Cần phân loại tài sản số và xây dựng các quy định quản lý tương ứng
Chiều 8-10, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, dự thảo Luật đã quy định một số nội dung về ưu tiên phát triển lực lượng nghiên cứu, đội ngũ chuyên gia, nghiên cứu viên chất lượng cao; hình thành các cơ sở, trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm hiện đại; xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu, phát triển công nghệ số trọng điểm, tập trung vào các công nghệ số cốt lõi; có chính sách khuyến khích các tập đoàn công nghệ đầu tư, thiết lập các trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ số tại Việt Nam.
Dự thảo Luật cũng quy định, làm rõ các loại hình dịch vụ, sản phẩm công nghệ số. Trong đó có chính sách ưu tiên sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trọng điểm, và quản lý chặt chẽ đối với các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trọng yếu có vai trò quan trọng và mang tính chiến lược quốc gia. Đồng thời quy định về việc áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, khu vực, nước ngoài giúp bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ công nghệ số, thúc đẩy cạnh tranh; giao trách nhiệm cho các bộ, ngành xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với đối với các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số ứng dụng trong ngành, lĩnh vực của mình phụ trách.
Về nhân lực cho công nghiệp công nghệ số, Bộ trưởng cho biết, dự thảo có các chính sách phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng của ngành công nghiệp công nghệ số, trong đó chú trọng cơ chế thu hút nhân lực công nghệ số chất lượng cao, phát triển nguồn nhân lực công nghệ số chuyên nghiệp; khuyến khích, mở rộng các mô hình đào tạo mới.
Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, về chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ công nghiệp công nghệ số, cần có chính sách rõ ràng, khả thi, đủ mạnh. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh, cụ thể hóa trong Luật một số chính sách như hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; ưu đãi về đất đai, thuế, tài chính, đầu tư; sử dụng sản phẩm, dịch vụ công nghiệp công nghệ số nội địa; chủ động triển khai kinh doanh ngành nghề mới, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp khởi nghiệp startup, liên kết tạo hệ sinh thái trong ngành công nghiệp công nghệ số.
Về tài sản số, Ủy ban nhận thấy, quản lý tài sản số là một vấn đề mới, phức tạp nên cần cân nhắc kỹ lưỡng. Trong đó cần nghiên cứu, làm rõ một số nội dung về phân loại tài sản số và xây dựng các quy định quản lý tương ứng; về quyền sở hữu, thừa kế và sử dụng; biện pháp bảo mật, giao dịch tài sản số, xử lý khiếu nại của người dùng, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; phù hợp với thông lệ quốc tế, thuận lợi cho các giao dịch; bảo đảm quản lý chặt chẽ, chống rửa tiền và minh bạch hóa thị trường.
Thảo luận tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị, cần nghiên cứu, rà soát, tách bạch các chính sách của công nghệ số với chính sách công nghệ thông tin để tránh trùng lặp về ưu đãi, khiến phân tán nguồn lực của quốc gia. Bên cạnh đó, cần quan tâm các trường đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp công nghệ số để hưởng chính sách ưu đãi. Ông Bùi Văn Cường cho rằng, nguồn lực con người là rất quan trọng trong phát triển. Vì vậy, các trường, viện nghiên cứu là nơi nghiên cứu sáng tạo, phát triển các công nghệ mới; đồng thời cần đánh giá thêm về việc thành lập các khu, các cụm công nghệ số, công nghệ cao.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu quan điểm, Luật phải có chính sách bứt phá nổi trội. Chính phủ cần làm rõ những chính sách vượt trội có quy định trong Luật chuyên ngành hay trong pháp luật về đầu tư. Như luật này đang viện dẫn Luật đầu tư nên chính sách bứt phá, nổi trội chưa được rõ nét.
Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, đây là Luật mới, khó, phức tạp nên cần tiếp tục rà soát, tạo lập hành lang pháp lý cho công nghiệp số. Đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị chỉnh lý theo hướng bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành; rà soát sự phù hợp của Luật này với các Luật khác có liên quan; bảo đảm Luật dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ giám sát.