Kinh tế

Ngăn chặn hiệu quả buôn lậu, gian lận thương mại

Hương Thủy 05/10/2024 - 07:15

Thời gian qua, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Để hạn chế tình trạng này, ngành Hải quan triển khai nhiều giải pháp. Hiệu quả từ các giải pháp trên đang là cơ sở quan trọng để ngành Hải quan tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

can-bo-chi-cuc-hai-quan-cua.jpg
Cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài (Cục Hải quan thành phố Hà Nội) kiểm tra hàng hóa.

Phát hiện và xử lý 12.949 vụ việc vi phạm

Theo cơ quan Hải quan, đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa tập trung tại các tuyến đường bộ, đường biển, đường hàng không và các tuyến địa bàn ngoài cửa khẩu với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Điển hình như thủ đoạn cất giấu hàng hóa trong hành lý ký gửi, hành lý xách tay; khai sai tên hàng, số lượng, chất lượng, trị giá; giả mạo hồ sơ, chứng từ... Hoặc thủ đoạn gửi hàng qua đường chuyển phát nhanh, sử dụng địa chỉ không chính xác để gửi hàng hoặc thông qua dịch vụ đại lý khai thuê làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa là quà biếu cá nhân không nhằm mục đích thương mại.

Một phương thức được áp dụng nhiều gần đây là các đối tượng lợi dụng sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, hoạt động quảng cáo, giới thiệu sản phẩm để kinh doanh hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng. Thông qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh, đối tượng cất giấu, mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; thông qua hoạt động tạm nhập, tái xuất để vận chuyển hàng hóa có giá trị cao từ nước ngoài vào Việt Nam.

Một số thủ đoạn mới đã được Hải quan phát hiện, đó là phế liệu “đội lốt” hàng hóa thông thường. Đối tượng buôn lậu thành lập các doanh nghiệp tại Việt Nam, khai báo trên tờ khai xuất khẩu những mặt hàng nông sản đơn giản, ít chịu điều chỉnh bởi các chính sách quản lý hàng hóa, thuế suất; khai báo cảng đến là các quốc gia không thuộc tuyến đường trọng điểm để che giấu thông tin hàng hóa thực xuất, địa điểm nhận hàng thực tế nhằm tránh sự kiểm tra, giám sát. Điển hình, ngày 3-5-2024, Cục Hải quan Hải Phòng khám xét lô hàng xuất khẩu đóng trong 4 container của một doanh nghiệp (địa chỉ tại phường Tam Hòa, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai), theo tờ khai hải quan được mở ngày 27-4-2024. Hàng hóa khai báo là hạt đậu đỏ, song kiểm tra thực tế là thép phế liệu.

Chuyên án HP524 do Cục Hải quan Hà Nội chủ trì phối hợp với Công an thành phố Hà Nội và Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội đấu tranh với tội phạm ma túy vận chuyển trái phép từ Đức về Việt Nam, cũng là một ví dụ điển hình. Từ dấu hiệu bất thường trong 46 kiện nước táo gửi về Việt Nam, cơ quan Hải quan đã điều tra, bắt giữ 4 đối tượng, thu giữ khoảng 179kg ma túy tổng hợp MDMA vào tháng 6-2024. Thủ đoạn của đối tượng là cắt đôi lon nước táo để cất giấu ma túy, sau đó dán tem kín quanh vỏ hộp và trà trộn với các lon nước khác.

Số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 9 tháng năm 2024, ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 12.949 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 23.757 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 21 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 128 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 522,58 tỷ đồng. Riêng đấu tranh phòng, chống ma túy, 9 tháng qua, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng công an, Bộ đội biên phòng phát hiện, bắt giữ 245 vụ, 296 đối tượng, thu 1,64 tấn ma túy các loại.

Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định, những tháng cuối năm, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán, vận chuyển hàng cấm, kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng nhập lậu, hàng giả trên các tuyến biên giới sẽ diễn biến phức tạp hơn. Vì vậy, việc phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng là rất quan trọng. Đây cũng là điều kiện cần thiết để có thể hạn chế tối đa hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán, vận chuyển hàng cấm...

Về vấn đề này, mới đây, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế và Thanh tra Bộ Tài chính tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và trốn thuế. Ban Chỉ đạo giao Tổng cục Hải quan thu thập thông tin, nắm chắc địa bàn; áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ trong kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế, rửa tiền của các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu...

Theo Tổng cục Hải quan, các mặt hàng trọng điểm tập trung kiểm tra, giám sát là ma túy, hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế, hàng xuất, nhập khẩu có điều kiện, các mặt hàng có nguy cơ rủi ro cao gian lận thương mại, gian lận xuất xứ... Cùng với đó, lực lượng Hải quan sẽ đẩy mạnh trao đổi thông tin, phối hợp với công an, Bộ đội biên phòng, quản lý thị trường, ngân hàng, hải quan các nước xây dựng các phương án, kế hoạch điều tra, xác minh, đấu tranh, ngăn chặn đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại mại và hàng giả.