Hà Nội kết nối

Quốc lộ 51: Giao địa phương quản lý, đường sẽ tốt hơn?

Nhóm phóng viên 08/10/2024 - 22:46

Quốc lộ 51 huyết mạch Đông nam Bộ đang có tới hơn 186.000m2 mặt đường bị hỏng dự kiến được đầu tư bổ sung hơn 51 tỷ đồng để "vá ổ gà". Nhiều ý kiến cho rằng, đó không phải là giải pháp căn cơ.

Đơn vị thi công bắt đầu sửa chữa đoạn Quốc lộ 51 qua thành phố Biên Hòa từ sáng sớm 8-10. Ảnh: CTV.
Đơn vị thi công bắt đầu sửa chữa đoạn Quốc lộ 51 qua thành phố Biên Hòa từ sáng sớm 8-10. Ảnh: CTV

Chỉ tạm ổn

Ghi nhận của nhóm phóng viên trong sáng 8-10, đơn vị thi công đã tập trung người và phương tiện đến đoạn quốc lộ qua Khu du lịch Sơn Tiên (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, là đoạn hư hỏng nặng nhất) dài khoảng 700m để sửa chữa. Theo kế hoạch cũ, việc sửa chữa dự kiến triển khai từ tối 7-10, nhưng do khu vực này có mưa lớn, nên chuyển sang ngày 8-10, dự kiến kết thúc ngày 11-10.

Khảo sát 86km chiều dài của tuyến quốc lộ huyết mạch này cho thấy, ngoài 700m đường hỏng nặng nêu trên, còn có gần 1km đường từ Km41 đến Km42 (nút giao quốc lộ 51 với đường Mỹ Xuân - Ngãi Giao thuộc địa phận thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) có mặt đường lồi lõm, gập ghềnh, đọng nước...

Đoạn Quốc lộ 51 qua phường An Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai bị hư hỏng nặng. Ảnh: MH.
Đoạn quốc lộ 51 qua phường An Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai bị hư hỏng nặng. Ảnh: MH

Cùng với đó, còn vô số điểm dọc quốc lộ 51 có mặt đường lún, nứt, nguy cơ sớm tạo thành những ổ gà, ổ voi mới..., bởi con đường 8 làn xe này được thiết kế cho 12.000 lượt xe/ngày đêm, nhưng lâu nay đang phải “cõng” khoảng 32.000 lượt xe/ngày đêm; dịp cao điểm lên đến 48.000 lượt xe/ngày đêm.

“Đường quá tải trầm trọng, xe trọng tải lớn đi lại nhộn nhịp khiến mặt đường dễ bị nứt, nước mưa sẽ theo các khe nứt ngấm xuống nền đường, phá hủy các liên kết vật liệu, tạo ra các "ổ gà". Nếu những "ổ gà" này không được xử lý kịp thời, sẽ nhanh chóng trở thành "ổ trâu", "ổ voi"...”, ông Trần Chí Thành, một cán bộ hưu trí ngành cầu đường tại phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói.

Đây cũng là quan điểm của Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về quãng đường từ Km41 đến Km42. Theo đó, nền và mặt đường quốc lộ 51 sau hơn 20 năm nâng cấp mở rộng, trải qua thời gian dài chịu lượng xe quá tải, nay nhiều chỗ đã bị lún, võng, mất độ bằng phẳng. Nếu chỉ vá "ổ gà", sẽ không thể giữ mặt đường ổn định lâu dài.

Đoạn đường Quốc lộ 51 qua thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang xuống cấp trầm trọng. Ảnh: Tuấn Khoa.
Đoạn đường quốc lộ 51 qua thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang xuống cấp trầm trọng. Ảnh: TK

Kể từ khi công tác bảo trì quốc lộ 51 được chuyển từ Công ty cổ phần Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) sang Khu Quản lý đường bộ IV (Cục Đường bộ - Bộ GTVT) vào đầu năm 2023 (do hết hạn khai thác hợp đồng BOT) thì kinh phí bảo trì hằng năm được cấp từ ngân sách của Bộ GTVT. Theo kế hoạch ban đầu, trong năm 2024, đơn vị sẽ duy tu đến Km42+700 với kinh phí chỉ đủ vá "ổ gà".

Giám đốc Khu Quản lý đường bộ IV Nguyễn Văn Thành, cho biết: Trước tình trạng một số đoạn quốc lộ 51 xuống cấp trầm trọng, Cục Đường bộ đã kiến nghị Bộ GTVT bổ sung kinh phí duy tu năm 2024 là hơn 51 tỷ đồng. Sau khi sửa chữa đoạn đường qua thành phố Biên Hòa, đơn vị sẽ triển khai vá dặm một số điểm khác trên toàn tuyến trong 15 ngày tiếp theo.

Giao địa phương quản lý?

Từ năm 2022, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề xuất Bộ GTVT và cơ quan chức năng xem xét phân cấp cho địa phương quản lý đoạn 23km tuyến quốc lộ 51 qua tỉnh này với mong muốn sớm giải tỏa áp lực giao thông trên tuyến huyết mạch.

Quốc lộ 51 luôn có một lượng lớn xe cộ qua lại. Ảnh: MH.
Quốc lộ 51 đoạn qua thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: MH

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, quốc lộ 51 vẫn do BVEC quản lý, khai thác theo hợp đồng BOT, nên tỉnh chưa thể tiếp nhận và bỏ kinh phí để duy tu, bảo dưỡng.

Đã có nhiều “tiền lệ” cho việc này. Gần đây nhất, cuối năm 2023, Bộ GTVT bàn giao công tác quản lý quốc lộ 1K cho tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh. Trước đó, do thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng, trên quốc lộ 1K liên tiếp xảy ra tai nạn giao thông, kẹt xe; nhiều đoạn ngập nước...

Sau khi tiếp nhận quản lý, các địa phương nêu trên đã chủ động bảo trì, bảo dưỡng toàn tuyến, góp phần cải thiện rõ nét tình hình giao thông trên tuyến. Điển hình, đoạn 6km qua tỉnh Bình Dương từ đoạn đường "tối tăm' khi trước nay đã thành đại lộ sáng đèn. Tỉnh cũng đang tiếp tục đầu tư xóa những điểm ngập nặng trên tuyến đường này.

a429.png
Quốc lộ 1K đoạn giáp ranh Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: MH

Việc giao cho địa phương tự cân đối thu chi quản lý cao tốc cũng là tinh thần chung của Luật Giao thông đường bộ mới được Quốc hội thông qua. Trước đó, Bộ GTVT đã thí điểm áp dụng phân cấp cho 51 tỉnh, thành trên cả nước tiếp nhận 60% hệ thống đường quốc lộ để trực tiếp quản lý (khoảng 15.000km).

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, bàn phương hướng nhiệm vụ năm 2024, Cục Đường bộ Việt Nam cũng đã thông tin sẽ rà soát hơn 10.000km quốc lộ do Bộ GTVT đang quản lý để tiếp tục phân cấp quản lý cho các tỉnh, thành phố có tuyến đường đi qua. Lúc đó, Bộ chỉ quản lý cao tốc và các tuyến quốc lộ xung yếu.

Người dân và doanh nghiệp mong cơ quan chức năng sớm tìm được giải pháp căn cơ, duy trì chất lượng mặt đường tốt cho Quốc lộ 51. Ảnh: ĐN.
Người dân và doanh nghiệp mong cơ quan chức năng sớm tìm được giải pháp căn cơ, duy trì chất lượng mặt đường tốt cho quốc lộ 51. Ảnh: ĐN

Trở lại với quốc lộ 51, anh Nguyễn Duy Quang, ngụ tại thành phố Hồ Chí Minh là tài xế xe khách thường xuyên qua lại trên tuyến đề xuất: “Tôi nhận thấy quốc lộ 51 đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có hệ thống biển báo và hệ thống camera thông minh giám sát được đầu tư từ ngân sách tỉnh đã mang lại sự thuận lợi và hiệu quả rất lớn trong điều hành, tổ chức giao thông. Nếu địa phương được giao quyền quản lý lớn hơn, tôi tin chất lượng mặt đường sẽ tốt hơn bây giờ”.