Chuyển đổi số

Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10-10: Công nghệ gắn kết người dân với chính quyền

Việt Nga 10/10/2024 - 07:02

Hiện đại hóa quản trị xã hội thông qua chuyển đổi số đem lại những lợi ích to lớn, nổi bật là các ứng dụng, nền tảng số cung cấp dịch vụ thiết yếu, kết nối người dân, doanh nghiệp với các cấp chính quyền và ngược lại. Bởi trên hết, mục tiêu xây dựng chính phủ số, xã hội số, công dân số, phát triển kinh tế số là để phục vụ nhân dân.

vneid.jpg
Tổ chuyển đổi số cộng đồng xã Việt Hùng (huyện Đông Anh) hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng định danh điện tử VNeID.

Kết nối từ các ứng dụng

Nếu như trước đây, người dân phải mang theo căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân dạng thẻ để làm các thủ tục hành chính hay thực hiện các giao dịch khác, thì sau khi ứng dụng định danh điện tử VNeID do Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an phát triển, ra đời, đã có thể thay thế giấy tờ truyền thống. VNeID đã cung cấp các tiện ích phục vụ cho việc hình thành công dân số, chính phủ số và xã hội số.

Hiện ứng dụng VNeID đã triển khai 12 tiện ích và đạt hơn 1,5 triệu lượt truy cập, sử dụng hằng ngày. Qua VNeID, đã có nhiều địa phương triển khai giải pháp chi trả an sinh xã hội và ứng dụng này đặc biệt hữu ích đối với những trường hợp được bảo trợ xã hội, người có công, người cao tuổi ở vùng sâu, vùng xa.

Theo Bộ Công an, tổng số lượt sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID trên các cổng dịch vụ công đến nay là 29,375 triệu lượt; đăng nhập trên ứng dụng Etax của Tổng cục Thuế là trên 2 triệu lượt; đăng nhập vào ứng dụng VssID của Bảo hiểm xã hội Việt Nam là 10,4 triệu lượt. Việc đăng nhập qua VNeID giúp tiết kiệm cho Nhà nước ước tính 469 tỷ đồng (số liệu của Bộ Công an tính đến hết tháng 6-2024).

Tiếp tục tận dụng những hiệu quả của VNeID mang lại, ngày 2-10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chính thức kích hoạt việc triển khai mở rộng thí điểm Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID trên toàn quốc (từ ngày 1-10-2024 đến 30-6-2025). Trước đó, việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp được thí điểm qua ứng dụng VNeID tại Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế đem lại nhiều lợi ích thiết thực, tiết kiệm chi phí đi lại, thời gian cho người dân…

Trong các ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp, không thể không nhắc đến vai trò của Cổng dịch vụ công quốc gia. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đến hết tháng 8-2024, Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 4.473 dịch vụ công trực tuyến; hơn 353 triệu hồ sơ đồng bộ; 58,4 triệu hồ sơ trực tuyến; hơn 34,4 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 16.533 tỷ đồng…

Tại Hà Nội, ứng dụng Công dân Thủ đô số - iHanoi được UBND thành phố đưa vào khai thác từ cuối tháng 6-2024 vừa qua đã thực sự là cầu nối hiệu quả giữa người dân với chính quyền các cấp. Qua iHanoi, người dân, doanh nghiệp tương tác với cơ quan chính quyền dễ dàng, thuận tiện bằng việc phản ánh những vấn đề đời sống dân sinh bức xúc và việc giải quyết thủ tục hành chính. Cơ quan tiếp nhận sẽ phản hồi cho công dân biết về đơn vị giải quyết, xử lý kiến nghị.

Sau 3 tháng vận hành, ứng dụng iHanoi tiếp nhận hơn 12.000 phản ánh, kiến nghị; các cơ quan, đơn vị chức năng của thành phố đã xử lý hơn 9.500 nội dung, đạt gần 80%. Tỷ lệ người dân đánh giá hài lòng, chấp nhận đối với kết quả giải quyết phản ánh, kiến nghị chiếm 60%.

Đem lại giá trị to lớn

Các ứng dụng, dịch vụ, nền tảng nêu trên không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân mà còn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong quản lý nhà nước, giúp giảm lãng phí và sai sót trong việc sử dụng giấy tờ truyền thống, tiết kiệm chi phí và thời gian.

Số liệu từ Bộ Công an cho thấy, trong số hơn 32 triệu dữ liệu Sổ sức khỏe điện tử được tạo lập, có hơn 14,6 triệu công dân đã tích hợp Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID; 12.518/12.693 cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đồng bộ dữ liệu liên thông qua bảo hiểm xã hội để tích hợp vào VNeID. Riêng Hà Nội đã tạo lập được Sổ sức khỏe điện tử cho 7,5 triệu người dân với 21 trường thông tin; 2,5 triệu Sổ sức khỏe điện tử với 48 trường thông tin.

Việc liên thông qua VNeID giúp tiết kiệm khoảng 1.150 tỷ đồng mỗi năm tiền mua sổ y bạ cho 230 triệu lượt người khám bệnh. Đồng thời, ứng dụng này tạo thuận lợi cho người dân trong việc chủ động theo dõi hồ sơ sức khỏe của bản thân và có thể cung cấp hồ sơ bệnh án cho bác sĩ bất cứ lúc nào. Đối với Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước phân tích dữ liệu sức khỏe người dân để thống kê, tổng hợp, dự báo, đưa ra các chính sách quản lý. Về việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID, ước tính với nhu cầu cấp loại thủ tục này hằng năm là khoảng 2,6 triệu phiếu, khi người dân thực hiện đăng ký qua VNeID sẽ giúp tiết kiệm khoảng 400 tỷ đồng/năm.

Hoặc với Cổng dịch vụ công quốc gia, nhiều thủ tục hành chính thiết yếu được tích hợp đã tiết kiệm nhiều nguồn lực. Ước tính, riêng việc cung cấp 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 qua Cổng dịch vụ công quốc gia đã giúp tiết kiệm trên 3.500 tỷ đồng/năm (tính đến hết tháng 6-2024). Có thể kể đến một số ví dụ như việc đăng ký dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng đã giúp phụ huynh, học sinh tiết kiệm thời gian và tiết kiệm chi phí ước tính 244,5 tỷ đồng/năm. Việc đăng ký thường trú qua Cổng dịch vụ công quốc gia với các thông tin công dân được tự điền, giúp giảm xuất trình một số loại giấy tờ, ước tính giúp tiết kiệm 295,8 tỷ đồng/năm…

Với ứng dụng iHanoi, những phản hồi tích cực chỉ sau 3 tháng triển khai là một minh chứng khi đã có trên 1,1 triệu tài khoản; hơn 9 triệu lượt người truy cập ứng dụng. Đáng chú ý, sự tương tác của người dân và các cấp chính quyền Thủ đô qua ứng dụng đã giúp tăng gắn kết khi các kiến nghị dân sinh hằng ngày được xử lý kịp thời, hiệu quả thông qua thông báo hiện ngay trên ứng dụng.

Đánh giá về quá trình vận hành ứng dụng iHanoi, đại diện Văn phòng UBND thành phố nhận định, người dân đã có thể cùng các cơ quan chức năng theo dõi, giám sát đến cùng những vấn đề phát sinh tại cơ sở. Đây là ưu thế, mặt tích cực mà chuyển đổi số đã, đang đem lại, góp phần nâng cao hiệu quả quản trị của chính quyền cũng như đời sống của người dân. Thành phố sẽ tiếp tục phát triển một số tiện ích khác để người dân Hà Nội tiến tới đồng bộ, chuyển sử dụng tài khoản VNeID “chạm để kết nối” iHanoi trong thời gian tới.

Tại hội nghị trực tuyến triển khai mở rộng thí điểm Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc diễn ra ngày 2-10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh một số quan điểm trong triển khai chuyển đổi số. Đó là tư tưởng chỉ đạo “chỉ bàn làm, không bàn lùi, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không nóng vội”; “quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt”. Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” theo thời gian thực và kết nối, chia sẻ dữ liệu này với nhau, không cục bộ dữ liệu tại địa phương, đơn vị.

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu “5 bảo đảm”: Bảo đảm sự tham gia đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương; bảo đảm hạ tầng số hoạt động thông suốt; bảo đảm nhân lực triển khai ứng dụng, tiện ích; bảo đảm 100% người dân, doanh nghiệp có nhu cầu được tiếp cận dễ dàng, an toàn, tiện lợi, chi phí thấp; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, dữ liệu.

“Chúng ta đang trên đường xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, hướng tới nền kinh tế số, tiên tiến. Chúng ta phải bắt kịp đến cùng và vượt lên trong kỷ nguyên số của nhân loại. Tôi kêu gọi các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là người đứng đầu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ vào chuyển đổi số, tạo ra chuyển biến tích cực và tất cả chuyển biến đó sẽ được đo lường bằng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.