Xã hội

Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Những ký ức vẹn nguyên

Nhóm phóng viên 08/10/2024 - 12:35

Ngày 10-10-1954 là một dấu mốc lịch sử đã khắc sâu trong lòng người dân Hà Nội, đặc biệt là những đảng viên, lão thành cách mạng. Phóng viên Báo Hànộimới đã gặp, ghi lại những ký ức hào hùng cũng như niềm hy vọng, mong muốn tiếp tục đóng góp để Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp của một số đảng viên, lão thành cách mạng.

Đảng viên Nguyễn Trấn, sinh năm 1936, 64 năm tuổi Đảng (Khu tập thể Nam Đồng, phường Nam Đồng, quận Đống Đa):
Vẹn nguyên cảm xúc ngày tiếp quản Thủ đô

638611460399620634-ong-nguyen-tran-nam-dong-1-.jpg

Năm 1952, quê hương Thái Bình của tôi ở trong vùng địch tạm chiến. Chứng kiến những mất mát, đau thương do chiến tranh, 16 tuổi, tôi tình nguyện tham gia quân đội. Trước đó, tôi đã làm liên lạc, hoạt động du kích tại quê nhà. Khoảng đầu năm 1953, tôi được điều động về căn cứ địa cách mạng ở Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) để chuẩn bị thành lập Trung đoàn pháo cao xạ 367 - Trung đoàn pháo cao xạ đầu tiên và hiện đại nhất của nước ta thời kỳ đó.

Sau một thời gian ngắn huấn luyện, chúng tôi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Thật vinh dự, tự hào khi được tham gia một chiến dịch lịch sử mang tầm vóc thời đại. Càng vinh dự hơn khi trong chiến dịch này, đơn vị chúng tôi đã bắn rơi nhiều máy bay địch nhất (52/62 chiếc trong toàn chiến dịch).

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 13-5-1954, Đại đội 815 của chúng tôi vinh dự được dự lễ mừng chiến thắng tại Mường Phăng. Sau khi đọc diễn văn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thăm hỏi, bắt tay cán bộ, chiến sĩ Đại đội 815, trong đó có tôi. Đó là những khoảnh khắc xúc động tôi mang theo cả cuộc đời.

Sau Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, Tiểu đoàn 383 của chúng tôi vinh dự được đi cùng Đại đoàn 308 về tiếp quản Thủ đô. Cuối tháng 9-1954, đơn vị hành quân về Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây), sau đó di chuyển tiếp về thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng) để chuẩn bị cho công tác tiếp quản. Tôi còn nhớ, suốt đêm 8-10-1954, tất cả mọi người đều không ngủ, bồi hồi trong nỗi mong chờ trở về Thủ đô.

Sáng 9-10, đơn vị hành quân từ Phùng về Ô Cầu Giấy để về sân bay Bạch Mai. Theo lệnh của Ủy ban quân quản, sáng 10-10, chúng tôi diễu hành từ sân bay Bạch Mai cùng các đơn vị khác và nhân dân tiến về sân Cột cờ Hà Nội để làm lễ thượng cờ.

Đã 70 năm trôi qua, nhưng trong ký ức của tôi vẫn vẹn nguyên cảm xúc ngày 10-10 năm ấy. Gương mặt ai cũng hân hoan, rạng rỡ; có những người khóc nấc vì cảm xúc dâng trào trong niềm vui Thủ đô được giải phóng. Đó là những khoảnh khắc mãi in đậm trong tâm trí tôi.

Ông Nguyễn Văn Mãn, sinh năm 1936, Tổ trưởng tổ đại liên, Đại đội 271, Tiểu đoàn 54, Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 ( phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy):
Quân và dân đoàn kết kiến thiết Thủ đô

638611460401024751-ong-nguyen-van-man-mai-dich.jpg

Tháng 10-1954, Đại đoàn 308 vinh dự được trao nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô. Đại đội 271 chúng tôi tham gia cánh quân thứ nhất, tiến từ khu vực Mai Dịch, qua Ô Cầu Giấy, phố Kim Mã, Hàng Đẫy, vườn hoa Cửa Nam ra hồ Hoàn Kiếm, qua Hàng Đào, chợ Đồng Xuân, Hàng Đậu, Cửa Bắc để vào thành Hà Nội.

Từ 3h sáng 10-10-1954, cả đại đội đã ăn mặc chỉnh tề, chờ đến giờ tiến vào tiếp quản Hà Nội. 5h sáng, hai bên đường cờ hoa rực rỡ, người dân đã đứng chào đón các đoàn quân tiến về Thủ đô, phất cờ, tung hoa, reo mừng không ngớt. Cổng chào, khẩu hiệu được dựng lên khắp các nẻo đường, cờ đỏ sao vàng phấp phới bay. Từ các ngả đường, Trung đoàn Thủ đô thuộc Đại đoàn 308 tiến vào tiếp quản Hà Nội trong rừng cờ hoa rực rỡ, trong tiếng reo hò của hàng chục vạn người dân.

Sau khi tiếp quản Thủ đô, các đại đội của trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 được giao nhiệm vụ ở lại bảo vệ thành trong 1 tháng, canh giữ cổng thành, trực chốt ngày đêm. Trong lúc này, nhiệm vụ trọng yếu là bảo vệ thành quả cách mạng, bắt tay cùng nhân dân kiến thiết Thủ đô.

Đại đội 271 đã di chuyển liên tục đến nhiều nơi. Đầu tiên là đến làng Mọc - Quan Nhân (nay là quận Thanh Xuân), đến Thụy Khuê (quận Tây Hồ) để nạo vét kênh mương, làm sạch sông Tô Lịch. Bộ đội không nề hà khó khăn, vất vả, làm việc trong sự cổ cũ, động viên của nhân dân. Nhờ sự động viên đó, cùng những điệu hò, câu hát của quân và dân, công việc dù khó đến đâu, mệt đến đâu cũng dường như tan biến.

Cái Tết đầu tiên sau giải phóng Thủ đô, đơn vị tôi tham gia dọn dẹp làng, xã, quét dọn sạch sẽ, gánh nước về đổ đầy các bể nước nhà dân. Đêm giao thừa, các chiến sĩ ăn Tết với nhân dân, lần đầu tiên cảm nhận giá trị của độc lập, tự do, cảm xúc vỡ òa, xen lẫn sự xúc động không thể kể thành lời.

Sau Tết, Đại đội tiến về làng Thịnh Quang (quận Đống Đa), rồi lại về làng Mai Dịch, sau đó di chuyển về làng Cổ Nhuế (nay là quận Bắc Từ Liêm) để hỗ trợ nhân dân thực hiện tổng vệ sinh, xây dựng lại Thủ đô, phát triển kinh tế.

Ông Đỗ Hạp, đảng viên 76 năm tuổi Đảng (Đảng bộ phường Phúc La, quận Hà Đông):
Khắc ghi tinh thần "trung với nước, hiếu với dân"

638611460402740894-ong-do-hap.jpg

Năm 1945, tròn 18 tuổi, tôi tham gia cách mạng, cùng các lực lượng, nhân dân huyện Gia Lộc (tỉnh Hải Dương) cướp chính quyền thành công. Sang năm 1946, tôi tòng quân, nhập học khóa 1 Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1, đóng ở thị xã Sơn Tây).

Thời điểm đó, Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Bác Hồ. Trong lễ khai giảng khóa 1, Bác Hồ đã đến dự và trao tặng lá cờ thêu 6 chữ vàng: “Trung với nước, hiếu với dân”.

Cuối năm 1946, khóa 1 bế giảng trong bối cảnh giặc Pháp gây hấn ở khắp nơi, các học viên của khóa 1 được biên chế về nhiều đơn vị chủ lực. Tôi được phân về Trung đoàn 72, tham gia chiến đấu ở Bắc Kạn. Sau khi Bắc Kạn giải phóng, tôi về công tác tại Đại đoàn 308 - Quân tiên phong (thời điểm đó mới thành lập), tiếp tục tham gia chiến đấu tại các chiến trường, chiến dịch: Đường 4, Biên giới, Trung du, Hoàng Hoa Thám, Hà Nam Ninh, Tây Bắc, Thượng Lào. Kết thúc chiến dịch Thượng Lào, tôi được điều động về làm giáo viên Trường Bổ túc quân sự trung cao cấp Trung ương.

Không trực tiếp được tham gia giải phóng, tiếp quản Thủ đô vào ngày 10-10-1954, nhưng thời điểm đó, cán bộ trong Trường Bổ túc quân sự trung cao cấp Trung ương đều biết thông tin về ngày giải phóng Thủ đô. Ai cũng vui mừng, phấn chấn, ra sức thi đua học tập, lập thành tích xuất sắc chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô.

Sau giải phóng Thủ đô, Trường Bổ túc quân sự trung cao cấp Trung ương chuyển về Hà Nội, tôi được cử sang Trung Quốc học về pháo binh. Năm 1958, về nước, tôi công tác tại cơ quan Bộ Tư lệnh Pháo binh. Đến năm 1970, tôi chuyển ngành, về công tác tại Tổng cục Hóa chất đến khi nghỉ hưu năm 1989.

Trải qua nhiều năm công tác, tham gia chiến đấu ở nhiều chiến dịch; giảng dạy, đào tạo nhiều thế hệ cán bộ quân đội; chứng kiến quân và dân Thủ đô luôn kề vai, sát cánh, không tiếc sức người, sức của chi viện cho chiến trường miền Nam, tôi thực sự tự hào về Thủ đô Anh hùng.

Chúng tôi - những học viên khóa 1 Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn ngày ấy càng tự hào hơn vì tất cả đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, trong số còn sống, nhiều người trở thành cán bộ cao cấp trong và ngoài quân đội. Chúng tôi mãi khắc sâu lời dạy của Bác Hồ: “Trung với nước, hiếu với dân”.

Ông Kiều Vĩnh Lộc, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh tổ dân phố 3, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm:
Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ

638611460405861154-ong-kieu-vinh-loc.jpg

Tôi sinh ra và lớn lên ở xã Cấn Hữu - đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, là địa phương có truyền thống cách mạng rất sớm của huyện Quốc Oai. Bố tôi là Kiều Văn Kế, tham gia hoạt động Việt Minh từ trước năm 1944 tại Hà Nội, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1947...

Năm 1972, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tôi lên đường nhập ngũ. Sau một thời gian huấn luyện ở miền Bắc, đơn vị tôi hành quân vào chiến trường miền Nam chiến đấu.

Chiến trường ác liệt, nhưng với tình yêu nước nồng nàn, phát huy tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, chúng tôi đã chiến đấu bất kể ngày đêm, nhiều đồng đội đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần xương máu trên chiến trường.

Gần 50 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, mỗi khi hồi tưởng lại những năm tháng chiến đấu tại chiến trường miền Nam, tôi lại tự hào vì bản thân đã phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, ra sức cùng các tầng lớp nhân dân Thủ đô Hà Nội chi viện cho chiến trường khốc liệt để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Hằng năm, cứ mỗi độ thu về, tôi lại tự hào cùng cháu con ôn lại những mốc son lịch sử của dân tộc và mong muốn Thủ đô Hà Nội sẽ ngày càng phát triển hơn nữa, xây dựng thành phố sáng tạo, thành phố văn hóa, văn hiến, điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn du khách trong nước và bạn bè quốc tế.