Sức khỏe

Phòng, chống thừa cân, béo phì cho học sinh

Trang Thu 08/10/2024 - 06:30

Nhằm hạn chế tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em, từ năm 2023 đến 2025, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội triển khai mô hình can thiệp phòng, chống thừa cân, béo phì cho học sinh tại một số trường tiểu học trên địa bàn Thủ đô.

Thời gian qua, mô hình này bước đầu được triển khai tại một số trường đã góp phần nâng cao kiến thức, thực hành về phòng, chống thừa cân béo phì cho học sinh, phụ huynh và nhân viên y tế, giáo viên, nhân viên chế biến bữa ăn bán trú.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Nguyễn Thị Kiều Anh cho biết, thừa cân, béo phì ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cũng như tâm lý của trẻ. Cụ thể, trẻ béo phì dễ mặc cảm, tự ti về ngoại hình, bị bạn bè trêu chọc nên tổn thương về tâm lý. Cùng với đó, trẻ béo phì dễ đối mặt với nguy cơ mắc phải các bệnh không lây nhiễm như: Đái tháo đường, tim mạch, trầm cảm, ung thư…

Kết quả đánh giá tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em lứa tuổi học đường giai đoạn năm 2017 đến 2021 tại 90 trường trên địa bàn Hà Nội với các khối lớp 5, 9, 12 (cỡ mẫu mỗi năm khoảng 7.300 học sinh) cho thấy, học sinh tiểu học có tỷ lệ thừa cân béo phì cao nhất với 37,8%; trong khi tỷ lệ này ở học sinh trung học cơ sở là 16,8% và học sinh trung học phổ thông là 11,3%. Đáng chú ý, tỷ lệ thừa cân, béo phì gia tăng nhanh theo các năm và ở khu vực nội thành cao hơn ngoại thành. Thậm chí, một số trường tiểu học khu vực nội thành có tỷ lệ thừa cân, béo phì lên tới 55,7%.

Nhóm tuổi tiểu học là giai đoạn quan trọng của quá trình tăng trưởng về thể lực và trí tuệ, do đó nếu can thiệp giai đoạn này sẽ đạt hiệu quả cao. Trước mắt, mô hình can thiệp phòng, chống thừa cân, béo phì được thực hiện tại 3 trường tiểu học: La Thành (quận Đống Đa), Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm) và Lê Lợi (quận Hà Đông).

Mới đây, CDC Hà Nội phối hợp với Trung tâm Y tế quận Đống Đa đã tổ chức truyền thông, tư vấn dinh dưỡng cho các em học sinh, phụ huynh/người chăm sóc bữa ăn cho gia đình tại Trường Tiểu học La Thành (quận Đống Đa). Tại buổi truyền thông, học sinh khối lớp 2, 3 và 4 được các y, bác sĩ cân, đo, khám sức khỏe, sàng lọc, đánh giá tình trạng thừa cân, béo phì. Đồng thời, các y, bác sĩ tư vấn chế độ dinh dưỡng, vận động thể lực hợp lý cho trẻ, phụ huynh/người chăm sóc bữa ăn chính cho gia đình.

Qua các buổi truyền thông, bà Nguyễn Thị Kiều Anh cho rằng, với trẻ bị thừa cân, béo phì và có nguy cơ thừa cân, các chuyên gia đã cung cấp các kiến thức, thực hành về dinh dưỡng hợp lý, về tháp dinh dưỡng và thực đơn nhằm phòng, chống thừa cân, béo phì. Ngoài ra, chuyên gia cũng hướng dẫn cách áp dụng thực đơn theo tháp dinh dưỡng và vận động thể lực cho trẻ có tình trạng dinh dưỡng bình thường.

Các chuyên gia dinh dưỡng cũng đưa ra khuyến cáo, cha mẹ có con thừa cân, béo phì cần phối hợp với cán bộ y tế, nhà trường thực hiện các bữa ăn dinh dưỡng hợp lý, ăn rau xanh đủ lượng theo khuyến nghị đối với từng lứa tuổi. Đặc biệt, phụ huynh lưu ý, không thường xuyên tiêu thụ các thực phẩm làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì như: Nước ngọt, trà sữa, bánh kẹo ngọt, mì tôm, xúc xích, thực phẩm chiên rán (gà rán, nem chua rán, cá viên chiên…) xung quanh trường học hay tại gia đình.

Bên cạnh đó, các y, bác sĩ cũng xây dựng và áp dụng thực đơn cho trẻ thừa cân, béo phì tại gia đình; đồng thời, tư vấn bổ sung một số chất khoáng và vi chất dinh dưỡng (canxi, sắt, kẽm, vitamin D3...) tùy theo thể trạng của từng trẻ thừa cân, béo phì tại gia đình. Thông qua các buổi truyền thông, tư vấn dinh dưỡng này, phụ huynh có con thừa cân, béo phì đã cam kết với nhà trường thực hiện khuyến cáo chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể chất theo lứa tuổi, phù hợp với tình trạng dinh dưỡng của trẻ.