Kinh tế

Kinh tế - xã hội cả nước 9 tháng năm 2024: Nhiều điểm sáng nổi bật

Bảo Hân - Anh Thư 07/10/2024 - 06:46

Vượt qua những ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III-2024 của cả nước ta vẫn tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Đà tăng mạnh này giúp tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2024 cán mốc 6,82%, tạo sự tin tưởng về việc đạt mức tăng trưởng từ 6,8 đến 7% trong năm 2024. Song, để đạt mục tiêu này, từ nay đến cuối năm vẫn cần sự nỗ lực và kiên định thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

san-xuat-hang-gia-dung-xuat.jpg
Sản xuất hàng gia dụng xuất khẩu tại Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse (Cụm công nghiệp Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai). Ảnh: Nhật Nam

Tăng trưởng tích cực, kiểm soát tốt lạm phát

Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, cơn bão số 3 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, đặc biệt là sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ở các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, với tốc độ tăng mạnh trong 2 tháng đầu quý III cùng những giải pháp kịp thời khắc phục hậu bão lũ và ổn định sản xuất, kinh doanh, kinh tế 9 tháng năm 2024 tiếp tục xu hướng tích cực.

GDP quý III ước tính tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,11%, đóng góp 48,88% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Thông tin đáng chú ý được Vụ trưởng Vụ Thống kê Nông Lâm nghiệp và Thủy sản (Tổng cục Thống kê) Đậu Ngọc Hùng nêu là sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý III và 9 tháng năm 2024 của cả nước vẫn duy trì tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu. Sản xuất lúa vụ đông xuân và hè thu đạt kết quả khá. Sản lượng một số cây ăn quả tăng khá so với cùng kỳ năm trước do khai thác tối đa thị trường xuất khẩu. Đàn gia cầm cả nước phát triển ổn định. Sản xuất lâm nghiệp thuận lợi do giá gỗ nguyên liệu và hoạt động xuất khẩu sản phẩm gỗ vào các thị trường chính tăng cao.

Hoạt động sản xuất công nghiệp tăng trưởng tích cực hơn quý trước, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp ước đạt 9,59% so với quý III-2023. Theo Vụ Thống kê Công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê), tính chung 9 tháng năm 2024, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,34% so với cùng kỳ năm trước; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,76%.

Về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, tính chung 9 tháng, cả nước có gần 121,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là hơn 1.158,5 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là hơn 735,0 nghìn lao động (tăng 3,4% về số doanh nghiệp, tăng 3,4% về vốn đăng ký và giảm 3,4% về số lao động so với cùng kỳ năm trước). Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng năm 2024 đạt 9,5 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2023.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, nhờ mặt bằng lãi suất cho vay có xu hướng giảm, sản xuất phục vụ xuất khẩu tăng trưởng tốt, các chính sách về miễn giảm, giãn, hoãn thuế tiếp tục được triển khai hỗ trợ..., các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh đã thúc đẩy đầu tư mới và mở rộng sản xuất, tăng cường thu hút và thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội. 9 tháng năm 2024, vốn đầu tư theo giá hiện hành ước đạt 2.417,2 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước đạt 17,34 tỷ USD, tăng 8,9%.

Kỳ vọng từ khai thác lợi thế

Để nhanh chóng khôi phục lại nhịp độ tăng trưởng của một số ngành nghề, địa phương sau cơn bão số 3, ông Đậu Ngọc Hùng kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm hỗ trợ người dân vùng ảnh hưởng bằng các mặt hàng thiết yếu và vật tư để sớm ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất, kinh doanh… Trước mắt cần thực hiện chính sách miễn giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước hoặc khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi vay, xem xét cho vay mới với lãi suất ưu đãi…

Không chủ quan trước việc kiểm soát tốt lạm phát hiện nay, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Thu Oanh nêu, trong 3 tháng cuối năm, nếu chỉ số giá tiêu dùng liên tục ở mức cao sẽ tạo ra lạm phát kỳ vọng và gây áp lực cho điều hành giá năm 2025. Do đó, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần quan tâm theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, tìm ra giải pháp phù hợp; đồng thời có kế hoạch bảo đảm nguồn cung nguyên vật liệu sản xuất, đặc biệt với các loại hàng hóa dễ bị ảnh hưởng của đứt gãy chuỗi cung ứng...

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhận định, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024 khá tích cực trong bối cảnh thế giới và trong nước tiếp tục có những diễn biến không mấy khả quan, đặc biệt ảnh hưởng sau bão số 3 có thể cản trở việc đạt mục tiêu đặt ra trong năm 2024. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự chung sức đồng lòng của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, những thiệt hại do thiên tai, bão lũ sẽ được bù đắp, phục hồi trong thời gian sớm nhất.

Trước những tín hiệu phục hồi tích cực trên nhiều lĩnh vực và đạt nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, những kết quả này có sự đóng góp đáng kể của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khu vực tư nhân. Bộ trưởng khẳng định, Chính phủ luôn đồng hành với doanh nghiệp, triển khai mạnh mẽ cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.