Y tế

Ngành Y tế Thủ đô: Hướng tới chuyên sâu, thu hẹp khoảng cách

Thu Trang 12/10/2024 08:08

Dù còn nhiều khó khăn nhưng với sự đầu tư của UBND thành phố Hà Nội, chính quyền các cấp, cùng nỗ lực của các đơn vị y tế, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn thành phố ngày càng có nhiều đổi mới, tiến bộ.

Không chỉ đẩy mạnh phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu, ngành Y tế Thủ đô còn tập trung các giải pháp thu hẹp khoảng cách giữa các tuyến, đáp ứng sự hài lòng của người dân.

y-te-hn.jpg
Cùng với nâng cao chất lượng chuyên môn, Hà Nội còn tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất. Trong ảnh là Bệnh viện Nhi Hà Nội (giai đoạn 1) sắp khánh thành. Ảnh: Minh Ngọc

Ứng dụng y tế thông minh,chuyên sâu

Ngay trong những ngày cuối tháng 8-2024, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã trở thành đơn vị y tế đầu tiên của Hà Nội thực hiện lấy và ghép tạng từ một chàng trai chết não để cứu nhiều người mắc bệnh nan y.

Đánh giá cao trình độ của các y, bác sĩ nơi đây, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức Dương Đức Hùng chia sẻ: “Chúng tôi nhận nhiệm vụ chuyển giao kỹ thuật chẩn đoán chết não và ghép tạng cho bệnh viện hạng 1 của Thủ đô này. Để triển khai được đồng thời kỹ thuật lấy và ghép tạng đòi hỏi phải có sự phát triển đồng đều của các chuyên khoa và Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã đạt được trình độ đó. Thời khắc bệnh viện thực hiện ca lấy và ghép tạng chính là dấu mốc hãnh diện về sự phát triển chuyên môn”.

Thời gian qua, cùng với việc đầu tư cải tạo cơ sở vật chất, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tập trung phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu. Hiện, bệnh viện được đánh giá là một trong hai trung tâm trên thế giới phẫu thuật nội soi một lỗ điều trị nang ống mật chủ ở trẻ. Bệnh viện cũng áp dụng nhiều công trình nghiên cứu, sáng kiến cải tiến kỹ thuật để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân. Từ một cơ sở y tế chỉ có 50 giường bệnh, đến nay, bệnh viện đã phát triển thành một cơ sở y tế lớn của Thủ đô với 870 giường bệnh. Ngoài ra, bệnh viện còn là cơ sở đào tạo của nhiều trường đại học lớn...

Thêm một bước tiến của ngành Y tế Thủ đô trong thời gian qua, đó là việc Bệnh viện Tim Hà Nội trở thành cơ sở y tế đầu tiên ở Việt Nam và Đông Nam Á được Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) trao chứng nhận vàng về điều trị suy tim. Hiện, Việt Nam chưa có nghiên cứu dịch tễ về bệnh suy tim. Nếu dựa trên tỉ lệ suy tim trên thế giới khoảng 2% dân số thì nước ta có khoảng 1,6 triệu bệnh nhân. Điều trị suy tim là một quá trình lâu dài và có thể xảy ra nhiều biến cố như suy tim tăng nặng, rối loạn nhịp, nhiễm trùng nặng, tái nhập viện, thậm chí tử vong. Phác đồ điều trị theo chuẩn AHA bước đầu giúp bệnh nhân suy tim giảm triệu chứng, giảm tỷ lệ tái nhập viện, từ đó giảm tỷ lệ tử vong.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội đánh giá, việc đạt chứng nhận vàng về điều trị suy tim cho thấy sự nỗ lực của tập thể y, bác sĩ bệnh viện từng bước tiếp cận các tiêu chuẩn điều trị quốc tế.

Không chỉ phát triển các kỹ thuật cao, các bệnh viện còn đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong điều trị người bệnh. Trong 3 năm (từ năm 2020 - 2023) triển khai khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth), với việc hoạt động định kỳ 2 tuần/buổi kết nối với các điểm cầu tuyến dưới và kết nối đột xuất khi có yêu cầu, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã “phủ sóng” kinh nghiệm tới 10 bệnh viện tuyến tỉnh, 37 bệnh viện tuyến huyện, 30 trung tâm y tế. Các buổi hội chẩn từ xa của bệnh viện có sự tham dự của các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành để cùng trao đổi chuyên môn, đưa ra phương pháp điều trị tối ưu cho những ca lâm sàng khó, phức tạp, qua đó đã cứu sống được nhiều sản phụ và trẻ sơ sinh ngay tại tuyến dưới.

Cùng với hoạt động tư vấn, hội chẩn từ xa, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội còn ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong đăng ký thủ tục khám, chữa bệnh. Người dân hoàn toàn có thể đặt lịch khám trực tuyến tại bệnh viện qua nhiều hình thức nhanh chóng như gọi điện qua tổng đài, đặt lịch qua website, đặt lịch qua ứng dụng (app), phần mềm kiosk của bệnh viện kết hợp với thanh toán viện phí không dùng tiền mặt giúp rút ngắn thời gian và quy trình, thủ tục khám bệnh...

Củng cố y tế cơ sở, thu hẹp khoảng cách

Cùng với tuyến thành phố, hệ thống tuyến y tế cơ sở của Thủ đô những năm qua cũng đã được đầu tư, nâng cấp để trở thành địa chỉ chăm sóc sức khỏe ban đầu tin cậy hơn.

Theo các chuyên gia y tế, nhu cầu theo dõi, điều trị của người dân ngay từ tuyến y tế cơ sở là chính đáng và cần thiết không chỉ ở vùng khó khăn mà ngay cả tại những thành phố lớn. Vì vậy, tăng cường đầu tư và nâng cao chất lượng cho hệ thống y tế cơ sở là vấn đề cần thiết. Việc củng cố y tế cơ sở trước tiên nhằm bảo đảm cho mọi người được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp nhất, giảm quá tải bệnh viện và góp phần thực hiện công bằng xã hội.

Trước thực tế đó, từ nguồn ngân sách của thành phố, trong giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội đã hỗ trợ các quận, huyện, thị xã đầu tư nâng cấp y tế cơ sở với tổng số 198 dự án; trong đó có 9 trung tâm y tế, 11 phòng khám đa khoa và 178 trạm y tế. Tính đến quý II-2024 có 106 dự án hoàn thành và 63 dự án đang triển khai. Ngoài ra, còn 54 dự án nâng cấp y tế cơ sở từ ngân sách cấp huyện.

Có mặt tại Trung tâm Y tế quận Tây Hồ vào thời điểm này, chúng tôi rất ngạc nhiên trước sự “thay da, đổi thịt” ở nơi đây. Thay đổi không chỉ từ cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp, quy trình khám bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân được sắp xếp khoa học, hợp lý mà ngay cả phong cách, thái độ của đội ngũ y, bác sĩ cũng tận tình, chu đáo.

Bà Lê Thị Thu Hằng, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ ghi nhận những đóng góp thiết thực, tâm huyết của các y, bác sĩ của trung tâm y tế quận trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19. Quận Tây Hồ luôn quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị khám, chữa bệnh để trung tâm y tế làm tốt vai trò “người gác cổng”, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội, từ ngày 1-10-2024, 30 trung tâm y tế thuộc Sở Y tế được bàn giao về UBND các quận, huyện, thị xã quản lý.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho biết, khi các trung tâm y tế được bàn giao về quận, huyện sẽ có những điều kiện thuận lợi về vấn đề đầu tư. Cụ thể, các quận, huyện được chủ động đầu tư nâng cấp hạ tầng khang trang hơn, trang thiết bị máy móc hiện đại, đạt chuẩn. Còn trách nhiệm của Sở Y tế là chỉ đạo về hoạt động chuyên môn.

“Chúng tôi xây dựng các chương trình phối hợp giữa các bệnh viện trên địa bàn với trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã để tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, chuyên môn... Từ những chương trình đào tạo, tập huấn này sẽ giúp các trung tâm y tế chủ động trong điều trị, quản lý bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch... Qua đó, thực hiện quản lý tốt người bệnh tại tuyến y tế cơ sở, hạn chế người bệnh lên tuyến trên” - Tiến sĩ Nguyễn Đình Hưng nói.