Hà Nội kết nối

Việt Nam cần tận dụng kỷ nguyên trí tuệ để định hình vị trí tương lai

Nguyễn Lê 06/10/2024 13:00

Theo Giáo sư Klaus Schwab, quá trình chuyển đổi sang thời đại kỷ nguyên trí tuệ sẽ nâng cao vai trò của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu.

Ngày 6-10, UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức diễn đàn với chủ đề “Kinh tế tri thức - Nền tảng cho tương lai thịnh vượng và hành động của giới trẻ”, với diễn giả chính là Giáo sư Klaus Schwab, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).

anh-2.jpg
Giáo sư Klaus Schwab trao đổi với trí thức trẻ tại diễn đàn. Ảnh: WEF

Phát biểu chào mừng diễn đàn, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh, sứ mệnh của Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) thành phố Hồ Chí Minh là thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp của Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, hướng tới nền kinh tế hiện đại, sáng tạo và xanh, trong đó, tích cực thúc đẩy đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, tự động hóa…

“UBND thành phố sẽ là đầu mối trong việc triển khai các hoạt động hợp tác song phương giữa các bộ, ngành trung ương và C4IR thành phố Hồ Chí Minh cùng với mạng lưới C4IR toàn cầu của WEF. Thành phố tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài, chuyên gia nước ngoài trong các hoạt động trao đổi, chuyển giao công nghệ; xúc tiến thương mại và đầu tư tại Việt Nam”, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

anh-1.jpg
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu chào mừng diễn đàn. Ảnh: WEF

Phát biểu tại diễn đàn, Giáo sư Klaus Schwab cho rằng, Việt Nam đã đón nhận các xu hướng đổi mới công nghệ, số hóa và hiện đại hóa bằng những chính sách có tầm nhìn dài hạn của Chính phủ nhằm đưa Việt Nam trở thành một cường quốc số tại khu vực Đông Nam Á. Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 của Chính phủ Việt Nam đã đề ra các mục tiêu đầy tham vọng, hướng đến việc nâng cao năng suất, cải thiện môi trường kinh doanh và đảm bảo tăng trưởng bao trùm cho tất cả các tầng lớp xã hội.

Sự phát triển kinh tế ấn tượng của Việt Nam trong vài thập kỷ qua là minh chứng cho khả năng phục hồi, sự linh hoạt và quá trình hoạch định chính sách có chiến lược của đất nước. Là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, Việt Nam đã và đang định vị mình là một nhân tố quan trọng trong thương mại và sản xuất toàn cầu. Khi bước vào kỷ nguyên trí tuệ, Việt Nam cần tiếp tục thay đổi, tận dụng công nghệ số để duy trì lợi thế cạnh tranh của mình.

anh-3.jpg
Giáo sư Klaus Schwab trò chuyện với trí thức trẻ tại diễn đàn. Ảnh: WEF

Việt Nam với hơn 100 triệu dân, GDP năm 2024 dự kiến đạt 430 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng GDP dao động từ 6 đến 7% và độ tuổi trung vị của dân số chỉ hơn 30 tuổi, là một quốc gia trẻ với tiềm năng lớn để trở thành nền kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD vào năm 2050.

Giáo sư Klaus Schwab cho rằng, 4 lĩnh vực chính mà công nghệ đang tái định hình bối cảnh của Việt Nam, đó là: Trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa trong sản xuất; thương mại điện tử và dịch vụ số; hạ tầng số và đô thị thông minh; phát triển bền vững và công nghệ xanh.

Nói về vai trò của thế hệ trẻ trong kỷ nguyên trí tuệ, Giáo sư Klaus Schwab cho rằng, đòi hỏi 5 yếu tố: Linh hồn đại diện cho mục đích; bộ não đại diện cho tri thức; trái tim đại diện cho đam mê; lòng trắc ẩn, cơ bắp đại diện cho hành động; hệ thần kinh đại diện cho sự kiên cường.

“Khi các yếu tố này cùng phối hợp hiệu quả, thế hệ trẻ không chỉ trở thành nhà lãnh đạo trong cuộc sống của chính mình, mà còn trở thành người dẫn dắt xã hội - người có thể đưa Việt Nam bước vào tương lai, hướng tới một thế giới sáng tạo, bình đẳng và bền vững”, Giáo sư Klaus Schwab nhận định.