Thế giới

Lũ lụt ở Bangladesh khiến 5 người thiệt mạng, hàng nghìn người mắc kẹt

Kim Phượng 07/10/2024 - 06:28

Ít nhất 5 người đã thiệt mạng và hơn 100.000 người đang bị mắc kẹt khi lũ lụt tàn khốc do mưa lớn và lũ quét ở thượng nguồn, tiếp tục tàn phá miền Bắc Bangladesh, Reuters dẫn nguồn tin từ giới chức nước này cho biết.

bangladesh.png
Người dân di dời khỏi một con phố bị ngập lụt, trong trận lũ lụt nghiêm trọng ở khu vực Fazilpur thuộc Feni, Bangladesh. Ảnh: Reuters

Tại Sherpur, một trong những quận phía Bắc đất nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất, mực nước của các con sông lớn đã dâng cao, nhấn chìm nhiều khu vực và khiến hàng nghìn gia đình phải di dời. Chính quyền địa phương lo ngại thiệt hại trên diện rộng đối với nông nghiệp, khi cây trồng và đất nông nghiệp, đặc biệt là ruộng lúa, có nguy cơ bị tàn phá. Nhiều ngôi nhà bị ngập sâu hàng mét, các ngôi làng bị chia cắt và nhiều người dân cần được cứu hộ khẩn cấp.

Quân đội Bangladesh phải sử dụng thuyền và trực thăng trong công tác cứu hộ, cung cấp hàng hóa tiếp tế khẩn cấp và sơ tán những người bị mắc kẹt do lũ lụt. Các cây cầu đã bị sập và đường sá bị ngập, chính quyền địa phương khó tiếp cận các khu vực bị ảnh hưởng.

Quốc gia trũng thấp với 170 triệu dân này đã trải qua nhiều trận lũ lụt trong năm nay, cho thấy tính dễ bị tổn thương của quốc gia này trước biến đổi khí hậu. Một phân tích của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2015 ước tính 3,5 triệu người ở Bangladesh có nguy cơ bị ảnh hưởng do lũ lụt hàng năm, một rủi ro mà các nhà khoa học nhận định đang trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu toàn cầu.

Khi mực nước tiếp tục dâng cao, mối lo ngại ngày càng tăng về tác động lâu dài đến nền nông nghiệp của Bangladesh, đặc biệt là cây lúa. Nếu nước lũ không sớm rút, thiệt hại kinh tế đối với người nông dân có thể rất nghiêm trọng.

Cơ quan khí tượng dự đoán sẽ có nhiều mưa hơn trong những ngày tới, làm dấy lên nỗi quan ngại về tình trạng ngập lụt tiếp diễn. Hồi tháng 8 trận lũ lụt ở miền Đông Bangladesh đã khiến hơn 70 người thiệt mạng, gây thiệt hại ước tính lên tới 1,20 tỷ USD, theo một nghiên cứu của Trung tâm Đối thoại Chính sách của nước này.

Liên hợp quốc và các đối tác đã phát động lời kêu gọi nhân đạo trị giá 134 triệu USD để cung cấp cứu trợ và hỗ trợ khẩn cấp cho các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và lốc xoáy đang diễn ra ở Bangladesh.