An toàn thực phẩm

Ngăn chặn nguy cơ mất an toàn thực phẩm tại trường học

Minh Khang 08/10/2024 - 06:35

Sự việc hơn 200 học sinh Trường Trung học cơ sở Bình Minh (huyện Thanh Oai) có dấu hiệu nghi ngộ độc sau khi sử dụng nước ngọt được phát miễn phí ở bên ngoài cổng trường học khiến dư luận xã hội, phụ huynh học sinh lo lắng.

Sự việc xảy ra ngay tháng đầu tiên của năm học 2024-2025 lại càng dấy lên nỗi lo về nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong và ngoài cổng trường. Với quy mô học sinh lớn nhất cả nước, ngành Giáo dục Hà Nội đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn nguy cơ mất an toàn thực phẩm nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh.

thuc-pham.jpg
Đoàn kiểm tra liên ngành quận Ba Đình kiểm tra an toàn thực phẩm tại bếp ăn Trường Mầm non Họa Mi. Ảnh: Mai Hữu

Nhiều nguy cơ rình rập

Sự việc xảy ra chiều 30-9 khi hơn 200 học sinh Trường Trung học cơ sở Bình Minh (huyện Thanh Oai) sử dụng sản phẩm nước uống đóng chai được phát miễn phí ở ngoài cổng trường. Nhà trường ghi nhận 30 học sinh có triệu chứng đau đầu, đau bụng, buồn nôn, chóng mặt, trong đó có 9 học sinh khám tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Oai, 21 học sinh theo dõi tại trường.

Cơ quan chức năng đã lấy mẫu nước ngọt mà học sinh sử dụng để đi xét nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho thấy, các mẫu nước ngọt này đều đạt tiêu chuẩn. Theo Phòng Y tế huyện Thanh Oai, các triệu chứng học sinh gặp có thể do đã uống một lượng lớn nước ngọt.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai Đoàn Việt Dũng cho biết, sức khỏe của các học sinh ổn định, đi học bình thường. Sự việc chưa gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng để ngăn chặn các nguy cơ mất an toàn đối với sức khỏe học sinh, các nhà trường cần tăng cường quản lý, nhắc nhở học sinh không mua, sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có tem mác; không nhận, sử dụng đồ ăn, thức uống từ người lạ…

Thời gian qua, tại các địa phương xảy ra nhiều vụ việc mất an toàn thực phẩm liên quan đến học sinh khiến dư luận lo lắng. Đó là việc hàng chục học sinh tỉnh Khánh Hòa nghi ngộ độc sau khi ăn quà vặt ngoài cổng trường, trong đó có một học sinh tử vong (tháng 4-2024); việc nhiều học sinh ở Hà Nội ăn kẹo lạ phải nhập viện (tháng 12-2023); một số học sinh quận Ba Đình (Hà Nội) bị tiêu chảy, nôn ói sau khi ăn bữa trưa tại trường (tháng 10-2023); việc 70 học sinh quận Thanh Xuân (Hà Nội) nhập viện do vi khuẩn tụ cầu vàng nhiễm ở thịt gà có trong suất ăn (tháng 3-2023)…

Sau mỗi vụ việc, cơ quan chức năng đều tăng cường giải pháp chấn chỉnh. Tuy nhiên, trên thực tế, nguy cơ mất an toàn thực phẩm với học sinh vẫn còn rình rập, đòi hỏi sự chung tay nỗ lực nhiều hơn nữa của các lực lượng để giảm mối lo thực phẩm không an toàn xâm nhập học đường.

Nhà trường tăng trách nhiệm

Năm học 2024-2025, ngành Giáo dục Hà Nội có hơn 2.900 trường học với 2,3 triệu học sinh mầm non và phổ thông - là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước. Sau sự việc ở huyện Thanh Oai, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã gửi thông tin cảnh báo, đồng thời đề nghị các nhà trường lưu ý nhà giáo, học sinh chủ động phát hiện các cơ sở kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc quanh khu vực trường, thông báo chính quyền địa phương để ngăn chặn. Toàn ngành cũng tăng cường giải pháp ngăn chặn nguy cơ mất an toàn với học sinh trong và ngoài trường học.

Là đơn vị tích cực triển khai chuyên đề “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn thành phố”, Trường Trung học cơ sở Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) chú trọng việc tuyên truyền, giáo dục học sinh ý thức sử dụng thực phẩm. Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thị Vân Hồng cho biết, nhiều học sinh được bố mẹ cho tiền tiêu vặt hằng ngày, nên việc nhắc nhở các em không mua, sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác rất cần được quan tâm. Trường khuyến cáo học sinh không mua quà vặt ở các gánh hàng rong xung quanh trường hoặc trên đường đi. Nhà trường cũng phối hợp với chính quyền địa phương siết chặt hoạt động của các hàng quán ở khu vực xung quanh trường. Cùng với việc tổ chức chuyên đề, nhà trường còn thường xuyên lồng ghép nội dung này vào các giờ học, hoạt động giáo dục, giúp học sinh có ý thức, thói quen xem nhãn mác sản phẩm trước khi sử dụng.

Với hơn 1.000 học sinh ăn bán trú mỗi ngày, Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) tăng cường giám sát nguồn gốc thực phẩm và khâu chia suất ăn nhằm bảo đảm học sinh đều có suất ăn chất lượng, đủ định lượng. Nhà trường khuyến khích sự tham gia của phụ huynh học sinh trong quá trình kiểm tra, giám sát hằng ngày, tôn trọng ý kiến của phụ huynh trong việc lựa chọn, quyết định đơn vị cung ứng thực phẩm.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định, để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2024-2025, bảo đảm học sinh học tập tốt, việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho các em được toàn ngành xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và không xao nhãng trong bất kỳ thời điểm nào. Các trường đều có phòng y tế được trang bị đầy đủ trang thiết bị, danh mục thuốc và nhân viên y tế có chuyên môn tốt làm nhiệm vụ, sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố. Để ngăn ngừa nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong và ngoài cổng trường, bên cạnh việc tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng, việc chủ động nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe học sinh đang được các trường học trên địa bàn thành phố đặc biệt chú trọng.