Nông nghiệp - Nông thôn

5 năm tới, công nghệ sinh học nông nghiệp tập trung vào kỹ thuật di truyền

Quỳnh Dung 05/10/2024 - 13:37

Ngày 5-10, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Thành tựu và định hướng ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.

dien-dan-5-10.jpg
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Tùng Đinh

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Cao Đức Phát - nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế - IRRI cho biết: Những kết quả của công nghệ sinh học đã giúp ngành Nông nghiệp có nhiều thành tựu đột phá trong 30 năm qua. Trong đó, công nghệ nổi bật có nuôi cấy mô giúp lĩnh vực trồng trọt, đặc biệt là ngô, đỗ tương, bông… có năng suất vượt trội, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, cải thiện chất lượng đất, môi trường...

phat-5-10.jpg
Ông Cao Đức Phát - nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế - IRRI phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Tùng Đinh

Theo thống kê, thế giới có khoảng 200 triệu hecta cây trồng biến đổi gen, nhiều nhất là đậu tương, lên tới gần 80% diện tích. Ngoài ra, diện tích trồng ngô cũng tới hơn 25%. Công nghệ sinh học giúp đẩy mạnh sử dụng chế phẩm sinh học, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện, công nghệ sinh học đã phát triển sang công nghệ vi sinh, công nghệ nano, công nghệ tế bào, công nghệ chỉnh sửa gen… giúp ngành Nông nghiệp đạt đỉnh cao mới. Giới hạn áp dụng công nghệ sinh học không còn bó buộc trong trồng trọt mà mở rộng tới chăn nuôi, thủy sản...

Tại diễn đàn, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Trần Văn Cao chia sẻ, một trong những đóng góp quan trọng về công nghệ sinh học là phát triển, công nhận các giống ngô biến đổi gen. Nhờ sự quan tâm của Bộ NN&PTNT, chiến lược phát triển công nghệ sinh học đã có 10 năm hình thành và phát triển tại Việt Nam, giúp lĩnh vực trồng trọt có diện mạo mới.

tham-luan-5-10.jpg
Các đại biểu tham luận tại diễn đàn. Ảnh: Tùng Đinh

Còn theo PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT), để xây dựng công nghệ sinh học trở thành ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng, trước mắt, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường đề xuất Bộ NN&PTNT tập trung xây dựng, khai thác tối đa hiệu quả các phòng thí nghiệm trọng điểm, tập trung vào công nghệ tế bào, công nghệ nano...

Tuy nhiên, do nguồn lực bị giới hạn, nghiên cứu công nghệ sinh học nên ưu tiên một số lĩnh vực có khả năng cho ra sản phẩm thực tiễn, có giá trị kinh tế. Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường nhận định, trong khoảng 5 năm tới, công nghệ sinh học sẽ tập trung vào kỹ thuật di truyền, bao gồm chỉnh sửa gen, nhân giống vô tính và tái tổ hợp ADN…

ngo-5-10.jpg
Giống ngô chuyển gen được trồng ở tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: CropLife Việt Nam

Cũng tại diễn đàn, các cơ quan chuyên môn, viện nghiên cứu thuộc Bộ NN&PTNT cùng thảo luận về định hướng ứng dụng công nghệ sinh học phù hợp nhu cầu thực tiễn tại Việt Nam; hướng tới xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, phát triển bền vững trong nông nghiệp, giúp nông dân tiếp cận tri thức mới; nâng cao khả năng cạnh tranh, thích ứng biến đổi khí hậu. Những tiến bộ và triển vọng về phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp được kỳ vọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế nông thôn trong bối cảnh hội nhập quốc tế.