Nhạc sĩ Đoàn Bổng: Còn thổn thức, còn viết về Hà Nội
Cả cuộc đời gắn bó với Hà Nội, sống với từng giai điệu, nốt nhạc, chứng kiến những thời khắc lịch sử của Thủ đô, nhạc sĩ Đoàn Bổng có gần 30 ca khúc ghi dấu ấn về nơi đây.
Ở tuổi ngoài 80, nhạc sĩ của “Hà Nội những kỷ niệm trong tôi” vẫn mang đầy hồi ức từ ngày Thủ đô rợp cờ hoa đón đoàn quân chiến thắng trở về đến những chuyển mình của Hà Nội hôm nay vào từng khuông nhạc, đem đến cho đời những lời ca, giai điệu tha thiết yêu đời.
Nơi chắp cánh tình yêu âm nhạc
Trong căn nhà tập thể nhỏ đối diện với Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, văng vẳng xung quanh là tiếng đàn hát, nhạc sĩ Đoàn Bổng say sưa kể về “Hà Nội những kỷ niệm trong tôi”, về mối duyên đi cả đời với âm nhạc.
Rồi miên man, câu chuyện trôi về những ngày tháng 10-1954. Khi ấy, Đoàn Bổng mới là cậu bé 11 tuổi, còn học cấp II, đang ở cùng cha mở hiệu thuốc ở phố Bạch Mai. Trong ngày 10-10-1954, cậu bé Đoàn Bổng được đánh thức rất sớm bởi không khí náo nhiệt. Ra đến ngoài cửa, cậu thấy khắp phố rợp cờ đỏ sao vàng, ai cũng ăn mặc đẹp, rạng rỡ niềm vui. Đoàn Bổng hòa cùng những người dân đứng hai bên đường đón đoàn quân giải phóng từ phía Ô Cầu Dền về tiếp quản Thủ đô. Lời ca, tiếng nhạc rộn vang cùng tiếng bước chân.
Nhạc sĩ Đoàn Bổng tên đầy đủ là Đoàn Chí Bổng, sinh năm 1943, ở làng Kiều Thị, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội. Mẹ ông hay hát những bài “cò lả”, “trống quân”... khi đi làm đồng và khi ru con. Vì thế, những giai điệu âm nhạc đã ngấm vào ông từ thơ bé. Rồi ông nhận thấy mình say mê âm nhạc rõ rệt nhất là khi theo cha lên phố Bạch Mai học. Ngày ấy, ông thường đi học sớm để được ngồi ở cổng trường ngóng sang chiếc loa ở rạp Bạch Mai bên kia đường phát các bài hát. Dần dần, trong trường lớp, ông mạnh dạn tham gia văn nghệ, hát, ngâm thơ, làm thơ, trang trí báo tường, còn dựng cả kịch thơ...
Mê âm nhạc nên ông quyết thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Dù vốn liếng về âm nhạc khiêm tốn, nhưng Đoàn Bổng đã tiến thẳng vào chuyên ngành sáng tác mà cả khu vực Hà Nội chỉ có duy nhất ông thi đỗ. Tốt nghiệp năm 1972, ông về làm cán bộ biên tập âm nhạc cho Đài Phát thanh Giải phóng. Sau này, ông chuyển công tác sang Đài Truyền hình Việt Nam, giữ cương vị Trưởng phòng Ca nhạc, Ban Văn nghệ của đài cho đến khi nghỉ chế độ.
Ảnh hưởng từ lời hát của mẹ, cùng với thời gian dài tham gia biên tập Chương trình dân ca và nhạc cổ truyền tại Đài Phát thanh Giải phóng, các sáng tác của Đoàn Bổng thường mang âm hưởng dân ca. “Do yêu cầu công việc, tôi tham gia phối khí, đặt lời mới cho các bài dân ca phục vụ chiến trường. Cứ tin chiến thắng từ địa phương nào, tôi lại nghiên cứu, tìm hiểu về dân ca vùng ấy. Chất dân ca cứ thế ngấm dần và đi vào các sáng tác”. Gia tài âm nhạc của Đoàn Bổng khoảng hơn 300 ca khúc, đa dạng đề tài, song có thể chia làm ba mảng sáng tác chính: Quê hương, đất nước; Bác Hồ; và Hà Nội. Trong đó, với ba ca khúc nổi bật nhất đại diện cho ba mảng sáng tác là “Dòng sông quê anh, dòng sông quê em”, “Hát về Người”, “Hà Nội những kỷ niệm trong tôi”, nhạc sĩ Đoàn Bổng đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật (năm 2022).
Bên cạnh sáng tác âm nhạc, Đoàn Bổng còn có một vốn thơ khá đầy đặn. Ông đã xuất bản 5 tập thơ nhạc và mới nhất là tập thơ “Bắt đầu từ đôi mắt” ra mắt năm 2023. Thơ hay nhạc của ông đều vậy, như nhà văn Phùng Văn Khai từng đánh giá: “Một Đoàn Bổng tuyệt không lẫn với ai. Trung thực với chính mình. Độc lập với thiên hạ. Trái tim thiết tha phập phồng quyết liệt. Tình ý lúc nào cũng chan chứa mà vẫn mực thước khang trang...”.
Nguồn cảm hứng không hề vơi cạn
Trong ba mảng sáng tác âm nhạc của Đoàn Bổng, Hà Nội được viết muộn nhất, mãi đến năm 1984, dịp kỷ niệm 30 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, ông mới bắt tay vào ca khúc đầu tiên “Hà Nội những kỷ niệm trong tôi”. Lật giở cuốn sách thơ nhạc tựa đề đơn giản “Đoàn Bổng” (Nhà xuất bản Dân trí), ông ngân nga hát: “Tôi yêu Hà Nội từ ngày còn ấu thơ/ Tôi yêu Hà Nội từ vòng tay mẹ ru/ Tôi yêu Hà Nội từ đoàn quân chiến thắng tiến về Thủ đô/ Kỷ niệm ấy trong tôi không bao giờ phai mờ/ Và từ đó trong tôi sáng lên như màu cờ”. Và cũng kể từ đó, ông viết nhiều hơn về Thủ đô yêu dấu. Các ca khúc “Hà Nội của tôi” (thơ Quốc Toàn), “Hà Nội đêm” (thơ Trần Minh), “Hà Nội, thu lại về” (thơ Nguyễn Thị Hồng), “Từ Hoa Lư đến Thăng Long Hà Nội” (thơ Nguyễn Quang Long), “Thăng Long - Hà Nội chào bạn bốn phương”, “Thành phố ngàn năm văn hiến”... lần lượt ra đời.
Dù có lợi thế viết ca khúc mang âm hưởng dân ca, nhưng với những bài hát về Hà Nội, nhạc sĩ Đoàn Bổng lại thường chọn sáng tác bằng phong cách thính phòng. Vì theo ông, âm nhạc thính phòng thể hiện được tầm vóc của Hà Nội linh thiêng, hào hoa và hiện đại, văn minh. Nhạc sĩ trò chuyện rằng, ông cứ sáng tác, ít khi đem dự thi hay tìm mọi cách truyền bá tác phẩm. Bởi ông quan niệm, “hữu xạ tự nhiên hương”, ca khúc hay, đi vào lòng người thì tự nó sẽ “sống” và được công chúng nhớ tới. Như bài “Hà Nội những kỷ niệm trong tôi”, ông chỉ hát vui cho mọi người nghe, không công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thế mà, có nhiều người ở các đoàn văn công đến tận nhà xin ông chép bài hát ấy để hát, rồi dự thi và đoạt các giải thưởng cao. Nhạc sĩ Đoàn Bổng cũng là tác giả duy nhất được Dàn nhạc Giao hưởng Rouen (Pháp) chọn ba ca khúc “Hà Nội những kỷ niệm trong tôi”, “Hà Nội của tôi”, “Thành phố ngàn năm văn hiến” để biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội và Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Xô vào dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội... Hóa ra, các ca khúc của ông đã lan tỏa, không những trong nước mà vươn tầm thế giới từ bao giờ...
Từ khi nghỉ hưu, nhạc sĩ Đoàn Bổng sáng tác đều đặn hơn, nhất là về Hà Nội. Căn nhà nhỏ của ông lúc nào cũng đông khách. Khi thì bạn bè đến trò chuyện về âm nhạc, khi thì tác giả thơ muốn nhờ ông phổ nhạc, có khi là những sinh viên học sáng tác hay thanh nhạc muốn xin ông chỉ bảo, góp ý. Lúc rảnh rỗi, ông lại một mình với xe máy hay lên xe buýt đi khắp phố phường, quan sát, lắng nghe những chuyển động mới. Và các ca khúc cứ thế ra đời, mở ra một Hà Nội đa chiều, muôn vẻ, xôn xao nhịp sống. “Giống như họa sĩ nay vẽ góc này mai vẽ góc khác, lúc nào cũng đem đến một bức tranh mới mẻ. Nhạc sĩ cũng vậy, có thể cùng nhắc đến hồ Gươm hay Tây Hồ đấy, nhưng góc nhìn, cách đặt vấn đề khác, miễn là còn thổn thức, rung động thì sáng tác sẽ không bao giờ trùng lặp”, nhạc sĩ bày tỏ về cảm hứng dồi dào với Hà Nội hôm nay.
Ở tuổi ngoài bát thập, đôi chân chậm dần, nhưng niềm say mê sáng tác của nhạc sĩ Đoàn Bổng không hề vơi cạn. Và chắc chắn người yêu nhạc sẽ tiếp tục được cảm nhận Hà Nội cũng như những câu chuyện cuộc sống thú vị trong những ca khúc mới của Đoàn Bổng.