Văn hóa

Tin tức đặc biệt trên báo in Hànộimới ngày 6-10-2024

HNMO 06/10/2024 - 06:12

Gửi niềm tin yêu, tự hào về Thủ đô Hà Nội; Diện mạo Thủ đô Hà Nội sau 70 năm giải phóng - Tầm nhìn tương lai; Đậm sâu những trang sách Hà Nội xưa và nay… là những thông tin đáng chú ý trên báo in Hànộimới số ra ngày 6-10-2024.

Gửi niềm tin yêu, tự hào về Thủ đô Hà Nội

Sáng 6-10, chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” sẽ diễn ra trong sự háo hức, đón chờ của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Đây là sự kiện nổi bật trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024); 25 năm Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), do Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo; Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức.

buoi-tong-duyet-chuong-trinh-ngay-hoi-van-hoa-vi-hoa-binh-ky-niem-70-nam-ngay-giai-phong-thu-do-va-25-nam-ha-noi-duoc-unesco-trao-danh-hieu-thanh-pho-vi-hoa-binh-sang-5-10.-anh-do-tam.jpg
Buổi tổng duyệt chương trình Ngày hội Văn hóa vì hòa bình, kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và 25 năm Hà Nội được UNESCO trao danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, sáng 5-10. Ảnh Đỗ Tâm

Với vai trò đạo diễn, chịu trách nhiệm dàn dựng nhiều nội dung trong chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình”, đạo diễn Hoàng Công Cường cho biết: “Đây là chương trình đại thực cảnh lớn, có sự tham gia của khoảng 10.000 người, gồm cả diễn viên, nghệ sĩ chuyên nghiệp, khách quốc tế và những người dân ở 30 quận, huyện, thị xã. Ngày hội không chỉ là hoạt động biểu dương lực lượng, diễu hành tập thể mà còn nhằm mục đích tôn vinh những di sản văn hóa đặc sắc, độc đáo của Hà Nội”.

Diện mạo Thủ đô Hà Nội sau 70 năm giải phóng - Tầm nhìn tương lai

Thăng Long - Hà Nội đã trải qua và chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử, đã tạo nên nền văn hiến rực rỡ mang đậm dấu ấn Thủ đô, trong đó nổi trội, dễ nhận biết là về diện mạo đô thị. Từ quy mô, cấu trúc đô thị, kết cấu hạ tầng, kiến trúc công trình, cảnh quan nhân tạo, cảnh quan tự nhiên, tổng hòa là kiến trúc cảnh quan, luôn được ghi nhận là ngày càng văn minh, hiện đại hơn, xứng tầm là "Trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế".

dien-mao-khang-trang-cua-tuyen-duong-au-co-nghi-tam-vua-moi-thong-xe.-anh-vien-minh.jpg
Diện mạo khang trang của tuyến đường Âu Cơ - Nghi Tàm vừa mới khánh thành. Ảnh: Viên Minh

Hiện nay, Hà Nội đang song hành điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và lập Quy hoạch Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua sẽ tạo động lực để diện mạo Thủ đô có bước đột phá. Hà Nội "văn hiến - văn minh - hiện đại - bền vững" sẽ từng bước hiện hữu, đáp ứng mong muốn của cả nước và bạn bè quốc tế.

Thu ngoài lãi của ngân hàng tăng: "Trái ngọt" của hành trình chuyển đổi số

Tín dụng tăng chậm, chi phí lớn, các ngân hàng vẫn phải cân đối bài toán lợi nhuận, trong đó có nguồn thu ngoài lãi. Thời gian gần đây, nguồn thu ngoài lãi của các ngân hàng liên tục tăng, các chuyên gia cho rằng đó là "trái ngọt" của hành trình chuyển đổi số trong cả hệ thống ngân hàng.

nguoi-dan-giao-dich-ung-dung-ngan-hang-so-cua-ngan-hang-thuong-mai-co-phan-tien-phong-tp-bank-.-anh-trong-hieu.jpg
Người dân giao dịch ứng dụng ngân hàng số của Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TP Bank). Ảnh: Trọng Hiếu

Mặc dù, đến nay mới có báo cáo tài chính của 29 ngân hàng, song, thống kê kết quả kinh doanh cho thấy, những tháng đầu năm, lợi nhuận những ngân hàng này tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023, đạt gần 161.600 tỷ đồng. Đại diện các ngân hàng đều khẳng định, nguồn thu ngoài lãi tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh chung.

Phát triển thị trường thương mại điện tử: Tăng cường tuân thủ pháp luật bảo vệ người tiêu dùng

Những năm gần đây, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam ngày càng phát triển và trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được nhiều doanh nghiệp, người dân biết đến và tin tưởng sử dụng. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của thị trường thương mại điện tử cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

thi-truong-thuong-mai-dien-tu-phat-trien-manh-me-dat-ra-nhieu-thach-thuc-cho-cong-tac-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-cua-cac-nganh-chuc-nang..jpg
Thị trường thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ đặt ra nhiều thách thức cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các ngành, chức năng.

Ủy ban Cạnh tranh quốc gia đã kiến nghị, đề xuất một số nhóm giải pháp nhằm hoàn thiện cũng như nâng cao hiệu quả thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, kiến nghị đưa ra theo từng nhóm chủ thể riêng biệt, với doanh nghiệp, kiến nghị nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh; xây dựng, áp dụng hoặc thực hiện các bộ quy chuẩn đạo đức kinh doanh công khai, minh bạch, trung thực và chịu sự giám sát của cơ quan quản lý và người tiêu dùng…

Đậm sâu những trang sách Hà Nội xưa và nay

Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến kể bao nhiêu vẫn chưa hết chuyện. Các tác giả, người viết hôm nay vẫn miệt mài nghiên cứu, sáng tác, đem đến cho độc giả những trang viết đậm sâu về Hà Nội xưa và nay, với nhiều hình thức, cách thể hiện khác nhau. Từ đó, người đọc thêm hiểu, thêm yêu và trân trọng mảnh đất này.

doc-gia-tim-hieu-nhung-cuon-sach-viet-ve-lich-su-thu-do-tai-hoi-sach-ha-noi-lan-thu-ix-nam-2024..jpg
Độc giả tìm hiểu những cuốn sách viết về lịch sử Thủ đô tại Hội sách Hà Nội lần thứ IX năm 2024.

Về cách thể hiện, nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ, mỗi khi cầm bút viết, nhất là viết về Hà Nội, ông chọn những chuyện độc đáo, khác lạ, ít người biết đến, ít xuất hiện trên mạng xã hội để đem đến độc giả những thông tin mới, hấp dẫn. Sống với từng nhịp thở của mảnh đất quê hương, viết rất nhiều sách về Hà Nội, tác giả Nguyễn Ngọc Tiến cho biết, nơi này còn nhiều điều thú vị, còn nhiều góc nhỏ đáng yêu khác mà ông càng nghiên cứu càng nhận ra.