Văn hóa

Hôm nay (6-10), Hà Nội tổ chức chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình”:Gửi niềm tin yêu, tự hào về Thủ đô Hà Nội

Hoàng Lân 06/10/2024 06:00

Sáng 6-10, chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” sẽ diễn ra trong sự háo hức, đón chờ của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Đây là sự kiện nổi bật trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024); 25 năm Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), do Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo; Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức.

buoi-tong-duyet-chuong-trinh-ngay-hoi-van-hoa-vi-hoa-binh-ky-niem-70-nam-ngay-giai-phong-thu-do-va-25-nam-ha-noi-duoc-unesco-trao-danh-hieu-thanh-pho-vi-hoa-binh-sang-5-10.-anh-do-tam.jpg
Buổi tổng duyệt chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình”, kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và 25 năm Hà Nội được UNESCO trao danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”, sáng 5-10. Ảnh: Đỗ Tâm

Mong muốn một Thủ đô văn minh, giàu đẹp

Trong hai ngày 4 và 5-10, gần 10.000 người đã tập trung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm để diễn tập cho chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình”. Tất cả đều chung tinh thần phấn khởi, tự hào và gửi gắm nhiều ước vọng về sự phát triển của Thủ đô văn minh, hiện đại, giàu bản sắc.

Anh Julian Brandt, một du khách người Anh cho biết, anh tình cờ ghé thăm Hà Nội vào dịp lễ trọng đại của Thủ đô và vô cùng thích thú khi được hòa mình vào không khí đậm màu sắc văn hóa của thành phố ngàn năm văn hiến.

Có mặt tại trung tâm Hà Nội từ sáng 4-10, Câu lạc bộ chiêng Mường xã Phú Mãn (huyện Quốc Oai) gồm 42 người đã sẵn sàng tham gia diễu hành, giới thiệu di sản chiêng Mường. Chị Nguyễn Thị Chanh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ chiêng Mường xã Phú Mãn chia sẻ, nhiều ngày nay, các chị em phụ nữ trong câu lạc bộ rất phấn khởi khi được tham gia sự kiện văn hóa lớn của thành phố.

“Ngày hội Văn hóa vì hòa bình tổ chức vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, hội tụ rất nhiều di sản văn hóa của Hà Nội, vì thế chúng tôi mong muốn góp thêm sắc màu trong bức tranh văn hóa tổng thể của Thủ đô. Câu lạc bộ chiêng Mường sẽ diễu hành và trình diễn bài chiêng cổ “Đi đường” trong chương trình”, chị Nguyễn Thị Chanh cho biết.

khu-vuc-pho-phung-hung-trong-chuong-trinh-ky-uc-ha-noi-70-nam-do-ban-quan-ly-ho-hoan-kiem-va-pho-co-ha-noi-phoi-hop-voi-cac-don-vi-to-chuc.-anh-manh-quan.jpg
Khu vực phố Phùng Hưng trong chương trình “Ký ức Hà Nội - 70 năm” do Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với các đơn vị tổ chức. Ảnh: Mạnh Quân

Còn theo ông Vương Quốc Trị - công chức văn hóa UBND xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) tham gia đoàn diễu hành giới thiệu tín ngưỡng thờ Phù Đổng Thiên Vương, “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” là dịp để những người dân địa phương giao lưu, học hỏi và quảng bá nét đẹp văn hóa của quê hương mình.

“Chúng tôi đã sẵn sàng cho buổi diễu hành và trình diễn cờ người. Tôi mong rằng, Thủ đô ngày càng phát triển giàu mạnh, đồng thời giữ gìn và bảo tồn tốt các giá trị văn hóa truyền thống”, ông Vương Quốc Trị bày tỏ.

Là nghệ sĩ chuyên nghiệp góp mặt tham gia biểu diễn tiết mục “Khí phách Hà Nội” mở màn trong “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình”, ca sĩ Tùng Dương chia sẻ: “Với một nghệ sĩ Hà Nội, được góp mặt trong chương trình biểu diễn lớn của Thủ đô là vinh dự lớn. Tôi tin rằng, với sự quan tâm của các cấp chính quyền, Thủ đô Hà Nội sẽ phát triển mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực. Mong rằng, văn hóa Hà Nội ngày càng được phát triển, sáng tạo trên nền tảng giá trị truyền thống”, ca sĩ Tùng Dương nói.

Đại thực cảnh về di sản văn hóa Thủ đô

Với vai trò đạo diễn, chịu trách nhiệm dàn dựng nhiều nội dung trong chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình”, đạo diễn Hoàng Công Cường cho biết, nhiều tháng nay, ê - kíp làm việc đã dồn sức để chuẩn bị, tập luyện cho chương trình này.

“Đây là chương trình đại thực cảnh lớn, có sự tham gia của khoảng 10.000 người, gồm cả diễn viên, nghệ sĩ chuyên nghiệp, khách quốc tế và những người dân ở 30 quận, huyện, thị xã. Ngày hội không chỉ là hoạt động biểu dương lực lượng, diễu hành tập thể mà còn nhằm mục đích tôn vinh những di sản văn hóa đặc sắc, độc đáo của Hà Nội. Vì thế, hoạt động diễu hành của các khối quận, huyện, thị xã cần phải được thể hiện đồng bộ, đẹp mặt cho thấy sự chung tay, tham gia của cộng đồng người dân trong bảo vệ, giữ gìn di sản. Trong hai ngày sơ duyệt và tổng duyệt, các đoàn tham gia diễu hành được ghép nối ăn ý, hứa hẹn mang đến chương trình diễu hành, nghệ thuật mãn nhãn và ý nghĩa cho người dân và du khách”, đạo diễn Hoàng Công Cường chia sẻ.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” gồm 3 phần. Phần mở đầu là chương trình thực cảnh “Ký ức Hà Nội”, tái hiện lịch sử của Thủ đô với 3 phân đoạn: “Ký ức Hà Nội - Những ngày toàn quốc kháng chiến”, “Cảm xúc tháng Mười”, “Khí phách Hà Nội”. Phần hai là lễ chào mừng trong đó có nghi thức chào cờ, hát Quốc ca. Phần ba là màn trình diễn, diễu hành có sự tham gia của 500 chiến sĩ tái hiện hình ảnh đoàn quân tiếp quản Thủ đô năm 1954. Phần này được chia làm 3 chương, gồm các chương trình nghệ thuật, thực cảnh, diễu hành với các chủ đề: “Hà Nội ngày về chiến thắng”, “Hà Nội - dòng chảy di sản”, “Hà Nội - Thành phố hòa bình - Thành phố sáng tạo”.

Chương trình cũng giới thiệu nhiều di sản của Hà Nội như: Kéo co, hội thổi cơm thi làng Thị Cấm, tín ngưỡng Mo Mường, tín ngưỡng thờ Thánh Gióng, Tản Viên Sơn Thánh, Chử Đồng Tử; ca trù, hát xẩm, hát múa Ải Lao, rối nước… Các khối diễu hành sẽ lần lượt tiến qua sân khấu chính, đi quanh hồ Hoàn Kiếm trong niềm hân hoan chào đón của người dân và du khách.

Bà Ngô Kim Thủy (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) bày tỏ niềm háo hức trước sự kiện lớn của Thủ đô: "Là người dân sinh sống tại Hà Nội, được hòa mình vào những ngày tháng ý nghĩa này của thành phố, tôi cảm thấy rất tự hào. Tôi và các chị em phụ nữ ở khu dân cư đã rủ nhau đến hồ Hoàn Kiếm cảm nhận không khí hân hoan, phấn khởi trong “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình”. Trong sự kiện này, chúng tôi rất mong được chiêm ngưỡng, trải nghiệm những nét đẹp văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc.

"Không chỉ có “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình”, rất nhiều hoạt động văn hóa khác đang mang đến cho Thủ đô không khí kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô thêm ý nghĩa và hấp dẫn, chẳng hạn như không gian trưng bày tại phố bích họa Phùng Hưng; Lễ hội áo dài du lịch tại Hoàng thành Thăng Long... Nhiều không gian trang trí biểu tượng, mô hình, cờ, hoa... đều rất đẹp và phù hợp. Đây thật sự là một dịp đặc biệt để những di sản văn hóa của Thủ đô cùng tụ hội, tập trung quảng bá, giới thiệu rộng rãi tới người dân và du khách", bà Ngô Kim Thủy nói.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” là hoạt động tôn vinh giá trị của hòa bình, thể hiện niềm tự hào về danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” mà UNESCO trao tặng cho Thủ đô Hà Nội trong 25 năm qua. Đồng thời, sự kiện cũng khẳng định nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hà Nội trong việc xây dựng Hà Nội ngày càng phát triển, yêu chuộng hòa bình, xứng đáng với danh hiệu cao quý “Thành phố Vì hòa bình”.