Văn hóa

Tâm huyết viết về Hà Nội hôm qua, hôm nay và mai sau

Thụy Du ghi 07/10/2024 20:24

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”, được Báo Hànộimới tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), thu hút nhiều cây bút tâm huyết với Hà Nội tham gia bằng những bài và loạt bài viết chất lượng.

Phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận một số ý kiến của các tác giả tại lễ tổng kết và trao giải cuộc thi, ngày 7-10.

Tác giả Phạm Văn Chương, 90 tuổi, từng là chiến sĩ lái xe kéo pháo cao xạ 37 ly thuộc Trung đoàn Pháo binh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, tham gia với tác phẩm “Mãi tự hào về hành trình chiến thắng”:
Góp phần cùng Báo Hànộimới mở lại trang sử vô cùng hùng tráng, oanh liệt của Thủ đô

pham-van-chuong.jpg
Tác giả Phạm Văn Chương. Ảnh: Viết Thành

Trên đường đến dự lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết này, tôi thấy phố phường rực rỡ cờ hoa để mừng ngày lễ lớn của Thủ đô Hà Nội, Thành phố Vì hòa bình, "trái tim" của cả nước. Trong tôi, những ký ức ngày tiếp quản Thủ đô 10-10-1954 lại ùa về với cảm giác vui sướng, tự hào và tràn đầy kiêu hãnh.

Khi Báo Hànộimới phát động cuộc thi, là người chiến sĩ lái xe kéo pháo của Đại đoàn quân tiên phong, tôi thấy mình nên kể lại câu chuyện của ngày đó. Ngày mà chúng tôi, những chiến sĩ mới chỉ mười tám, đôi mươi tràn căng nhiệt huyết cách mạng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và giành chiến thắng, trở về giải phóng Thủ đô.

Từ những cảm xúc gợi nhớ đó, tôi đặt bút viết để kể về những ngày tháng oai hùng, góp phần nhỏ bé cùng Báo Hànộimới mở lại trang sử vô cùng hùng tráng, oanh liệt, để mọi người dân Thủ đô và cả nước cùng ôn lại, để chúng ta cùng tự hào về đất nước Việt Nam anh hùng, tự hào về dân tộc Việt Nam anh hùng, tự hào và tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu sáng lập.

Với niềm tự hào đó, tôi tin tưởng rằng, các thế hệ tiếp theo, đặc biệt là lớp trẻ, sẽ nối bước cha anh, thấm nhuần lịch sử dân tộc, viết tiếp những trang sử mới làm rạng danh dân tộc, rạng danh đất nước.

Tác giả Đan Nhiễm (Báo Hànộimới) tham gia cuộc thi với tác phẩm “Hiện thực hóa giấc mơ sông Hồng”:
Hướng đến một đô thị xanh trong tương lai cho thế hệ mai sau

dan-nhiem.jpg
Tác giả Đan Nhiễm. Ảnh: Viết Thành

Tôi sinh ra ở miền quê cách sông Hồng chỉ vài kilomet và nhà tôi đang ở hiện nay cũng chỉ cách sông Hồng có một bờ đê. Ngày nào đi làm, tôi cũng đi qua cầu Chương Dương bắc qua sông Hồng, nên có thể nói, đề tài sông Hồng không phải quá mới với tôi. Ngoài ra, có thời gian hàng chục năm theo dõi lĩnh vực khoa học, tiếp cận với một số đề tài nghiên cứu về sông Hồng nên vốn tư liệu cứ bồi đắp trong tôi ngày một nhiều và những ý tưởng cũng theo đó ấp ủ qua thời gian... Cũng có điều kiện đến một số thành phố lớn của thế giới, tôi rất thích mô hình “Thành phố - Công viên rừng”, ở đó vừa tạo “lá phổi xanh” cho đô thị, vừa là nơi vui chơi, học tập cho học sinh; nơi dưỡng sinh cho người cao tuổi…

Với Hà Nội, tôi cho rằng quỹ đất nội đô đang gần hết, ít có không gian để khai thác hơn được cho không gian công cộng. Vì thế, bài viết của tôi gắn câu chuyện quy hoạch vùng bãi sông Hồng của Hà Nội với tầm nhìn về một đô thị xanh trong tương lai cho các thế hệ mai sau. Vấn đề này càng rõ hơn khi Hà Nội và các tỉnh phía Bắc vừa trải qua một trận "đại hồng thủy" lớn nhất trong 40 năm qua nên vấn đề sử dụng quỹ đất bãi sông Hồng sao cho "thuận thiên" nhưng vẫn khai thác tối đa giá trị cho phát triển kinh tế - xã hội là câu chuyện có tính thời sự cao.

Tôi rất cảm ơn Ban tổ chức, Hội đồng giám khảo đã đồng cảm với suy nghĩ của tôi về một giấc mơ sông Hồng trong tương lai không xa có thể trở thành hiện thực.

Tác giả Giang Nam (Báo Nhân Dân) với tác phẩm “Hà thành, mỗi bước ta đi”:
Hà Nội chưa bao giờ hết thú vị và luôn thôi thúc tôi tìm hiểu

giai-nhi.jpg
Ban tổ chức trao giải Nhì cho tác giả Giang Nam (thứ hai từ trái sang) cùng các nhóm tác giả khác đoạt giải Nhì cuộc thi. Ảnh: Viết Thành

Tôi sinh ra, lớn lên ở Hà Nội. Khi sinh ra, lớn lên ở bất kỳ vùng đất nào, không riêng gì Hà Nội, thì người ta mặc nhiên gắn bó, yêu mến. Nhưng với Hà Nội thì không đơn giản như thế, tình yêu đó gồm cả cảm tính như tôi vừa nói, mà cũng gồm cả lý tính. Tức là, khi mình hiểu chiều sâu văn hóa nơi này, thì mình càng thấy gắn bó, càng thấy trách nhiệm hơn.

Cùng với quá trình phát triển, có những nét đẹp chúng ta tưởng như mất đi, nhưng thực ra nó như dòng chảy ngầm, mà khi tìm tòi, khám phá, chúng ta vẫn nhận ra chất Hà thành quanh ta. Đó là điều mà bản thân tôi thấy Hà Nội chưa bao giờ hết thú vị và hiểu biết của mình về Hà Nội còn hạn hẹp, càng thôi thúc tôi tìm hiểu.

Viết về Hà Nội với tôi là cái duyên. Cách đây hơn 10 năm, khi Báo Hànộimới tổ chức cuộc thi viết “Cả nước cùng Thủ đô hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”, tôi đã thấy đấy là cơ hội để mình thể hiện tình cảm với Hà Nội và đã tích cực tham gia. Lần này cũng vậy. Khi viết về Hà Nội, tôi viết bằng tình cảm. Tình cảm là thứ kết nối kiến thức về Hà Nội có trong tôi, kết nối thông tin về những nhân vật tôi đã gặp, đã trò chuyện, phỏng vấn…

Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc, nhà báo Nguyễn Quang Long tham gia với tác phẩm “Giữ hồn làng với giấc mơ con rối”:
Luôn biết ơn và muốn cống hiến thật nhiều cho Hà Nội

nguyen-quang-long.jpg
Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc, nhà báo Nguyễn Quang Long. Ảnh: Viết Thành

Tôi cũng như rất nhiều người đều có chung một tình yêu với Hà Nội, gắn bó với Hà Nội và cống hiến cuộc đời mình cho Hà Nội. Dù không sinh ra ở Hà Nội nhưng sinh sống và trưởng thành ở thành phố này, tôi luôn biết ơn thành phố và muốn cống hiến thật nhiều hơn nữa sức mình cho nơi đây.

Tôi chân thành cảm ơn Báo Hànộimới đã tạo ra những “sân chơi” quy tụ nhiều cây bút là các nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật, nhiều nhà báo chuyên nghiệp và cả những cây bút không chuyên nhưng đã có những bài viết rất đặc sắc, góp phần tạo nên thành công của cuộc thi.

Tôi không thường xuyên tham gia các cuộc thi viết, nhưng gần như Báo Hànộimới tổ chức cuộc thi viết nào về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật là tôi tham dự, vừa là để góp sức mình cho cho cuộc thi, cho báo, cho Hà Nội, vừa là dịp để học hỏi từ chính các tác giả dự thi.

Tôi mong Báo Hànộimới thường xuyên tổ chức những cuộc thi như thế này, lan tỏa những giá trị tốt đẹp, những giá trị văn hóa đến công chúng, để Hà Nội của chúng ta luôn xứng đáng là thành phố văn hiến, vì hoà bình, là Thủ đô của cả nước.