Kinh tế

Hà Nội vươn mình xứng với vai trò đầu tàu kinh tế

Hồng Sơn 09/10/2024 12:26

Chặng đường 70 năm qua kể từ ngày Thủ đô Hà Nội được giải phóng (10-10-1954) thật sự là giai đoạn Hà Nội vươn mình, khẳng định vai trò, vị thế đầu tàu.

Những ngày thu này, Đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân thành phố đang ôn lại và tự hào về kết quả đã gặt hái trong chặng đường 70 năm. Đó cũng là hành trang quý giá, cần chắt lọc và phát huy để Hà Nội cùng cả nước bước vào giai đoạn phát triển mới…

hnm.1cdn.vn-2024-09-26-_t1-dinh-chuyende-kinhte-hanoi.jpg
Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam (Khu công nghiệp Nội Bài, huyện Sóc Sơn). Ảnh: Quang Thái.

Từ quy mô nhỏ bé...

Hà Nội ngày đầu sau giải phóng (10-10-1954) chỉ có 1.522 cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, bên cạnh sản xuất nông nghiệp bị gián đoạn, manh mún. Hệ thống hạ tầng giao thông, thương mại rất thiếu, quy mô nhỏ bé. Với kế hoạch ba năm khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh 1955-1957, kinh tế Hà Nội đã có sự cải thiện rõ rệt. Đó cũng là bước khởi đầu, bắt tay xây dựng cuộc sống mới. Sau ba năm, sản xuất nông nghiệp đã cơ bản được khôi phục. Sản lượng lúa năm 1955 đạt trên 14,3 nghìn tấn; năm 1956 tăng lên 24 nghìn tấn. Sản lượng toàn ngành công nghiệp Thủ đô năm 1957 tăng gấp 3,2 lần năm 1955…

Những năm tiếp theo, kinh tế Thủ đô ghi dấu ấn bằng việc ra đời của hàng loạt cơ sở sản xuất, nhà máy mới - là xung lực và sức sống cho nền sản xuất tự lực, bên cạnh sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế. Đó là những nhà máy dệt - may, cơ khí, sửa chữa ô tô, sản xuất động cơ, hàng tiêu dùng, gắn liền với đời sống người dân suốt giai đoạn bao cấp. Đó là thời kỳ chưa thể gọi là đủ đầy nhưng đáp ứng khá tốt nhu cầu xã hội và đồng thời đặt nền tảng cho sự phát triển trên diện rộng của Thủ đô trong những năm sau này. Vị thế của Hà Nội cũng ngày càng được củng cố, khẳng định trong thời kỳ 1961-1975. Đến năm 1975, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn tăng gấp 2,1 lần so với năm 1960; giá trị tổng sản lượng công nghiệp tăng gấp 3,5 lần; giá trị tổng sản lượng nông nghiệp gấp 1,4 lần; sản lượng lương thực quy thóc gấp 1,2 lần; tổng mức bán lẻ hàng hóa gấp 3,2 lần; chi ngân sách trên địa bàn gấp 6,2 lần; thu nhập bình quân đầu người của một gia đình công nhân, viên chức gấp 1,5 lần…

Giai đoạn tiếp theo, đặc biệt những năm 1981-1985, Hà Nội đổi mới cơ chế quản lý thông qua thực hiện khoán sản phẩm trong nông nghiệp và nhấn mạnh vai trò của kinh tế tư nhân, duy trì sản xuất công nghiệp. Nhờ vậy, tổng sản phẩm xã hội năm 1985 tăng 47,6% so với năm 1980, bình quân mỗi năm trong 5 năm 1981-1985 tăng 8,1%. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp năm 1985 tăng 62,6% so với năm 1981, bình quân mỗi năm tăng 12,9%. Giá trị tổng sản lượng nông nghiệp năm 1985 tăng 60,5% so với năm 1980. Tổng mức bán lẻ hàng hóa theo giá thực tế năm 1985 tăng gấp 14,6 lần năm 1981.

Từ giai đoạn đổi mới (1986) đến nay, Hà Nội đã trải qua gần 40 năm tập trung cho phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, với quy mô và sức lan tỏa ấn tượng. Trước hết, Hà Nội điều chỉnh địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12, ngày 29-5-2008 của Quốc hội đã mở ra không gian, điều kiện to lớn cho việc huy động nguồn lực phát triển. Diện tích Hà Nội tăng từ 920,97km2 lên 3.348,5km2, quy mô dân số tăng lên hơn 8 triệu người. Riêng tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2008-2013 bình quân đạt 9,59%/năm.

Đáng chú ý là, quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở Hà Nội ngày càng có sự tham gia đắc lực của các thành phần kinh tế. Do đó, vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn Thủ đô chiếm khoảng 25% vốn thực hiện của cả nước. Đến năm 2015, trong cơ cấu kinh tế, tỷ trọng dịch vụ chiếm 54-55%; công nghiệp - xây dựng chiếm 41%-42% và nông nghiệp 3%-4%. Năm 2020, khu vực dịch vụ chiếm 55,5%-56,6%, công nghiệp - xây dựng chiếm 41%-42% và nông nghiệp là 2%-2,5%. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu trên địa bàn bình quân là 14%-15%/năm thời kỳ 2011-2015 và 13%-14% thời kỳ 2016-2020.

picture1.png
Cơ cấu vốn đầu tư trên địa bàn thành phố 9 tháng đầu năm. Nguồn: Cục Thống kê Hà Nội.
do-hoa.png
Tốc độ tăng trưởng GRDP 9 tháng năm 2024. Nguồn: Cục Thống kê Hà Nội

Đến giai đoạn phát triển mới

Tính chung, trong 10 năm trở lại đây, Hà Nội luôn có mức tăng trưởng kinh tế cao hơn mức tăng GDP trung bình của cả nước. Một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao đã hình thành, có bước phát triển khá, như: Điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, rô bốt, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học… Thực hiện chủ trương phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực, trong 3 năm gần đây (2021-2023), đã có 79 doanh nghiệp với 112 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố Hà Nội. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Hà Nội đứng thứ 8 cả nước. Bằng những chính sách năng động và hiệu quả, Hà Nội luôn trong nhóm dẫn đầu toàn quốc về thu hút vốn đầu tư nước ngoài; lũy kế đến nay tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 55 tỷ USD.

Hạ tầng thương mại nội địa như: Trung tâm logistics, cảng cạn, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ… cũng được chú trọng phát triển. Thành phố hiện có hệ thống thương mại hiện đại, gồm khoảng 30 trung tâm thương mại, gần 150 siêu thị, 455 chợ… Ngành Du lịch cũng gặt hái được nhiều thành công, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Hà Nội vào nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới và đứng thứ 15 trong danh sách các điểm đến du lịch phổ biến nhất thế giới.

Có thể khẳng định, vượt qua những khó khăn, thách thức trong hành trình 70 năm, Hà Nội đang tự lực cùng cả nước phát triển, nỗ lực vươn lên, xứng đáng với “niềm tin và hy vọng” của cả nước. Đến nay, Hà Nội là một đô thị khang trang, hiện đại, giữ vị trí đầu tàu, động lực phát triển của Vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Những thành tựu to lớn mà Thủ đô đã thu được là dấu ấn đáng tự hào. Song, con đường phía trước cũng đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi sự tập trung trí tuệ, nỗ lực cao hơn trong thời gian tới.

hnm.1cdn.vn-2024-09-24-_song-hong.jpg
Luật Thủ đô năm 2024 có nội dung quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội phải bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước với sông Hồng. Ảnh: Quang Thái

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế và Quản lý công (Đại học Kinh tế quốc dân) Nguyễn Ngọc Sơn, Hà Nội cần nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng chuyển đổi số, sản xuất xanh và kinh tế tuần hoàn, vấn đề đặt ra với Hà Nội là chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới, được hậu thuẫn bởi kỹ năng, công nghệ, có sự đột phá về năng suất và các yếu tố bền vững. Hà Nội cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, thân thiện với môi trường và chuyển sang giai đoạn mới của quá trình phát triển, tức là nền kinh tế dựa vào đổi mới, sáng tạo và kinh tế số.

Các chuyên gia cũng nhận định, Quy hoạch Thủ đô có tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá đang tạo ra cơ hội mới, giá trị mới cho phát triển. Luật Thủ đô đã phân quyền cho thành phố trên nhiều lĩnh vực, hỗ trợ đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô đối với hoạt động quản lý, điều hành các mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Với những tiềm năng và lợi thế của Hà Nội, đây là nền tảng và động lực cho Hà Nội phát triển nhanh, bền vững.

Bên cạnh đó, Hà Nội nên thành lập hội đồng phát triển kinh tế - xã hội bền vững, chủ động mời gọi chuyên gia, doanh nghiệp... cùng tham gia ở mức độ chuyên sâu; nên có mô hình phù hợp, theo hướng tương hỗ và liên kết chặt chẽ, lan tỏa để phát triển mà trong đó tất cả các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - du lịch... gắn kết, bổ trợ cho nhau, lấy ưu điểm của nhau để phát triển. Đánh giá của các tổ chức đều cho rằng Thủ đô đang đứng trước vận hội rất lớn để tiếp đà tăng trưởng, hướng tới mục tiêu toàn diện

Chỉ số kinh tế Hà Nội 9 tháng năm 2024:

GRDP tăng 6,12% so với cùng kỳ năm trước (9 tháng năm 2023 tăng 5,99%).

Khu vực dịch vụ tăng 6,76% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 4,53 điểm % vào mức tăng GRDP.

9 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,4% so với cùng kỳ; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,8%; chỉ số tiêu thụ sản phẩm tăng 9,9%; chỉ số tồn kho cuối tháng 9-2024 giảm 2,3%.

Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố đạt 351,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn Nhà nước đạt 130,3 nghìn tỷ đồng, tăng 17,8%; vốn ngoài nhà nước đạt 198,3 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 23,2 nghìn tỷ đồng, tăng 7,7%.

Trong 9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 14,4 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ.