Còn dai dẳng, quyết liệt và lan rộng
Lo ngại sâu sắc và bi quan thực sự là tâm trạng chung của thế giới ở vào thời điểm đúng một năm ngày bùng phát cuộc chiến tranh giữa Hamas và Israel ở Dải Gaza (7-10-2023).
Nhìn lại một năm chiến tranh đã qua ấy, đánh giá chung là các bên liên quan vừa đạt được một số mục đích đề ra vừa không tới được tất cả mục tiêu theo đuổi.
Cuộc chiến tranh, ban đầu vốn chỉ là giữa Hamas và Israel, nay đã trở thành cuộc chiến tranh giữa Israel với Hezbollah ở Lebanon, với những tổ chức vũ trang Hồi giáo dòng Shiite ở Iraq và Syria cùng lực lượng phiến quân người Houthis ở Yemen. Cuộc đối địch giữa Israel và Iran đã bộc lộ công khai và lần đầu tiên hai bên đã sử dụng vũ khí quân sự để tấn công trực tiếp lẫn nhau, xô đẩy nhau đến bên bờ vực của nguy cơ xảy ra chiến tranh thực sự.
Nếu từ thời điểm hiện tại mà nhìn đến tương lai thì dự đoán chung chỉ có thể là các cuộc chiến tranh, xung khắc sẽ còn tiếp tục kéo dài và dai dẳng. Mức độ quyết liệt và bạo lực sẽ còn gia tăng, chiến sự sẽ còn tiếp tục lan rộng trong khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh. Diễn biến tình hình chính trị an ninh ở khu vực này đã và sẽ còn tiếp tục làm lu mờ phần nào cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Chiến tranh đã đưa lại chết chóc và tàn phá ở Dải Gaza, ở Lebanon và ở Israel. Chiến tranh đã gây ra thảm họa nhân đạo nghiêm trọng chưa từng thấy ở Dải Gaza, mà mức độ xem ra còn gia tăng chứ chưa dừng lại và thuyên giảm.
Sau một năm chiến tranh, Israel làm suy yếu được lực lượng Hamas và Hezbollah, sát hại được một số lãnh đạo chính trị và quân sự hàng đầu của cả hai lực lượng này. Nhưng Israel chưa giải cứu được hết con tin, chưa xóa sổ được Hamas và Hezbollah. Israel chưa khi nào bị tấn công quân sự từ mọi phía như trong một năm qua, trong đó có hai lần bị Iran đáp trả trực tiếp bằng quân sự.
Cách thức tiến hành chiến tranh của Israel vấp phải sự phản đối và bất bình của đông đảo các quốc gia trên thế giới, khiến các đồng minh truyền thống ngày càng thêm khó xử với việc tiếp tục hậu thuẫn nước này về chính trị và quân sự. Không kể, lại có thêm một số quốc gia thuộc khối phương Tây đã công nhận Nhà nước Palestine độc lập. Một số quốc gia trên thế giới đã đưa Israel ra các tòa án quốc tế. Còn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa kêu gọi cấm cung ứng vũ khí cho Israel. Điều đặc biệt đáng được chú ý là Israel vẫn chỉ tiếp tục chiến tranh chứ chưa có được chiến lược hay kế hoạch cho thời kỳ sau chiến tranh.
Hamas và Hezbollah bị tổn thất nặng về nhân sự lãnh đạo và bị suy yếu về quân sự, nhưng mối thâm thù càng thêm tăng và càng quyết tâm đối địch Israel về chính trị cũng như quân sự. Hòa giải để tiến tới hòa bình giữa Israel với Hamas và Hezbollah càng thêm khó khả thi. Tình trạng tương tự cũng xảy ra giữa Israel và Iran. Tiến trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Israel với các thành viên khác trong thế giới Arab dường như không thể tiến triển thêm được.
Sau một năm chiến tranh giữa Hamas và Israel ở Dải Gaza, tương quan lực lượng chính trị và quân sự cũng như cục diện tình hình chính trị, an ninh và quan hệ quốc tế ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh đã chuyển biến cơ bản và sâu sắc. Vai trò và ảnh hưởng của Mỹ suy giảm và ngoại giao trung gian hòa giải cũng không mấy thành công. Hiệu lực của luật pháp quốc tế chịu thách thức và bị giao tranh vũ trang lấn át. Giải pháp chính trị hòa bình cho các cuộc chiến tranh và xung khắc ở khu vực này vẫn chưa biết đến khi nào mới lộ diện.