Nhớ lời Bác dặn trước ngày tiếp quản Thủ đô
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, trên đường từ chiến khu Việt Bắc trở lại Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ đã đến thăm đền Hùng.
Đêm 18-9-1954, Bác Hồ nghỉ lại tại đền Giếng, một di tích quan trọng trong quần thể Khu di tích lịch sử, văn hóa quốc gia đặc biệt đền Hùng. Tại đây, sáng ngày 19-9-1954, trong buổi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân tiên phong (Đại đoàn 308) trên đường trở về tiếp quản Thủ đô, Người đã căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Đại tá Tống Xuân Đài, nguyên cán bộ Cục Bảo vệ - Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, kể lại: “Trung tuần tháng 9-1954, khi đang ở Tuyên Quang để học tập chủ trương của Đảng, chính sách của Chính phủ về nội quy nhập thành trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, tôi cùng đồng chí Lại Xuân Thát, Chính trị viên Tiểu đoàn (sau này là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ty Công an tỉnh Nam Hà) được đồng chí Ngô Minh Loan, Cục trưởng Cục Bảo vệ gọi lên giao nhiệm vụ: “Sang ngay Bộ Tổng tham mưu gặp anh Thành (đồng chí Hoàng Văn Thái) lấy công lệnh và giấy tờ cần thiết, dùng xe của tôi đem theo bốn đồng chí cán bộ trung đội đến bến phà Bình Ca và bến phà Đoan Hùng, lấy một chiếc phà tốt, cho một cán bộ lấy ca nô đợi sẵn tại bên bờ phía Tuyên Quang; giao cho một đồng chí chờ sẵn trên đường, thấy đoàn xe đến, trên chiếc xe đi đầu có đồng chí Thanh Quảng - Phó Văn phòng Tổng Quân ủy ngồi thì cho cả đoàn xuống phà qua sông ngay, và chờ sẵn ở đó đón đoàn về bất cứ lúc nào. Sau đó thì đến ngay khu vực gần đền Hùng, tìm trong các thôn ở ven đường, nơi nào thuận tiện đi lại, vào một nhà dân bình thường, mượn một chiếc giường hoặc phản sạch sẽ trải chiếu sẵn sàng, đề phòng phải ngủ lại, để một người ở lại đó, một người ra đường đón”.
Làm xong việc bố trí tại 2 bến phà, chúng tôi đến ngã ba Phú Hộ, vào một gia đình bần nông ở thôn gần đường mượn một chiếc phản gỗ trải sẵn chiếu. Để anh Thát ở lại đó, tôi ra ngã ba Phú Hộ chờ. Mãi đến gần tối cũng không thấy đoàn xe có anh Thanh Quảng ngồi. Vừa sốt ruột, vừa lo lắng, điện thoại để thông tin cũng không có, tôi và anh Thát bổ đi tìm. Xuôi xuống gần đến đầu huyện Hạc Trì thì trông thấy ở phía chân đồi có ánh đèn, bọn tôi bèn đi vào (sáng ra mới biết đó là đền Giếng, Khu di tích lịch sử đền Hùng). Vừa vào tới cổng thì anh Thanh Quảng vội đi nhanh ra ngoài ngăn chúng tôi lại, nói nhỏ: “Đến rồi! Đang nghỉ trong đền, các anh về nghỉ đi, sáng mai báo cho bộ đội đến đây sớm”.
Chúng tôi vào nhà dân nghỉ nhờ. Hơn 6h sáng, tôi dậy, vội rửa mặt, mặc quần áo rồi đi ngay, vào đền tầm khoảng 7h. Bác Hồ lúc ấy trông hồng hào, khỏe mạnh, mặc bộ đồ gụ, ngoài khoác chiếc áo đại cán, ung dung ngồi ngắm cảnh thiên nhiên mùa thu miền trung du buổi sớm mai. Bác nói: “Sáng rồi các chú còn nhiều việc phải chuẩn bị. Bác cũng có việc của Bác, các chú mời bộ đội đến đây để Bác nói chuyện”. Vâng lời Bác, chúng tôi đi nhanh ra cổng để gọi, vừa hay anh em bộ đội từ các đơn vị cũng đang đi đến. Khoảng 7h15, đoàn cán bộ do đồng chí Vũ Yên - Tham mưu trưởng Đại đoàn, đã có mặt đầy đủ tại sân đền, chăm chú ngắm nhìn Bác không rời mắt. Do điều kiện sân đền quá hẹp, các bậc từ sân lên đến hè cao đến 4 - 5 bậc; bàn, ghế không có và do mải ngắm nhìn Bác nên anh em chưa biết tập hợp thế nào để nghe Bác nói chuyện. Tôi đưa mắt nhìn quanh, nhặt mẩu gạch non gần đó rồi khoanh một vòng tròn chếch xung quanh Bác, và thưa: “Thưa Bác, chúng cháu ngồi quanh Bác như thế này ạ”. Quan sát một chút tỏ ý đồng tình, Bác gật đầu, giơ tay ra hiệu cho bộ đội ngồi xuống.
Sau mấy phút ổn định chỗ ngồi, Bác mở đầu bằng câu hỏi: “Các chú có biết đây là đâu không?”. Nhiều đồng chí đồng thanh trả lời: “Thưa Bác đây là đền Hùng ạ! Đây là nơi thờ Hùng Vương ạ!”. Bác nói: “Đúng, đây là đền Hùng, thờ các vua Hùng, vua Hùng là người đã sáng lập ra nước ta, là tổ tiên của dân tộc ta. Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước!”. Tiếp đó Bác nói: “Hơn 8 năm gian khổ chiến đấu do Đảng lãnh đạo, được nhân dân đùm bọc, giúp đỡ, bộ đội và dân quân du kích dũng cảm đánh giặc; ta đã giành thắng lợi, quân Pháp phải cút khỏi miền Bắc nước ta, ta có nhiệm vụ về tiếp quản Hà Nội Thủ đô của cả nước và những thành phố khác nữa. Nhiều năm các chú ở nông thôn và rừng núi, nay về thành phố nơi tạm chiếm của địch, đồng bào ta cũng đã nhiều năm bị địch hành hạ, cưỡng bức, rất khổ, có người bị địch bắt buộc hoặc vì cuộc sống phải làm việc cho địch. Khi vào tiếp quản đóng quân trong thành phố các chú phải:
1. Gần gũi dân, tôn trọng dân, làm tốt công tác dân vận, giải thích cho đồng bào hiểu chủ trương, chính sách của Chính phủ, không nghe kẻ xấu, yên tâm tiếp tục làm ăn, giúp đỡ Chính phủ, giúp đỡ bộ đội và cán bộ. Không được coi những người dân sống trong vùng địch tạm chiếm là đi theo địch mà xa lánh họ.
2. Thành phố có đèn điện, máy nước và nhiều thứ khác nữa, có thể các chú chưa biết, phải nhờ đồng bào chỉ bảo để biết cách sử dụng cho an toàn, tiết kiệm và giữ gìn vệ sinh cho tốt.
3. Về thành phố cũng phải tổ chức học tập quân sự, chính trị, chính sách, học canh gác, tuần tra trong thành phố, giữ nghiêm kỷ luật, ra ngoài phải đi theo tổ ba người, khi đi xin phép, khi về báo cáo, tối đến phải tập hợp “kêu tên” (tức là điểm danh), hàng tuần, hàng tháng phải họp lại kiểm điểm phê bình và tự phê bình, phải đề cao cảnh giác. Các chú đã qua nhiều năm chiến đấu, không bị ngã vì hòn tên mũi đạn của địch, nếu kém cảnh giác có khi bị ngã vì “viên đạn bọc đường”.
4. Tiếp quản là một việc rất mới, nhiệm vụ nặng nề các chú phải gắng hoàn thành tốt, chú nào có thành tích báo cáo lên chỉ huy để tặng Huy hiệu của Bác cho chú ấy, chú nào có thành tích to hơn báo cáo để Chính phủ tặng Huân chương”.
Nói đến đây, Bác đưa tay lấy huy hiệu của Người giao cho đồng chí Song Hào để phát cho mỗi người có mặt tại đây một chiếc.
Năm 2014, khi về thăm lại đền Hùng, ông Đài bộc bạch: “Sự kiện trên diễn ra đã 60 năm rồi, mà tôi vẫn thấy như là mới hôm qua. Thăm lại đền Hùng, tôi vẫn xác định được chính xác vị trí Bác ngồi nói chuyện với Đại đoàn Quân tiên phong năm ấy là đền Giếng trong khu di tích lịch sử đền Hùng. Xin cảm ơn anh Đinh Đăng Định, nhà nhiếp ảnh tài hoa đã ghi lại được tấm hình quý giá này và hôm nay bức ảnh được phóng to trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng với tiêu đề: “Ngày 19 tháng 9 năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ Đại đoàn quân Tiên phong (F 308), tại Đền Giếng, trong khu di tích lịch sử Đền Hùng trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội; Người căn dặn: Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Đã 70 năm qua đi, song những lời nhắc nhở của Bác vẫn mang tính thời sự như mới ngày hôm qua. Nhớ lời Bác dạy, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những đảng viên giữ chức vụ quản lý cần không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, học tập và làm theo phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh để tránh bị “viên đạn bọc đường” làm sa ngã, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, giữ vững niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam tươi đẹp và anh hùng.