Thế giới

Căng thẳng thương mại Trung Quốc - EU gia tăng: Điểm nóng mang tên xe điện

Quỳnh Dương 06/10/2024 - 06:42

Các nước Liên minh châu Âu (EU) ngày 4-10 đã bỏ phiếu thông qua quyết định áp thuế đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc lên 45% từ ngày 31-10-2024. Động thái này được đánh giá có thể làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán giữa Brussels và Bắc Kinh đang diễn ra để tìm giải pháp hòa giải cho tranh chấp thương mại trước thời hạn cuối tháng 10.

xe-dien-3210.jpg
Các nước Liên minh châu Âu (EU) ngày 4-10 đã bỏ phiếu thông qua quyết định áp thuế đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.

Xe điện đã trở thành điểm nóng chính và mới nhất trong chuỗi tranh chấp thương mại liên quan tới các khoản trợ giá của Chính phủ Trung Quốc đối với các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Các nước EU cho rằng, hàng hóa được trợ giá từ Trung Quốc với giá thành rẻ hơn khiến các sản phẩm tương tự có nguồn gốc từ châu Âu khó có thể cạnh tranh trên thị trường, gây ảnh hưởng tới nền công nghiệp sản xuất ô tô điện tại Cựu lục địa.

Theo Ủy ban châu Âu (EC), thị phần xe điện do Trung Quốc sản xuất trên thị trường châu Âu đã tăng từ 3,9% vào năm 2020 lên 25% vào tháng 9-2023. Các công ty của Trung Quốc đạt được điều này nhờ vào trợ cấp trên toàn bộ chuỗi sản xuất. Họ có thể xây dựng nhà máy trên những khu đất giá rẻ và tiếp cận nguồn cung cấp lithium và pin giá thấp từ các doanh nghiệp nhà nước, đến các khoản giảm thuế, hỗ trợ dễ dàng từ các ngân hàng do Nhà nước quản lý.

Sự tăng trưởng nhanh chóng về thị phần đã làm dấy lên lo ngại rằng, xe điện Trung Quốc sẽ đe dọa ngành sản xuất công nghệ xanh của EU, cũng như ảnh hưởng tới việc làm của 2,5 triệu công nhân ngành công nghiệp ô tô và 10,3 triệu lao động khác có công việc phụ thuộc gián tiếp vào sản xuất xe điện.

Mức thuế áp dụng đối với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc lần lượt là 17% với BYD, 18,8% cho xe của Geely và 35,3% với xe SAIC. Geely sở hữu các thương hiệu như Polestar và Volvo của Thụy Điển, trong khi SAIC sở hữu MG của Anh, một trong những thương hiệu xe điện bán chạy nhất châu Âu. Các nhà sản xuất xe điện khác tại Trung Quốc, bao gồm các công ty phương Tây như Volkswagen và BMW, sẽ phải chịu mức thuế 20,7%. Riêng xe Tesla được EC áp mức thuế riêng là 7,8%. Các mức mới này được áp thêm trên mức thuế hiện hành là 10%. Điều này có nghĩa là trên thực tế, một số nhà sản xuất ô tô Trung Quốc sẽ sớm phải đối mặt với tổng mức thuế trên 45%.

EC đã hoan nghênh đa số các nước thành viên chấp thuận kế hoạch áp thuế với xe điện Trung Quốc, mặc dù Đức và Hungary đã bỏ phiếu chống lại kế hoạch này. Trong khi đó, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối động thái của EU. Một phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết: “Trung Quốc kiên quyết phản đối các hoạt động bảo hộ không công bằng, không tuân thủ và vô lý của EU trong trường hợp này và kiên quyết phản đối việc EU áp dụng thuế chống trợ cấp đối với xe điện của Trung Quốc”. Phòng Thương mại Trung Quốc tại EU cũng bày tỏ sự thất vọng trước kết quả bỏ phiếu ngày 4-10 và kêu gọi EU hành xử một cách thận trọng, trì hoãn việc thực hiện các mức thuế này, ưu tiên giải quyết các tranh chấp và căng thẳng thương mại thông qua tham vấn và đối thoại.

Theo các thông tin từ cả hai phía, gồm Ủy viên phụ trách kinh tế EU Valdis Dombrovskis và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào, còn 4 tuần nữa để thực hiện các cuộc đàm phán về vấn đề này.

Nhiều nhà bình luận cho rằng, Trung Quốc sẽ sớm đưa ra biện pháp trả đũa, đặc biệt khi Bắc Kinh đã tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với thịt lợn và rượu mạnh nhập khẩu từ EU, cũng như điều tra chống trợ cấp đối với các sản phẩm từ sữa của EU. Hiện tại, Trung Quốc đánh thuế 12% đối với thịt nhập khẩu của EU. Nếu mức thuế tăng lên 20%, nhiều doanh nghiệp châu Âu sẽ cảm nhận được “sức nóng” của cuộc chiến thương mại và tổn thất ở thị trường Trung Quốc khó có thể bù đắp được, ngay cả khi họ tìm kiếm các thị trường mới như Việt Nam và Philippines.

Tháng trước, Trung Quốc cũng đã đệ đơn khiếu nại chính thức lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về cuộc điều tra của EC liên quan đến xe điện, cáo buộc cuộc điều tra này “thiếu cơ sở thực tế và pháp lý” và “vi phạm nghiêm trọng” các quy tắc của tổ chức này.

Chưa rõ Brussels và Bắc Kinh có thể đàm phán thành công để đi đến một thỏa hiệp hay không, nhưng có một điều rõ ràng rằng, trong các cuộc chiến thương mại hay bất kỳ một cuộc chiến nào khác, sẽ không có người chiến thắng thực sự - đặc biệt là giữa hai nền kinh tế có sự phụ thuộc chặt chẽ với nhau như EU và Trung Quốc.