Chính trị

Vận dụng bài học “Dân là gốc” trong tình hình mới

Cẩm Tú - Nguyễn Lê 09/10/2024 - 15:49

Ngày 9-10, tại thành phố Hồ Chí Minh, Ban Dân vận Trung ương tổ chức hội thảo khoa học “Quan điểm, giải pháp thực hiện bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” và phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới”.

anh-1.jpg
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Cẩm Tú

Đây là hội thảo triển khai đề tài trọng điểm cấp quốc gia KX 04.11/21-25 do đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội (nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương) làm chủ nhiệm.

Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phía Nam.

Hội thảo nhằm thảo luận và đề ra các giải pháp nhằm hiện thực hóa quan điểm “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” và phát huy tối đa sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang đứng trước nhiều thách thức về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Đỗ Văn Phới cho biết: Trải qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn.

“Có được những thành tựu đó là do sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, kiên trì tư tưởng “trọng dân” và vận dụng sáng tạo bài học “Dân là gốc”, “Nước lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong huy động sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Trải qua các nhiệm kỳ, trong Văn kiện Đại hội, Đảng ta đều tập trung nhấn mạnh vị trí, vai trò quan trọng của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, đồng chí Đỗ Văn Phới nhấn mạnh.

anh-2.jpg
Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Đỗ Văn Phới phát biểu đề dẫn hội thảo. Ảnh: Cẩm Tú

Phát biểu tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương Đào Đoan Hùng nhấn mạnh, hội thảo là cơ hội để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong việc triển khai các chủ trương lớn của Đảng về vai trò của nhân dân. Đồng chí cũng khẳng định việc thực hiện bài học “Dân là gốc” cần được đặt vào bối cảnh tình hình mới, với nhiều cơ hội và thách thức đan xen.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết toàn dân tộc. Đồng chí Nguyễn Hồ Hải khẳng định: “Thành phố Hồ Chí Minh luôn coi việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là yếu tố then chốt trong mọi thành công. Chính sách phát triển phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững”.

anh-3.jpg
Đại biểu đến từ tỉnh Trà Vinh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Cẩm Tú

Tại hội thảo, PGS.TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, cần tăng cường vai trò của trí thức trong việc tư vấn chính sách. “Cần tạo điều kiện cho tầng lớp trí thức tham gia nhiều hơn vào tham mưu cho các tổ chức chính trị - xã hội, từ đó tư vấn cho Đảng và Nhà nước những chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Trong tình hình mới, không thể tách trí thức ra khỏi tầng lớp chung mà phải phát huy hết tiềm năng sáng tạo của họ”, PGS.TS Phạm Quang Thao cho hay.

anh-4.jpg
PGS.TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Cẩm Tú

PGS.TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, những luận cứ khoa học từ hội thảo là cơ sở vững chắc để đưa ra các chính sách chiến lược, giúp đất nước phát triển bền vững, đạt được mục tiêu giàu mạnh, văn minh và hạnh phúc. Kết quả từ hội thảo sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Hội đồng Lý luận Trung ương về các giải pháp cụ thể để vận dụng hiệu quả bài học “Dân là gốc” trong phát triển kinh tế - xã hội.