TP Hồ Chí Minh: Hướng đi mới “xóa” nhà trên kênh, rạch
Trước đây, nhà ở ven và trên kênh, rạch không có giấy tờ hợp pháp bồi thường 0 đồng, nay thành phố Hồ Chí Minh đang xem xét hỗ trợ mức thấp nhất là 42%, cao nhất tới 70%.
Còn 25.000 căn nhà ven kênh cần di dời
Sau hơn 20 năm triển khai các chương trình giải tỏa, di dời nhà ven và trên kênh, rạch nhằm chỉnh trang đô thị, thành phố Hồ Chí Minh đã di dời gần 40.000 căn trong tổng số hơn 65.000 căn.
Hiện, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh còn khoảng 25.000 căn nhà ven và trên kênh, rạch cần phải di dời để chỉnh trang đô thị, cải tạo hệ thống kênh, rạch. Giai đoạn 2021-2025, thành phố đặt chỉ tiêu giải tỏa 6.500 căn nhưng đến hết quý II-2024, mới chỉ di dời được 983 căn.
Số lượng nhà ở ven và trên kênh, rạch nhiều nhất nằm ở địa bàn quận 8. Quận có khoảng 15.000 trường hợp, chiếm khoảng 60% số lượng nhà ven và trên kênh, rạch trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Theo quy định của Luật Đất đai 1993, Luật Đất đai 2003 và các quyết định liên quan của UBND thành phố Hồ Chí Minh, nhà ven và trên kênh, rạch là nhà lấn chiếm, không có giấy tờ hợp pháp, tùy theo thời điểm sử dụng sẽ có mức hỗ trợ nhất định. Trường hợp ở trước ngày 15-10-1993, được hỗ trợ 40% đơn giá đất ở; sau thời điểm này đến ngày 1-7-2004, mức hỗ trợ chỉ còn 30%; từ ngày 1-7-2004 trở về sau, không được hỗ trợ.
Đây là một trong những rào cản lớn khiến công tác giải tỏa, di dời nhà ven và trên kênh, rạch để chỉnh trang đô thị trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh vẫn “ì ạch”, kéo dài hàng chục năm.
Bà Trầm Thị Hương (ngụ phường 14, quận 8) và hàng nghìn hộ dân có nhà ven và trên kênh Đôi mong muốn thành phố có chính sách bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng, có tính đến yếu tố an sinh xã hội để người dân không bị thiệt thòi. “Đa phần các hộ dân ở đây công việc không ổn định, làm thuê, làm mướn, buôn gánh bán bưng, nên mong muốn có chỗ ở tốt hơn để an cư lạc nghiệp”, bà Hương chia sẻ.
Sẽ hỗ trợ mức thấp nhất 42%
Hiện, thành phố Hồ Chí Minh đang khẩn trương triển khai nhiều dự án cải thiện môi trường, chỉnh trang đô thị ven và trên kênh, rạch như: Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên; dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm; dự án cải tạo kênh Hy Vọng; dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ bắc kênh Đôi… Các dự án này phải giải tỏa, di dời hàng chục nghìn căn nhà ven và trên kênh, rạch.
Ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trước đây, thành phố thu hồi đất căn cứ theo Luật Đất đai 2003, Luật Đất đai 2013 với đơn giá bồi thường, mức hỗ trợ khó bảo đảm an sinh xã hội. Luật Đất đai 2024 cho phép thành phố áp dụng mốc thời điểm để bồi thường, hỗ trợ. Do đó, mốc thời điểm bồi thường hiện nay cần bảo đảm yếu tố an sinh xã hội nên thành phố có chủ trương tăng mức bồi thường, hỗ trợ.
Cũng theo ông Võ Trung Trực, Sở Tài nguyên và Môi trường vừa đề xuất UBND thành phố, đối với trường hợp đủ điều kiện, trước đây bồi thường, hỗ trợ 42% so với đơn giá đất ở hiện hành, nay bồi thường, hỗ trợ tăng lên 70%. Đối với trường hợp trước kia theo quy định pháp luật bồi thường, hỗ trợ 0 đồng, nay tăng lên mức thấp nhất 42%.
Là địa phương có số lượng nhà ở ven và trên kênh, rạch chiếm 2/3 số lượng toàn thành phố, ông Nguyễn Hồng Thuận, Trưởng ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng quận 8 cho biết, với mức bồi thường, hỗ trợ 70% thì người dân có nhà ven và trên kênh, rạch bị giải tỏa có thể mua được nhà ở xã hội, hoặc mua suất tái định cư tối thiểu thì người dân sẽ đồng thuận di dời.