An toàn thực phẩm

Kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm: Kịp thời ngăn chặn thực phẩm bẩn

Ngọc Quỳnh 05/10/2024 - 07:14

Vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là vấn đề “nóng” diễn ra hằng ngày, hằng giờ, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã vào cuộc quyết liệt, tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm giảm nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Ngoài các cuộc kiểm tra định kỳ và đột xuất, công tác hậu kiểm cũng được tăng cường. Qua đó, kịp thời phát hiện thực phẩm không bảo đảm an toàn, cơ sở tồn tại vi phạm, chưa tuân thủ đầy đủ quy trình chế biến...

doan-kiem-tra-lien-nganh-th.jpg
Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố Hà Nội kiểm tra đột xuất công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh gà ủ muối ở huyện Phúc Thọ. Ảnh: Phương Thu

Chuyển biến nhưng còn vi phạm

Trưởng phòng Y tế huyện Mỹ Đức Trần Ngọc Tráng cho biết, trong 9 tháng năm 2024, để giám sát an toàn thực phẩm, ngoài công tác tuyên truyền, các đơn vị chức năng đẩy mạnh việc kiểm tra thường xuyên, đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Theo đó, Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm từ tuyến huyện đến xã, thị trấn đồng loạt ra quân tổ chức kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn. Tổng số cơ sở được kiểm tra là 433 cơ sở, trong đó, tuyến huyện kiểm tra 86 cơ sở; tuyến xã, thị trấn kiểm tra 347 cơ sở. Trong quá trình kiểm tra đã phát hiện xử lý vi phạm 14 cơ sở; số tiền xử lý vi phạm hơn 27,7 triệu đồng. Lỗi vi phạm chủ yếu là không bảo đảm vệ sinh trong và ngoài khu vực chế biến, kinh doanh thực phẩm; mang/mặc trang phục bảo hộ lao động không đầy đủ; thiếu giá kệ chứa thực phẩm…

Tương tự, từ đầu năm đến nay, huyện Thanh Trì chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức thông qua hệ thống đài truyền thanh, băng rôn, tờ rơi an toàn thực phẩm. Theo Trưởng phòng Y tế huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Trung, cùng với tuyên truyền, huyện phối hợp với các ngành chức năng triển khai biện pháp kiểm soát chặt chẽ hàng hóa lưu thông và các hộ tư nhân kinh doanh phụ gia thực phẩm, hóa chất bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp... Hoạt động thanh tra, kiểm tra và giám sát được thực hiện hiệu quả, góp phần kiểm soát an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, phân phối, kinh doanh thực phẩm. Toàn huyện đã thành lập 64 đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra 1.111 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, xử phạt hành chính 33 cơ sở với số tiền là 177,79 triệu đồng.

Thực tế kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm từ đầu năm đến nay, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong đánh giá, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm về cơ bản chấp hành nghiêm quy định về Luật An toàn thực phẩm và quy định về quá trình tham gia chế biến thực phẩm. Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng vẫn phát hiện cơ sở chưa thực hiện nghiêm nguyên tắc vệ sinh, an toàn thực phẩm như: Chưa tuân thủ đầy đủ việc kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn; đeo đồ trang sức trong quá trình chế biến thực phẩm; người chế biến thực phẩm không kiểm tra sức khỏe định kỳ; khu vực sản xuất, chế biến không bảo đảm nguyên tắc một chiều... Tại thời điểm kiểm tra, các đoàn kiểm tra yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm, thậm chí đề nghị cơ sở phải tạm thời dừng hoạt động để khắc phục ngay tồn tại, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Quản lý chặt chẽ an toàn thực phẩm

Để triển khai hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn, huyện Thạch Thất tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức và pháp luật về an toàn thực phẩm. Cùng với đó, huyện tăng cường phối hợp liên ngành trong thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm. Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, huyện yêu cầu các đơn vị, xã, thị trấn quản lý chặt chẽ việc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể trong các ngày lễ kỷ niệm, sự kiện lớn của huyện; huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, các tổ chức đoàn thể, nhân dân trong bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; tạo điều kiện để cơ sở kinh doanh tham gia đầu tư sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn...

Còn Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phúc Thọ Kiều Trọng Sỹ thông tin, huyện đã yêu cầu chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm an toàn thực phẩm từ khâu cấp phép, quản lý, thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kiên quyết xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm. Các ngành, đoàn thể, địa phương, người dân cần xem công tác bảo đảm an toàn thực phẩm là nghĩa vụ, trách nhiệm, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, tuyệt đối không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.

Từ nay đến cuối năm 2024, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, để bảo đảm an toàn thực phẩm, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, Chi cục đã đề nghị đoàn kiểm tra của các địa phương tăng cường công tác kiểm tra an toàn thực phẩm, tập trung kiểm tra hậu kiểm, kiểm tra đột xuất, xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các cấp, ngành và chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế đẩy mạnh tuyên truyền công tác an toàn thực phẩm tại cơ sở, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn.

Về phía người tiêu dùng, cần quan tâm hơn đến chất lượng thực phẩm, thận trọng hơn trong lựa chọn thực phẩm, chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc để bảo đảm an toàn sức khỏe cho bản thân và gia đình.