Chính trị

Huyện Sóc Sơn: Viết tiếp trang sử vàng từ mốc son Hội nghị Trung Giã

Sơn Hoàng 09/10/2024 17:33

Hội nghị quân sự Trung Giã diễn ra từ ngày 4 đến 27-7-1954 tại thôn Xuân Sơn, xã Trung Giã, huyện Đa Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc (nay thuộc huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội) giữa Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ Tổng Chỉ huy các lực lượng Liên hiệp Pháp tại Đông Dương. Tại đây, hai bên đã đàm phán và thống nhất giải quyết vấn đề ngừng bắn, trao trả tù binh, lập lại hòa bình ở Đông Dương... Đến nay, sau 70 năm, những kết quả đạt được tại Hội nghị Trung Giã vẫn còn nguyên giá trị; xứng đáng là trang sử vàng của nền ngoại giao quân sự Việt Nam.

soc-son.jpg
Học sinh huyện Sóc Sơn ôn lại lịch sử qua những bức ảnh tư liệu được trưng bày tại Khu di tích lịch sử cách mạng Hội nghị quân sự Trung Giã ngày 30-7-2024.

Vẹn nguyên giá trị lịch sử

Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh cho biết, để hiện thực hóa chủ trương của Hội nghị Genève, trong phiên họp thứ 8 ngày 29-5-1954, đoàn đàm phán Việt Nam và Pháp đã thông qua việc cử đại diện Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội hai nước gặp nhau để bàn vấn đề bố trí lực lượng quân sự theo thỏa thuận đình chiến, bắt đầu bằng phân vùng tập kết quân đội hai bên ở Việt Nam.

Theo đó, từ ngày 4-7-1954, Hội nghị giữa đại diện Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội hai nước Việt Nam và Pháp được tổ chức tại Trung Giã (Sóc Sơn) để bàn về việc thực hiện những vấn đề đã thỏa thuận ở Hội nghị Genève. Đoàn đại biểu Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam do Thiếu tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng làm Trưởng đoàn và Đoàn đại biểu Bộ Tổng Chỉ huy các lực lượng Liên hiệp Pháp do Đại tá Lennuyow làm Trưởng đoàn. Những nội dung được bàn bạc và thống nhất tại hội nghị, bao gồm: Tất cả các vấn đề quân sự do Hội nghị Genève đặt ra; biện pháp thực hiện những vấn đề Hội nghị Genève thỏa thuận và những vấn đề quân sự do tình hình thực tế tại chỗ đặt ra. Ngoài ra, hai bên còn thỏa thuận thêm một số vấn đề về tù binh; thực hiện ngừng bắn; điều chỉnh khu vực tập kết quân đội; thành lập Ủy ban Liên hợp quân sự Việt - Pháp và những vấn đề khác nếu thấy cần thiết.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nhật, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, thành công của Hội nghị quân sự Trung Giã có ý nghĩa lịch sử to lớn. Hội nghị đã bàn thảo thành công việc ngừng bắn ở Bắc Bộ ngày 27-7-1954, Trung Bộ là ngày 1-8-1954, Nam Bộ là ngày 11-8-1954, trên đất nước Lào là ngày 6-8-1954 và ở Campuchia là ngày 7-8-1954. “Với kết quả đó, Đoàn đại biểu Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó: “Phải vững vàng về nguyên tắc, nhưng linh hoạt về sách lược”, góp phần vào thành công của Hội nghị Genève và là pho sử vàng, vẻ vang của nền ngoại giao quân sự Việt Nam”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nhật nhấn mạnh. Đặc biệt, thành công của Hội nghị quân sự Trung Giã cũng là tiền đề quan trọng để tiến tới giải phóng Thủ đô (10-10-1954); đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp tại Việt Nam.

“Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ

Phát huy giá trị Khu di tích lịch sử cách mạng kháng chiến, hiện nay, các cơ quan, trường học trên địa bàn huyện Sóc Sơn thường xuyên tổ chức cho học sinh đến tham quan, sinh hoạt truyền thống, ôn lại lịch sử đấu tranh trên bàn ngoại giao của quân đội ta. Đặc biệt, từ năm học 2012 - 2013 đến nay, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn đã triển khai giảng dạy lịch sử địa phương ở tất cả các khối lớp theo phân môn từ 1-2 tiết học/năm.

Để di tích trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Sóc Sơn Nguyễn Nam Hà kiến nghị triển khai 5 nhóm giải pháp trong thời gian tới.

Trước hết, các sở, ngành hỗ trợ huyện Sóc Sơn trong công tác quảng bá, thông tin về các di tích lịch sử cách mạng kháng chiến; xây dựng tour kết nối các di tích, địa điểm tham quan với cảnh quan thiên nhiên của địa phương. Ngoài ra, sử dụng công nghệ hiện đại vào quản lý di tích để tạo sự hấp dẫn đối với khách trẻ; phát triển chương trình giáo dục trải nghiệm kết hợp việc tham quan di tích... Đặc biệt là ứng dụng công nghệ mới vào xây dựng nhà trưng bày nhằm tái hiện sinh động không khí của các sự kiện cách mạng năm xưa.

Thứ hai, kết nối các sự kiện, lễ hội... để tạo ra chuỗi sự kiện du lịch thu hút và tận dụng tối đa các nguồn khách; thường xuyên trao đổi thông tin du lịch giữa các quận, huyện, tỉnh, thành phố lân cận để phát triển đa dạng loại hình du lịch gắn với khu di tích.

Thứ ba, huyện chỉ đạo các phòng, ban phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng ở trung ương, thành phố, với các cơ quan truyền thông, doanh nghiệp lữ hành xây dựng chương trình du lịch về chiến trường xưa để thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm. Đồng thời, có cơ chế để huy động các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch.

Thứ tư, tổ chức các sự kiện có sự kết hợp chặt chẽ cả 3 lĩnh vực văn hóa - thể thao - du lịch để tạo điểm nhấn; chủ động, tích cực tham gia các hoạt động văn hóa trong và ngoài khu vực để quảng bá giá trị văn hóa, lịch sử của huyện, gắn hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật với hoạt động đối ngoại, xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư... Qua đó, phát huy giá trị của di sản văn hóa, lịch sử trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch bền vững.

Thứ năm, tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đặc biệt, cần xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, có năng lực, kiến thức, am hiểu lịch sử để thuyết minh, hướng dẫn, giúp khách du lịch hiểu về những giá trị văn hóa lịch sử đặc sắc của địa phương.

Khu di tích lịch sử cách mạng kháng chiến Hội nghị quân sự Trung Giã là mốc son in đậm truyền thống, lòng quả cảm, là niềm tự hào của huyện Sóc Sơn. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp và của mọi người dân. Qua đó nhân lên niềm tin đối với Đảng, lòng tự hào dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho cán bộ và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ noi gương thế hệ ông cha ra sức học tập, lao động và cống hiến sức lực, trí tuệ để xây dựng huyện Sóc Sơn nói riêng, Thủ đô Hà Nội nói chung ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Trong suốt 70 năm qua, Hội nghị quân sự Trung Giã và hình ảnh những con người đã tham gia và tạo nên thành công của hội nghị, như các đồng chí: Văn Tiến Dũng, Song Hào, Lê Quang Đạo, Hồng Hà... vẫn in đậm trong ký ức, lịch sử truyền thống hào hùng của quân và dân huyện Sóc Sơn. Năm 2002, nơi tổ chức Hội nghị quân sự Trung Giã đã được thành phố xếp hạng là Khu di tích cách mạng kháng chiến.