Nhớ “Lời kêu gọi nhân Ngày Thủ đô giải phóng” của Bác Hồ
Cách đây tròn 70 năm, ngày 10-10-1954, với tình cảm đặc biệt dành cho đồng bào, chiến sĩ Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ ra “Lời kêu gọi nhân Ngày Thủ đô giải phóng” - Lời kêu gọi của Người không sót một ai, bất cứ ai nghe, đọc cũng đều thấy có vinh dự và trách nhiệm làm theo lời hiệu triệu của Người.
“Cùng đồng bào Hà Nội thân mến! Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay, do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể!”(1) - mở đầu lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay lập tức đã tạo cho chúng ta sự gần gũi, tình cảm sâu nặng như người một nhà trong niềm vui khôn xiết khi được đoàn tụ sau một thời gian dài tạm xa cách.
Tuy là người đứng đầu Đảng và Chính phủ, nhưng tuyệt nhiên trong từng câu, từng chữ của Người trong Lời kêu gọi không phải là mệnh lệnh hay yêu cầu hoặc đề nghị, mà Người chỉ nói rất dung dị “bày tỏ với đồng bào” và chia sẻ, đồng cảm, tôn vinh những hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của đồng bào Thủ đô và động viên toàn dân cùng Chính phủ chung sức, đồng lòng khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu, mạnh hơn: “Tôi trân trọng thay mặt Chính phủ tỏ lời thân ái chào thăm đồng bào và bày tỏ với đồng bào mấy điều cần thiết: Nếu kể từ ngày thế giới chiến tranh lần thứ hai thì Thủ đô ta đã trải qua 15 năm binh lửa. Thời gian khá dài tổn thương không ít! Sở dĩ Thủ đô giữ gìn được tình trạng như ngày nay là do đồng bào ta hăng hái phấn đấu. Tuy vậy, từ nay, Chính phủ và nhân dân ta phải cùng nhau cố gắng nhiều để khôi phục, củng cố và phát triển đời sống tinh thần và vật chất của Thủ đô ta”(2).
Hơn ai hết và không ai khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thấu hiểu quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về việc giữ và bảo vệ thành quả cách mạng: Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự vệ; giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn…, nhất là sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Vì vậy, trong Lời kêu gọi, vấn đề đầu tiên được Người đề cập là giữ gìn trật tự, an ninh - điều kiện tiên quyết để xây dựng lại Thủ đô: “Chính phủ và nhân dân phải cùng nhau ra sức giữ gìn trật tự, an ninh. Trật tự, an ninh tốt thì mọi người mới an cư, lạc nghiệp. Chúng ta phải cùng nhau gây nên một phong trào cần, kiệm, liêm, chính và mỹ tục, thuần phong”(3).
Thứ hai, để đẩy mạnh phát triển kinh tế và văn hóa - xã hội, Người cho rằng, phải giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích để tạo động lực cho phát triển toàn diện của Thủ đô: “Chúng ta phải thực hiện chính sách công và tư đều được chiếu cố, chủ và thợ đều có lợi. Các bạn công nhân hăng hái sản xuất. Bà con công, thương hăng hái kinh doanh. Chúng ta cần phải duy trì và khôi phục mọi hoạt động sản xuất, buôn bán, kinh tế và tài chính của Thủ đô ta. Chính phủ và các vị cha mẹ học trò phải cùng cố gắng để cho con cháu ta được tiếp tục học hành. Các nhà văn hóa, giáo dục phải hăng hái phục vụ nhân dân. Chúng ta phải duy trì và khôi phục mọi hoạt động văn hóa”(4).
Thứ ba, để thực hiện hiệu quả chính sách giai cấp, đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, Người gợi ý: “Về chính trị, chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ, thực hiện tự do dân chủ. Mọi người đều đưa hết tài đức của mình để khôi phục Thủ đô và xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Nói tóm lại, nhân dân, bộ đội và cán bộ phải thi hành đúng chính sách và tuân theo kỷ luật mà Ủy ban quân chính đã ban bố”(5).
Đối với bạn bè quốc tế đang làm ăn, sinh sống tại Thủ đô, Lời kêu gọi của Người đã tạo niềm tin và yên tâm rất lớn cho họ: “Nhân dịp này, tôi có vài lời ngỏ cùng các bạn ngoại kiều. Các bạn, người buôn bán, kinh doanh, tiểu thương, tiểu chủ, công nhân và trí thức, đã chung sống với nhân dân Việt Nam. Các bạn đã khai cơ lập nghiệp ở Việt Nam. Những hoạt động chính đáng về kinh tế và văn hóa của các bạn cũng có lợi cho Việt Nam. Vì vậy, tôi khuyên các bạn: Các bạn cứ yên lòng làm ăn như thường. Nhân dân và Chính phủ Việt Nam sẽ giúp đỡ và bảo hộ các bạn”(6).
Để bảo đảm giữ vững thành quả cách mạng và phát triển toàn diện của Thủ đô sau Ngày Giải phóng là vấn đề chiến lược, rất khó khăn, phức tạp và lâu dài, nhưng không thể không làm, mà phải làm với ý chí quyết tâm cao, hành động quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nhất là đồng bào Thủ đô; chính vì vậy, Người kêu gọi và có niềm tin vào sự nghiệp vẻ vang: “Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”(7).
Đồng thời, Người nhấn mạnh: “Chính phủ ta là Chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là ra sức phụng sự lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm trọn nhiệm vụ của mình là: người đày tớ trung thành tận tụy của nhân dân”(8).
Sau khi dành lời chúc tốt đẹp chung cho “Toàn thể đồng bào Hà Nội” và lời chúc trân trọng dành riêng cho các cụ phụ lão “sống lâu và mạnh khỏe để đôn đốc con cháu tiến tới” và lời khuyên chân tình cho thế hệ trẻ Thủ đô: “Tôi thân ái khuyên các cháu thanh niên và nhi đồng chăm chỉ học tập, hăng hái tham gia công việc khôi phục và xây dựng Thủ đô yêu quý của chúng ta, mà mai sau các cháu sẽ là chủ nhân”(9), Người nhấn mạnh: “Hà Nội, Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm! Nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ muôn năm!”.
Cùng với hai “Bảo vật quốc gia” đặc biệt: “Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” năm 1945 và “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” năm 1946, “Lời kêu gọi nhân Ngày Thủ đô Giải phóng” năm 1954 của Chủ tịch Hồ Chí Minh không những có giá trị lịch sử, thực tiễn lúc bấy giờ; mà hơn thế nữa, còn có giá trị vượt thời gian, với không chỉ quân và dân Thủ đô “ngàn năm văn hiến và anh hùng”, mà còn với cả nước và bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) là dịp để chúng ta thành kính tưởng nhớ, tri ân tình cảm đặc biệt và công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Thủ đô, với toàn thể dân tộc. Không những thế, chúng ta cần tiếp tục khắc cốt, ghi tâm và hiện thực hóa đầy đủ tâm nguyện của Người: “Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”; trước hết, thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, vì: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”(10).
--------------
(1), (2), (3): Hồ Chí Minh, “Lời kêu gọi nhân Ngày Thủ đô Giải phóng”, Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.79; (4), (5), (6): sđd, tr.80; (7), (8), (9): sđd, tr.81;
(10): Hồ Chí Minh, “Giữ gìn trật tự, an ninh”, Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.78.