OCOP Hà Nội

Làng nghề da giày Phú Yên tỏa sáng với sản phẩm OCOP 4 sao

Bạch Thanh 05/10/2024 - 14:46

Để nâng cao thương hiệu làng nghề, tôn vinh những nghệ nhân tài hoa, khẳng định chất lượng sản phẩm truyền thống, trong những năm qua, huyện Phú Xuyên không ngừng hỗ trợ hộ gia đình, doanh nghiệp, cá nhân tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Một trong những điển hình là 5 sản phẩm giày dép của hộ ông Nguyễn Như Diên (thôn Giẽ Thượng, xã Phú Yên) đạt chứng nhận OCOP 4 sao.

Trở về quê hương sau những năm tháng tham gia kháng chiến, cựu chiến binh Nguyễn Như Diên tiếp tục làm nghề giày dép truyền thống của gia đình. Ông chia sẻ: Sản phẩm giày da muốn bền, đẹp ngoài yếu tố về nguyên liệu, đòi hỏi sự khéo léo và tâm huyết của người thợ. Với tình yêu nghề và sự kiên trì, ông đã xây dựng thành công 3 thương hiệu giày dép, tham gia Chương trình OCOP từ năm 2020. Sản phẩm giày dép của ông đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao, góp phần khẳng định thương hiệu làng nghề Phú Yên.

ocop1.jpg
Sản phẩm giày dép của gia đình ông Nguyễn Như Diên (thôn Giẽ Thượng, xã Phú Yên), đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Ảnh: Sơn Tùng

Tại xưởng sản xuất của gia đình, ông Diên tỉ mỉ kiểm tra từng đôi giày để bảo đảm chất lượng trước khi đưa ra thị trường. Sản phẩm từ đây không chỉ bán ở các cửa hàng lớn tại Hà Nội mà còn cung ứng khắp cả nước. Theo ông Diên, quy trình sản xuất giày, dép trải qua nhiều công đoạn, từ việc chọn nguyên liệu da, pha cắt đến lắp ráp, hoàn thiện. Nhờ ứng dụng máy móc hiện đại như máy cắt, máy dập, máy khâu, quá trình sản xuất trở nên nhanh chóng, chính xác hơn, mẫu mã đa dạng, đẹp mắt, bền chắc...

Trong xưởng sản xuất, thành viên gia đình đều tham gia các công đoạn khác nhau tùy khả năng. Người trẻ cắt da, đóng đinh; người lớn tuổi thì bôi gel, cắt chỉ, đóng gói... Sự kết hợp giữa kỹ năng thủ công truyền thống và công nghệ hiện đại giúp cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhờ chuyên môn hóa, áp dụng máy móc, sản phẩm giày dép của cơ sở sản xuất hộ gia đình ông Diên đa dạng về mẫu mã, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng.

ocop12.jpg
Những đôi giày đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao của hộ gia đình ông Nguyễn Như Diên sang trọng không kém sản phẩm giày dép nhập khẩu. Ảnh: Sơn Tùng

Để sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, hộ gia đình ông Nguyễn Như Diên không ngừng nỗ lực nghiên cứu, cải tiến chất lượng sản phẩm. Sản phẩm gồm: Giày nam công sở màu nâu, màu đen; dép da nam đế kếp màu vàng, màu nâu... đều đạt chuẩn OCOP 4 sao từ năm 2000. Mỗi sản phẩm là kết quả của quá trình dày công nghiên cứu, từ việc tạo dáng, mẫu mã đến lựa chọn nguyên liệu đầu vào.

Theo ông Diên, để đạt chứng nhận này, ông và đội ngũ thiết kế không ngừng tìm tòi, sáng tạo mẫu mã, vừa đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ, vừa mang lại cảm giác thoải mái cho người sử dụng; nguyên liệu da được chọn lọc kỹ từ các nhà máy uy tín, chất lượng cao, tăng độ bền cho sản phẩm.

Bên cạnh đó, việc truyền nghề, đào tạo thợ giỏi cũng là yếu tố then chốt. Trong quá trình sản xuất, tay nghề của người thợ đóng vai trò quyết định đến chất lượng sản phẩm. Đội ngũ thợ tại cơ sở luôn được đào tạo bài bản...

ocop.jpg
Những đôi giày đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao của hộ gia đình ông Nguyễn Như Diên sang trọng, da mềm, êm chân, phù hợp nhiều lứa tuổi. Ảnh: Sơn Tùng

Nhờ sự tận tâm, sáng tạo trong thiết kế, đầu tư nguồn nhân lực, sản phẩm giày dép của gia đình ông Diên đã vươn tới chuẩn OCOP 4 sao, khẳng định thương hiệu của làng nghề da giày Phú Yên trên thị trường. Anh Trần Văn Nam, một khách hàng lâu năm, chia sẻ: "Tôi đã sử dụng nhiều sản phẩm giày dép từ làng nghề Phú Yên, nhưng giày dép của ông Nguyễn Như Diên thật sự nổi bật, chất lượng tốt, phù hợp nhiều dịp khác nhau...".

Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Lê Tiến Xuân nhận xét, sản phẩm OCOP của xã Phú Yên, trong đó nổi bật là sản phẩm giày dép đạt chuẩn 4 sao của gia đình ông Nguyễn Như Diên, không chỉ góp phần khẳng định thương hiệu làng nghề truyền thống da giày mà còn nâng cao vị thế của huyện Phú Xuyên trong Chương trình OCOP toàn quốc. Sự nỗ lực của các hộ gia đình, đặc biệt là ông Diên thể hiện qua việc đầu tư vào chất lượng nguyên liệu, cải tiến mẫu mã, đào tạo tay nghề thợ giỏi... đưa sản phẩm làng nghề ra thị trường lớn hơn, đáp ứng yêu cầu khắt khe về thẩm mỹ và độ bền, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, tạo thêm nhiều việc làm, duy trì bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề. Nhờ sự hỗ trợ của địa phương, Chương trình OCOP, làng nghề Phú Yên bảo tồn được giá trị truyền thống, vươn ra nhiều thị trường lớn...