Đột phá phát triển công nghệ sinh học
Thời gian qua, việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu công nghệ cao tại Hà Nội đã góp phần tích cực tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, theo đánh giá của các chuyên gia, việc phát triển các khu công nghệ cao, nhất là công nghệ cao sinh học tại Hà Nội vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Lấy ví dụ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, việc ứng dụng công nghệ cao sinh học ở Hà Nội mới chỉ được thực hiện chủ yếu ở từng khâu, chưa ứng dụng công nghệ cao đồng bộ. Công nghệ cao hầu hết mới thực hiện ở một vài khâu như tưới tiết kiệm theo công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun sương, canh tác cây trồng trong nhà màng, nhà lưới,... Còn khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến vẫn áp dụng công nghệ thủ công, công nghệ lạc hậu nên năng suất, chất lượng nông sản đạt thấp. Mặc dù đã có quy định hỗ trợ kinh phí (70-80%) cho những đề tài nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ tạo ra sản phẩm mới, hay thực hiện các dự án sản xuất thử nghiệm, nhưng đến nay chính sách này chưa được áp dụng trên địa bàn Hà Nội. Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do các dự án đầu tư tại khu công nghệ cao phải đáp ứng tiêu chí về công nghệ, sản phẩm, các quy định về dự án công nghệ cao và trải qua quá trình thẩm định mất nhiều thời gian theo quy định. Ngoài ra, vẫn còn thiếu các chính sách chế độ đãi ngộ đặc biệt để thu hút các chuyên gia, cán bộ có trình độ chuyên môn cao đến làm việc tại khu công nghệ cao…
Để Hà Nội có thể chủ động khai thác, phát huy tiềm lực khoa học và công nghệ, nhất là trí tuệ, tiềm năng “chất xám” của đội ngũ trí thức tại các viện, trường trên địa bàn, ngày 29-9-2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn đã ký ban hành Quyết định số 1054/QĐ-TTg thành lập Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội. Theo đó, Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội có chức năng thực hiện các hoạt động công nghệ cao phù hợp với xu thế phát triển công nghệ cao trên thế giới và chính sách, định hướng phát triển công nghệ cao của Việt Nam, trong đó ưu tiên là lĩnh vực công nghệ sinh học.
Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đã có những quy định để đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ Thủ đô như đổi mới mạnh mẽ, đột phá, tháo gỡ các ách tắc về cơ chế quản lý khoa học. Để tận dụng tốt tiềm năng hiện có, thời gian tới các sở, ngành, địa phương cần triển khai có hiệu quả giải pháp thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TƯ ngày 30-1-2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới và Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII về đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.
Việc quan trọng tiếp theo là sớm xây dựng cơ chế, chính sách để doanh nghiệp có thể đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ cao sinh học; phát triển đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ trình độ cao, thu hút, trọng dụng cán bộ năng lực giỏi, trẻ trong và ngoài nước phục vụ sự phát triển của Thủ đô. Cùng với đó, mạnh dạn xây dựng các mô hình thí điểm áp dụng cơ chế, chính sách mới, vượt trội để tạo đột phá phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ trong một số lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ mới, sở hữu trí tuệ; nghiên cứu sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học quy mô công nghiệp...
Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội đi vào hoạt động chắc chắn sẽ góp phần để thành phố sớm đạt được mục tiêu trở thành địa phương có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh về công nghệ sinh học, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á.