Ra mắt show thực cảnh “Chuyện phố hàng” ở phố cổ Hà Nội
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), tối 9-10, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp cùng các đơn vị giới thiệu chương trình thực cảnh “Chuyện phố hàng” tại Ngôi nhà Di sản, 87 Mã Mây, quận Hoàn Kiếm.
Lấy cảm hứng từ hình ảnh và những câu chuyện về Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây, “Chuyện phố hàng” tái hiện không gian và đời sống sinh hoạt của một gia đình trung lưu người Hà Nội những năm 1930 thế kỷ trước và được các nghệ sĩ hóa thân thành các nhân vật, thông qua sân khấu hóa, biểu diễn nghệ thuật hát, múa truyền thống, kết hợp với kỹ xảo âm thanh, ánh sáng và các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ, nhằm tạo cảm xúc và đưa khán giả trở về với quá khứ.
Trải nghiệm chương trình, khán giả được cảm nhận đầy đủ các giác quan, từ mùi hương của các dược liệu, xem hoạt cảnh về một gia đình làm nghề thuốc cứu người, thưởng thức chè sen…
Giám đốc Công ty Femor Nguyễn Quốc Tính - đơn vị tổ chức sản xuất chương trình - cho biết, khán giả sẽ có khoảng một tiếng trải nghiệm chương trình, trong đó riêng show diễn “Chuyện phố hàng” có độ dài 36 phút.
“Bắt nguồn từ lịch sử ngôi nhà 87 Mã Mây trước kia là của một gia đình làm nghề thuốc, chúng tôi muốn dàn dựng câu chuyện về một gia đình có truyền thống làm thuốc ở phố cổ, trong đó có sử dụng nhiều yếu tố nghệ thuật như kịch hình thể, kịch câm… Các vai diễn do các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ đảm nhiệm”, ông Nguyễn Quốc Tính chia sẻ.
Theo Phó Trưởng ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, chương trình thực cảnh “Chuyện phố hàng” nằm trong dự án xây dựng chuỗi hoạt động biểu diễn tại phố cổ Hà Nội, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản của khu phố cổ, góp phần vào việc triển khai thực hiện công nghiệp văn hóa, tăng sức hút cho du lịch Thủ đô.
Theo kế hoạch, sau chương trình “Chuyện phố hàng” kể về nghề làm thuốc, ê kíp thực hiện sẽ thực hiện các số kể về những phố nghề khác của 36 phố phường Hà Nội. Khán giả còn được chiêm nghiệm sự tinh tế, tao nhã của người Hà thành xưa qua những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo như: Vải lụa, tranh thêu tay truyền thống, nghệ thuật tranh khắc gỗ, sơn mài…
Ban tổ chức hy vọng, chương trình lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống, quảng bá hình ảnh của con người, đất nước Việt Nam tới bạn bè quốc tế; từng bước kích cầu, thúc đẩy phát triển du lịch, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quận Hoàn Kiếm nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung.
Dự kiến, Ban tổ chức sẽ khai thác chương trình thực cảnh này vào ngày thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật hằng tuần.