Tăng trưởng GDP cả năm 2024 ước đạt 6,8-7%
Sáng 9-10, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Ước đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trên cơ sở kết quả của 8 tháng, ước cả năm 2024 đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu; trong đó, đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu xã hội, đạt chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân (sau 3 năm không đạt). Còn chỉ tiêu GDP bình quân đầu người xấp xỉ đạt (4.647 USD, so với mục tiêu 4.700-4.730 USD) do biến động tỷ giá.
Cũng theo Bộ trưởng, tốc độ tăng GDP quý sau cao hơn quý trước, cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%), thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng là 4,04%, cả năm ước tăng dưới 4,5%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra trong bối cảnh thực hiện tăng lương từ ngày 1-7-2024.
Đặc biệt, Chính phủ đã dành gần 700 nghìn tỷ đồng, bảo đảm đủ nguồn lực để tăng mức lương cơ sở lên 30% cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đồng thời điều chỉnh lương hưu, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1-7-2024 với mức cao nhất từ trước đến nay.
Bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ rõ một số hạn chế, khó khăn trong các lĩnh vực. Cụ thể, ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, nhất là từ các yếu tố bên ngoài như lạm phát, tỷ giá; hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, vừa phải đối mặt với áp lực gia tăng về điều tra chống bán phá giá, gian lận xuất xứ; vừa phải đáp ứng nhanh hơn, tốt hơn các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh…
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh dù đạt được một số thành tựu trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, song Chính phủ cần quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề. Cụ thể, tổng cầu phục hồi yếu, trong đó, cầu tiêu dùng tăng thấp hơn kỳ vọng trong bối cảnh lạm phát chịu áp lực lớn hơn trong những tháng cuối năm, đầu tư công và đầu tư tư nhân tăng chậm; tình trạng nhập siêu dịch vụ chưa được cải thiện.
Theo Bộ Tài chính, ước thanh toán giải ngân đầu tư công từ đầu năm đến ngày 31-8-2024 đạt 37,01% kế hoạch và đạt 40,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 về tỷ lệ (đạt 39,55% kế hoạch và đạt 42,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), thấp hơn khoảng 25.000 tỷ đồng về số giải ngân tuyệt đối.
Tính theo tỷ lệ giải ngân, có 9 bộ, cơ quan trung ương và 32 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, trên 45% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, vẫn còn 31/44 bộ, cơ quan trung ương và 28/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng của năm 2024 dưới mức trung bình chung của cả nước. Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, có giải pháp hiệu quả đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, theo cơ quan thẩm tra, thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn thách thức, nợ xấu ở mức cao, việc xử lý các ngân hàng yếu kém còn chậm, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm còn thấp, khả năng hấp thụ vốn và tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp còn hạn chế.
Tăng cường quản lý các thị trường vàng, bất động sản
Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, thời gian tới, cần chú ý đến thị trường vàng khi tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chính phủ cần tiếp tục quản lý, chấn chỉnh thị trường vàng bảo đảm cân bằng giá cả thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản hiện nay diễn biến rất phức tạp, giá nhà chung cư tăng rất cao nên người có nhu cầu khó tiếp cận, đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý thị trường này.
Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, bên cạnh những kết quả đáng mừng, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn những điểm gây lo lắng.
Việc ban hành văn bản quy định chi tiết thực hiện các luật chưa kịp tiến độ, như với Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, theo cam kết, tháng 7-2024 có thể hoàn thành các văn bản hướng dẫn thực hiện nhưng đến giờ vẫn có 12 địa phương chưa ban hành hoặc ban hành chưa đồng bộ. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho địa phương.
Tình hình tài chính ngân hàng cũng có những biến động, thị trường bất động sản còn nhiều bất cập. Kết quả giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thị trường bất động sản và nhà ở xã hội đã cho thấy nhiều vấn đề cần giải quyết. Xuất khẩu năm 2024 là điểm sáng nhưng kinh tế toàn cầu còn khó khăn, thiếu bền vững; sức mua giảm so với những năm trước; thị trường lao động mất cân đối cung cầu, cục bộ; tình hình thiên tai còn diễn biến phức tạp…
Nhận diện những vấn đề đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tăng cường điều chỉnh chính sách tài khóa phù hợp, hiệu quả hơn trong năm 2025 trước các thách thức toàn cầu; đồng thời ngăn chặn xu hướng suy giảm của thị trường bất động sản, cung nhiều hơn cầu, cầu có nhưng khả năng thanh toán không có, “xây rồi không có người ở” tại các thành phố lớn...
Đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị tiếp tục tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, nhất là doanh nghiệp tư nhân.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần kích thích tiêu dùng, mở rộng tiêu dùng trong nước; từ nay đến cuối năm 2024, cố gắng kích thích tiêu dùng trong nước, du lịch nội địa; bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu dịp Tết Nguyên đán năm 2025, không để tăng giá hàng hóa.
Cùng với đó, Chính phủ quan tâm chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng dạy và học; tăng cường công tác chăm lo sức khỏe, khám chữa bệnh cho nhân dân...