Thể thao

Giải chạy Báo Hànộimới: Viết tiếp những trang mới

Minh Hà 07/10/2024 - 09:34

Giải chạy Báo Hànộimới tổ chức lần đầu vào ngày 6-10-1974 với sự tham dự của 468 VĐV nam, nữ thuộc 4 khu phố nội thành và 4 huyện ngoại thành của Hà Nội. Từ đó đến nay đã qua nửa thế kỷ, Giải vẫn phát triển ổn định, tiếp tục được nâng tầm, xứng danh một giải đấu thể thao giàu truyền thống bậc nhất Việt Nam.

giai-chay-hnm-2024.jpg
Các vận động viên khối mở rộng tranh tài tại chung kết Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng - Vì hòa bình năm 2024. Ảnh: Nguyễn Quang

1. Năm mươi năm với 49 kỳ giải, chỉ có 1 kỳ giải không thể tổ chức bởi đại dịch Covid-19 (năm 2021), Giải chạy Báo Hànộimới từ cái tên ban đầu nay đã thành "Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng - Vì hòa bình".

Nguyên Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Xuân Trình có lần kể, cuối những năm 1990, cứ gần đến tháng 10 là phóng viên thể thao Hoàng Tuấn lại nhắc: “Sắp đến chung kết giải rồi anh nhé”. Nghĩ đến việc Giải chạy mang tên báo, nên Báo Hànộimới phải chủ động vào cuộc để khâu tổ chức phải quy củ, mạnh ngay từ những bước đầu tiên nên lãnh đạo báo lên gặp lãnh đạo thành phố, đề xuất nâng thành giải cấp thành phố, có quy chế, tiêu chuẩn thi đua, kế hoạch tổ chức cụ thể... Nhận thức rõ về tầm vóc của một cuộc chạy mang ý nghĩa biểu dương lực lượng quần chúng Thủ đô, hưởng ứng Cuộc vận động Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, Thành phố thống nhất ngay. Và, từ đó, Trưởng ban chỉ đạo giải thường là một đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố. Ban chỉ đạo gồm 13 sở, ban, ngành; Báo Hànộimới và Sở Thể dục - Thể thao là hai cơ quan thường trực.

Đến năm 1999, Hà Nội được UNESCO tặng danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”. Ngay sau đó, Giải chạy Báo Hànộimới gắn với chữ “Vì hòa bình”, Ban chỉ đạo có thêm sự tham gia của Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội. Đó cũng là một trong nét độc đáo, khác biệt của giải đấu so với nhiều giải khác. Năm 2004, nhận thấy nhu cầu cọ xát, nâng cao trình độ của các VĐV điền kinh thành tích cao cũng như tăng sức hấp dẫn cho giải, Ban tổ chức đã mời VĐV điền kinh chuyên nghiệp của các tỉnh, thành, ngành tham dự. Từ đó, Giải được nâng tầm, lan tỏa tới các tỉnh, thành phố trên cả nước. Rồi Báo Hànộimới và Báo Hà Tây thành “người một nhà” từ năm 2008. Trước đó, Giải việt dã Báo Hà Tây cũng được đánh giá cao về quy mô, tầm vóc. Việc Giải việt dã Báo Hà Tây và Giải chạy Báo Hànộimới kết hợp làm một dưới tên gọi Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng - Vì hòa bình giúp giải có quy mô lớn nhất toàn quốc. Hằng năm, những cuộc chạy hưởng ứng, kiểm tra từ 30 quận, huyện, thị xã rồi chung kết giải chạy cấp thành phố thu hút hàng trăm nghìn lượt VĐV.

2. Chuyện xảy ra đã lâu nên cũng không rõ chính xác vì sao giữa Sở Thể dục - Thể thao Hà Nội và Báo Hànộimới lại phối hợp tổ chức giải chạy thay vì giải đấu môn thể thao khác, dẫn đến sự ra đời của Giải chạy Báo Hànộimới vào năm 1974.

Theo lý giải của một số cán bộ thể thao Hà Nội, trong đó có bà Nguyễn Hoàng An - nguyên Trưởng bộ môn điền kinh (Sở Thể dục - Thể thao Hà Nội, nay là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) thì chạy vẫn là môn thể thao gần gũi nhất với mọi người, ai cũng có thể tập chạy. Và, ngoài việc là môn thể thao cơ bản trong chương trình thi đấu Olympic, kết quả từ môn chạy cũng là cơ sở đánh giá khá chuẩn xác về sức khỏe người tập, phong trào tập luyện. Giờ đây, nhìn vào phong trào tập chạy, người người, nhà nhà hào hứng tham gia các giải chạy, có thể thấy rõ sự lựa chọn tổ chức giải của những người có trách nhiệm ở Sở Thể dục - Thể thao Hà Nội và Báo Hànộimới từ cách đây 50 năm thực sự chính xác. Giải đã góp phần giúp điền kinh Hà Nội phát hiện, đào tạo những chân chạy nổi tiếng như Đặng Thị Tèo, Nguyễn Thị Tĩnh, Nguyễn Chí Đông, Nguyễn Văn Toản, Nguyễn Công Nam, Nguyễn Kiên Trung, Nguyễn Văn Khoa... Và cũng nhờ đó, cái tên Giải chạy Báo Hànộimới mới có sức lan tỏa trong cả nước, trở nên thân thuộc với nhiều thế hệ người Hà Nội. Câu chuyện 3 thế hệ trong một gia đình từng tham gia ít nhất một kỳ Giải chạy Báo Hànộimới cũng trở nên quen thuộc. Và trong những đại diện nhà tài trợ cho giải đấu, cũng có nhiều người từng dự giải đấu từ cấp cơ sở đến cấp thành phố...

Đến lúc này, khái niệm xã hội hóa thể thao đã trở nên quen thuộc. Nhưng cách đây 50 năm, khái niệm đó còn xa lạ. Sau này ngẫm lại, chính sự chung tay tổ chức giải giữa Sở Thể dục - Thể thao Hà Nội và Báo Hànộimới ngay từ những ngày đầu cũng đã là một hình thức xã hội hóa thể thao. Càng về sau, điều này càng trở nên rõ ràng, trong đó, Báo Hànộimới đảm nhận việc tuyên truyền khích lệ phong trào, kêu gọi đầu tư xã hội hóa. Mục đích cuối vẫn nhằm đưa giải đấu thực sự là sự kiện quan trọng hằng năm, là biểu tượng về phong trào tập luyện thể dục thể thao của thành phố. Những người có trách nhiệm với giải đấu truyền thống bậc nhất cả nước cũng như Thủ đô này cũng vì thế luôn nỗ lực làm mới giải đấu, để kỳ giải sau hay hơn, hấp dẫn hơn, ấn tượng hơn kỳ giải trước. Đó cũng là câu hỏi thường trực và cũng là động lực với Ban chỉ đạo, Ban tổ chức giải, trong đó có Báo Hànộimới vào trước mỗi mùa giải. Đến lúc này, những nỗ lực làm mới ấy đã tạo nên một giải đấu bề thế, luôn được thành phố ưu tiên, coi trọng và người dân cũng như VĐV các tỉnh, thành, ngành, người nước ngoài đang học tập, công tác tại Việt Nam luôn chờ đợi tham gia.