Chính trị

Bảy mươi năm ấy biết bao nhiêu tình

PGS.TS Trần Viết Lưu 10/10/2024 - 07:45

Tháng 10-1954, trời thu Hà Nội xanh trong lạ kỳ. Dường như đất trời cùng chung vui với người dân Thủ đô, bởi sau cuộc “kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ”, năm cửa ô mở rộng vòng tay nghĩa tình đón chào Bác Hồ, Trung ương và đoàn quân chiến thắng trở về, vang khúc khải hoàn.

a-trang-2.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo về công tác quy hoạch Thủ đô Hà Nội tại cuộc họp Bộ Chính trị năm 1959. Ảnh: Tư liệu

Người dân Thủ đô vui mừng tận mắt ngắm nhìn vầng trán rộng, mái tóc gội sương, nước da rắn rỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu, lắng đọng trong lòng những lời căn dặn ân cần, kỳ vọng tương lai xây đắp cơ đồ dân tộc, lấy Thủ đô ta làm biểu tượng linh thiêng cho một dân tộc yêu chuộng hòa bình, văn hiến, anh hùng, giàu đẹp, văn minh, để Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu.

“Từ khắp bốn phương trời lửa đạn

Đàn con về sau những năm xa

Cởi súng gạt mồ hôi trên trán

Ta lại xây Hà Nội của ta”.

(“Ngày về” - Nguyễn Đình Thi)

1. Mở lại những trang sử hào hùng của dân tộc, vào những ngày này cách đây 70 năm, toàn dân có chung cảm xúc trào dâng niềm kiêu hãnh bởi dân tộc ta có được một vị lãnh tụ thiên tài - Hồ Chí Minh. Đó là một con người được sinh ra từ lịch sử dân tộc, để gánh vác sứ mệnh lịch sử hàng ngàn năm giao phó. Sự nghiệp cách mạng mà Hồ Chí Minh đứng mũi chịu sào khi ấy là thực hiện lời thề độc lập do chính Người đã thay mặt đồng bào ta khẳng định trong bản Tuyên ngôn độc lập.

Trong bối cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, phải đối mặt với thù trong, giặc ngoài, trong đó giặc ngoài trực tiếp là thực dân Pháp và xiềng xích nô lệ hơn 80 năm. Thế và lực của chế độ mới khi ấy còn trong trứng nước, kẻ thù bên ngoài câu kết với kẻ thù bên trong âm mưu “diệt Cộng cầm Hồ”. Nhưng nhờ có sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Bác Hồ, nên cả dân tộc ta đã vùng đứng lên, kháng chiến vệ quốc. Cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta kéo dài gần 10 năm đã khởi sự từ Nam Bộ, song thực sự oanh liệt vào những ngày cuối năm 1946 tại Thủ đô Hà Nội.

Với tinh thần “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân Thủ đô đập tan âm mưu đánh phủ đầu của thực dân Pháp. Lòng dân Thủ đô yêu Đảng, yêu Bác Hồ, yêu chế độ mới, sẵn lòng tận hiến cho Tổ quốc đã được thể hiện bằng tất cả những gì mà họ có trong tay, từ vàng bạc châu báu, giường, tủ, bàn ghế, nhà cửa cho đến tính mạng. Họ trở thành điển hình gương mẫu, đi đầu trong kháng chiến, đem đến cảm hứng cho muôn dân thực hiện tiếng gọi của non sông: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Hà Nội là thành lũy bảo vệ cho Bác Hồ và Trung ương Đảng di chuyển an toàn lên Chiến khu Việt Bắc; những người ở lại tiếp tục hoạt động trong lòng địch, gây dựng cơ sở chờ ngày đón Bác Hồ và đoàn quân chiến thắng trở về. Những ngày ở Chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ và Trung ương Đảng là ngọn đuốc soi đường chỉ lối cho đồng bào cả nước kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh, truyền tinh thần lạc quan cách mạng, cổ vũ muôn dân làm nên điều kỳ diệu lịch sử: “Nực cười châu chấu đá xe/ Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng”. Ngày 7-5-1954, chiến thắng Điện Biên Phủ đi vào lịch sử, “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong chiến thắng vang dội ấy, không thể không nói đến đóng góp to lớn của quân và dân Thủ đô Hà Nội.

Ngày 19-9-1954, trên đường trở về Thủ đô yêu dấu, Bác Hồ đã gặp gỡ các cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong tại đền Hùng. Và Người căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Ngày 10-10-1954, Bác Hồ được tận mắt trông thấy đồng bào Thủ đô, lòng trào dâng xúc động, tự hào, vì Thủ đô đã được đồng bào ta đấu tranh gìn giữ, không để quân Pháp phá hoại trước khi tháo lui. Niềm vui của đồng bào Thủ đô được nhân đôi, khi nhận thông điệp lịch sử từ vị lãnh tụ tối cao của dân tộc: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ luôn gần cạnh đồng bào”. Người ân cần khen ngợi tinh thần vệ quốc của đồng bào Thủ đô, gửi gắm niềm tin và sự kỳ vọng vào một trang mới trong lịch sử ngàn năm Thăng Long - Hà Nội: “Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”, để “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta”.

Có một gạch nối lịch sử giữa "Tuyên ngôn độc lập", được Hồ Chí Minh viết tại số nhà 48 phố Hàng Ngang; "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" (ngày 19-12-1946), được phát đi từ làng Vạn Phúc, lời căn dặn của Bác Hồ tại sườn núi Nghĩa Lĩnh, và "Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng". Sợi chỉ đỏ xuyên suốt các sự kiện đó là niềm tin lịch sử, niềm tin cách mạng được gửi gắm vào nơi hồn thiêng sông núi.

2. Thực hiện lời Bác, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô mau chóng bắt tay vào công cuộc tái thiết kiến quốc, dựng xây nền móng chế độ xã hội chủ nghĩa. Ngày 4-11-1954, Hà Nội chính thức thành lập Ủy ban hành chính các quận, khi đó Hà Nội có 4 quận với 34 khu phố và 4 huyện ngoại thành với 45 xã; diện tích khoảng 152km², dân số khoảng 436.000 người. Đến nay, Thủ đô Hà Nội có diện tích 3.358,6km², chiếm khoảng 1% diện tích tự nhiên của cả nước, đứng thứ 41 về diện tích trong 63 tỉnh, thành phố ở Việt Nam, dân số khoảng 8,5 triệu người (đứng thứ hai cả nước), là một trong 17 thủ đô trên thế giới có diện tích trên 3.000km².

Trước Đại hội lần thứ I Đảng bộ Hà Nội (từ ngày 21 đến 30-4-1959), Đảng bộ có trên 12.000 đảng viên, đến nay đã có hơn 481.000 đảng viên, chiếm hơn 9% số đảng viên cả nước.

Quán triệt lời Bác dạy, cả nước vì Thủ đô, trong suốt 70 năm qua, Đảng, Nhà nước luôn hướng về Thủ đô và thể hiện trách nhiệm, tình cảm sâu nặng với Thủ đô. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong lời phát biểu chỉ đạo tại Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đã khẳng định: “Hà Nội cũng chưa khi nào có được quy mô, vị thế, tầm vóc và cơ hội phát triển như bây giờ. Vì thế, yêu cầu đặt ra đối với Hà Nội cũng không thể như với các địa phương khác, mà phải cao hơn, sâu hơn, mạnh hơn. Vì sao? Bởi vì Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là bộ mặt của quốc gia, là nơi hội tụ của khí phách cha ông, hồn thiêng dân tộc, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, tụ khí tinh hoa, địa linh nhân kiệt, có truyền thống đấu tranh cách mạng rất kiên cường, tiêu biểu cho truyền thống văn hiến và anh hùng, hòa bình và hữu nghị của dân tộc Việt Nam, nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng của đồng bào, chiến sĩ cả nước”.

Với tinh thần gương mẫu đi đầu trong hiện thực hóa khát vọng dân tộc, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, lực lượng vũ trang Thủ đô đã nỗ lực phấn đấu không ngừng, đạt nhiều kết quả quan trọng, ghi dấu ấn nổi bật qua chặng đường 70 năm làm theo lời Bác. Hiện nay, quy mô nền kinh tế Hà Nội đạt khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, tương đương 48 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 151 triệu đồng/năm. Xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được bảo đảm. Văn hóa có nhiều khởi sắc, công tác bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống gắn với phát triển kinh tế du lịch, tạo nên sức mạnh mềm trong đối nội và đối ngoại. Các sự kiện lớn được tổ chức tại Việt Nam, nhất là việc đón tiếp các nguyên thủ quốc gia thế giới, đã để lại ấn tượng tốt đẹp về một đất nước Việt Nam an toàn, hiếu khách, thân thiện, văn minh.

* * *

Hiện nay, dựa trên tiền đề 70 năm làm theo lời Bác, Thủ đô tiếp tục vững bước đi lên, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”: Thủ đô Hà Nội là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Ngẫm kỹ, càng thấy tư tưởng, tình cảm, tầm nhìn đi trước thế kỷ của Hồ Chí Minh đối với Thủ đô, như ánh bình minh mở ra chân trời tươi sáng cho dân tộc ta.