Hành động xanh, vì tương lai xanh
Kinh tế xanh là một nền kinh tế có mức phát thải thấp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và góp phần ngăn ngừa các thảm họa từ thiên nhiên...
Đây đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới, là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.
Theo đó, những năm qua, Việt Nam đã có hành động cụ thể để phát triển kinh tế xanh. Điển hình là ngành Nông nghiệp đã triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Bước đầu, theo đánh giá của các chuyên gia, mô hình canh tác lúa theo đề án tại thành phố Cần Thơ đã giảm phát thải được 12 tấn CO2/ha so với mô hình đối chứng áp dụng phương thức vùi rơm rạ sau khi thu hoạch.
Trong lĩnh vực giao thông, Chương trình hành động của Bộ Giao thông vận tải về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các bon và khí mê tan triển khai tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng đạt được kết quả tích cực. Chính quyền hai thành phố đã tăng nguồn đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông theo hướng xanh và bảo vệ môi trường; thay đổi công nghệ vận tải, tăng cường sử dụng xe điện, xe sử dụng nhiên liệu sinh học. Trong đó, thành phố Hà Nội đã đưa vào hoạt động gần 300 xe buýt điện, vận hành hai tuyến metro Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp trong nước bắt đầu nghiên cứu, phát triển công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo, áp dụng các quy trình của kinh tế tuần hoàn vào sản xuất nhằm giảm phát thải ra môi trường. Người tiêu dùng ở Việt Nam cũng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm xanh, hữu cơ, thân thiện với môi trường. Theo khảo sát, khoảng 50% số người dân được hỏi cho biết sẽ ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tự phân hủy và 80% ý kiến hướng đến các sản phẩm phát triển bền vững và tiết kiệm nhiên liệu...
Rõ ràng, dù kết quả đạt được còn khiêm tốn, nhưng nhận thức của người dân, doanh nghiệp đã dần thay đổi, hướng tới song hành với bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Tiếp tục mục tiêu phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, thực hiện cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, gắn với phát triển bền vững đất nước, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần triển khai quyết liệt các giải pháp, nhất là triển khai hiệu quả Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 2-5-2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý tín chỉ các bon nhằm thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định.
Trong đó, trước hết cần sớm xây dựng hành lang pháp lý về tăng trưởng xanh, đầu tư xanh, tiêu dùng xanh,… phù hợp với điều kiện thực tiễn. Chính phủ cần có các chính sách ưu đãi khuyến khích các doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ lạc hậu, không thân thiện với môi trường chuyển đổi sang công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao năng suất, tiết kiệm nguyên nhiên liệu, đáp ứng tiêu chuẩn của nền kinh tế xanh. Cộng đồng doanh nghiệp, người dân cần đổi mới tư duy để ứng xử có trách nhiệm với thiên nhiên, môi trường. Các chủ doanh nghiệp căn cứ ngành nghề sản xuất, chủ động nghiên cứu về thị trường các bon để đăng ký tham gia hành động.
Đồng thời, các cơ quan liên quan cần tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về phát triển xanh. Từ đó, các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp... cần có những hành động thiết thực trong công tác phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, chống biến đổi khí hậu..., góp phần nâng cao hiệu quả của các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động mà Chính phủ đã đề ra.