Kazakhstan trưng cầu dân ý về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên
Theo Reuters, ngày 6-10, Kazakhstan tổ chức bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về việc có nên xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên hay không, một ý tưởng được chính phủ của Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev thúc đẩy khi quốc gia Trung Á này tìm cách loại bỏ dần các nhà máy điện than gây ô nhiễm.
Tuy nhiên, kế hoạch này đã phải đối mặt với sự chỉ trích của dư luận vì những nguy hiểm của nó và lo ngại rằng Nga sẽ tham gia vào dự án này.
Mặc dù có trữ lượng khí đốt tự nhiên đáng kể, quốc gia Trung Á với 20 triệu dân này chủ yếu dựa vào các nhà máy điện chạy bằng than để đáp ứng nhu cầu điện, ngoài ra còn có một số nhà máy thủy điện và ngành năng lượng tái tạo đang phát triển.
Kazakhstan hiện đang nhập khẩu điện, chủ yếu từ Nga, vì nhiều cơ sở của nước này đã cũ và quốc gia này đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu trong nước, trong khi than đá thường được coi là nguồn năng lượng gây ô nhiễm nhất.
Chính phủ Kazakhstan nhận thấy cần có nguồn cung cấp năng lượng đáng tin cậy để bổ sung cho các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng gió, và vì Kazakhstan là một trong những nước sản xuất uranium lớn nhất thế giới nên năng lượng hạt nhân là một lựa chọn hợp lý.
"Để không đứng ngoài cuộc tiến bộ toàn cầu, chúng ta phải sử dụng lợi thế cạnh tranh của mình", Tổng thống Tokayev phát biểu cách đây vài ngày trước cuộc bỏ phiếu.
Theo ước tính, chi phí xây dựng một nhà máy điện hạt nhân từ 10-12 tỷ USD. Những người chỉ trích kế hoạch trên cho rằng mục tiêu tương tự có thể đạt được với các nhà máy chạy bằng khí đốt, mặc dù vẫn sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nhưng ít gây ô nhiễm hơn nhiều so với các nhà máy điện than và ít rủi ro hơn.