay chính là nhờ biết bao công sức, hy sinh của lớp lớp tiền nhân đã gìn giữ, vun đắp và trao truyền.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta” và Người mong muốn cán bộ, nhân dân Hà Nội cùng cả nước “làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”. Thực hiện tinh thần đó, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người Hà Nội và cả nước cần nỗ lực, chung tay cống hiến cho Thủ đô ta thêm giàu đẹp, để hào khí ngàn năm rạng ngời trên hành trình đưa “trái tim của cả nước” đến đích “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.