Xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp tại Hoài Đức: Cần xử lý quyết liệt
Nhiều diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Hoài Đức (Hà Nội) bị người dân tự ý san lấp, chuyển đổi mục đích sử dụng để dựng nhà kho, xưởng sản xuất.
Thực hiện Nghị quyết số 298/NQ-HU, ngày 11-8-2023 của Ban Thường vụ huyện ủy Hoài Đức về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, sử dụng đất đai, trật tự xây dựng, bảo vệ môi trường trên địa bàn, từ đầu năm đến nay, UBND huyện Hoài Đức đã cưỡng chế, tháo dỡ trên 30 công trình xây dựng trên đất nông nghiệp. Thế nhưng, tại thời điểm này, nhiều diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện vẫn bị người dân tự ý san lấp, chuyển đổi mục đích sử dụng để dựng nhà kho, xưởng sản xuất.
Vi phạm tràn lan
Khảo sát thực tế trên địa bàn huyện Hoài Đức, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, tình trạng tự ý san lấp đất nông nghiệp để dựng nhà xưởng diễn ra từ nhiều năm nay nhưng chưa được chính quyền ngăn chặn và xử lý triệt để. Đơn cử, như dải đất nông nghiệp ven đường Nguyễn Viết Thứ, thôn 1, xã Song Phương được giao cho người dân với mục đích trồng hoa màu, nhưng sau một thời gian, hơn 10 gia đình đã đổ đất, dựng nhà bằng khung thép, quây tôn. Điều đáng nói, tại thời điểm phát hiện vi phạm, chính quyền địa phương có kiểm tra, ngăn chặn nhưng do không xử lý dứt điểm nên lợi dụng ngày lễ, ngày nghỉ, những hộ dân tái diễn vi phạm.
Tương tự, tại các thôn Lại Dụ, An Hạ, xã An Thượng, tình trạng tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, biến ao, hồ thành nhà kho, xưởng sản xuất cũng diễn ra ồ ạt. Hầu hết công trình sau khi hoàn thiện việc xây dựng đều có diện tích dao động từ 200m2 đến trên 300m2, phần lớn được sử dụng vào mục đích cho thuê hoặc sản xuất phi nông nghiệp. Vi phạm nhiều nhất là tại khu vực nằm dưới chân đê tả sông Đáy. Hiện tại, ở đây vẫn tồn tại hàng chục nhà xưởng xây dựng kiên cố, hoạt động như một “cụm công nghiệp”.
Tình trạng san lấp trái phép đất nông nghiệp để xây dựng nhà ở, xưởng sản xuất còn diễn ra trên địa bàn các xã: La Phù, Cát Quế, Đông La… Tại các địa phương này, xen giữa các vườn cây, đất trồng cây, hành lang thoát lũ là hàng loạt công trình xây dựng với quy mô lớn. Song đến nay, những vi phạm vẫn chưa bị xử lý.
Theo Chủ tịch UBND xã Đông La Nguyễn Chí Hiệu, nguyên nhân dẫn đến vi phạm chủ yếu là do người dân thiếu mặt bằng để sản xuất. Mặt khác, tốc độ đô thị hóa tại địa phương đang phát triển mạnh, giá đất tăng cao gấp nhiều lần so với thu nhập từ sản xuất nông nghiệp nên nhiều người bất chấp sai phạm, tiến hành san nền, dựng nhà xưởng cho thuê kiếm lời.
Chia sẻ quan điểm này, Chủ tịch UBND xã Song Phương Đỗ Văn Toàn cho rằng, sở dĩ vi phạm tái diễn là do ý thức chấp hành quy định pháp luật của người dân chưa cao, một số vì lợi nhuận nên cố tình vi phạm. Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân là chính quyền thiếu biện pháp ngăn chặn, xử lý khi phát hiện hành vi vi phạm.
Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm
Ngày 4-10, trở lại xã An Thượng, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy tại khu vực chân để tả Đáy, đoạn qua thôn Lại Dụ, việc san lấp đất nông nghiệp, xây dựng nhà xưởng, công trình vẫn chưa dừng lại. Để nhanh chóng có mặt bằng, dựng kho, xưởng trái phép, ngay giữa ban ngày, một số cá nhân còn huy động các phương tiện chuyên dụng vào khu đất để san gạt. Đặc biệt, mặt bằng hoàn thiện đến đâu thì nhà xưởng mọc lên đến đó, công trình mới xen lẫn công trình cũ, phá vỡ quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND xã An Thượng Nguyễn Văn Thịnh lại khẳng định, đây là những vi phạm tồn tại cách đây nhiều năm. Do tại thời điểm phát hiện vi phạm, chính quyền chưa thiết lập hồ sơ vi phạm nên hiện vẫn để cho người dân sử dụng đến khi hoàn thiện phương án xử lý!?
Theo số liệu được Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức Cao Văn Tâm cung cấp, ngoài các công trình, nhà xưởng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tồn tại từ năm 2023, chưa bị xử lý thì đến tháng 6-2024, trên địa bàn huyện phát sinh thêm hàng chục công trình vi phạm mới. Để tránh tình trạng đất nông nghiệp bị sử dụng sai mục đích, đầu tháng 10-2023, UBND huyện đã tổ chức cưỡng chế các công trình vi phạm ở xã La Phù, đến cuối năm tiếp tục xử lý 2 công trình trên địa bàn xã Dương Liễu và Đức Thượng.
Ông Cao Văn Tâm cũng thừa nhận, nguyên nhân khiến phát sinh tình trạng xây dựng nhà xưởng tràn lan trên đất nông nghiệp là do việc kiểm tra, ngăn chặn còn chậm.
"Để hạn chế vi phạm mới, ngoài việc xử lý dứt điểm các công trình tồn tại, tới đây, huyện Hoài Đức sẽ phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, nếu phát hiện trường hợp xây dựng trên đất không phù hợp quy hoạch, sẽ nhanh chóng xử lý theo quy định", ông Cao Văn Tâm nhấn mạnh.
Có thể thấy, thời gian qua, chính quyền nhiều xã trên địa bàn huyện Hoài Đức có dấu hiệu buông lỏng công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn. Để tránh tình trạng đất nông nghiệp bị sử dụng sai mục đích, ảnh hưởng đến việc sản xuất của người dân, đề nghị huyện Hoài Đức sớm có biện pháp xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm.