Giữ vững dòng điện cho Thủ đô những ngày tiếp quản
Để chuẩn bị cho ngày tiếp quản Thủ đô năm 1954, đảm bảo cho nhân dân có được cuộc sống ổn định, công nhân ngành Điện đã có nhiều hoạt động đấu tranh, bảo vệ nhà máy, giữ vững dòng điện.
Có được “nguồn sáng” trong những ngày tháng vất vả này là sự hy sinh, cống hiến không mệt mỏi của biết bao công nhân ngành Điện Thủ đô.
Nhiệm vụ giữ vững dòng điện khi tiếp quản
Theo Hiệp định Geneve, Hà Nội trở thành vùng tập kết của quân đội Pháp trong 80 ngày trước khi rút quân. Trong thời gian này, nhiệm vụ của các lực lượng phía ta trong nội đô là đấu tranh đòi thực dân Pháp phải nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Geneve, bảo vệ tính mạng nhân dân và bảo vệ thành phố, xí nghiệp, công sở, chống địch phá hoại; phát triển lực lượng cách mạng trong thành phố, phối hợp với lực lượng của ta từ bên ngoài vào tiếp quản, giải phóng hoàn toàn Thủ đô.
Lợi dụng thời gian thi hành Hiệp định đình chiến, quân Pháp âm mưu phá hoại, di chuyển máy móc, vật liệu, hồ sơ kỹ thuật..., phá hoại Thủ đô về mọi mặt nhằm biến Hà Nội thành một thành phố trống, không điện, không nước, các nhà máy không hoạt động, mọi công việc sinh hoạt và sản xuất kinh doanh ngừng trệ.
Theo chủ trương của Đảng, ta đã thực hiện bảo vệ các nhà máy, xí nghiệp quan trọng nhất, có quan hệ trực tiếp đến đời sống của thành phố. Cuộc đấu tranh gay go nhất ở Hà Nội lúc này nổ ra ở ba nơi: Nhà máy Đèn Bờ Hồ, Cơ xưởng bưu điện và Ga Hà Nội.
Nhiệm vụ trọng tâm bức thiết nhất của công nhân ở Hà Nội lúc này là bảo vệ nhà máy, các kho tàng, công sở, không cho địch di chuyển vào Nam, chống địch cướp bóc, phá phách trước khi rút quân.
Đấu tranh đảm bảo đủ than hoạt động, bảo vệ thiết bị máy móc tại Nhà máy Đèn Bờ Hồ
Để Nhà máy Đèn Bờ Hồ có thể hoạt động thì than là vấn đề sống còn. Do đó, chủ Pháp âm mưu không tiếp tục chuyển than về 130 tấn/ngày như trước nữa, mà dùng cho hết than dự trữ trước khi giao lại nhà máy cho Chính phủ ta. Từ ngày 7-9-1954, chúng buộc công nhân phải lấy than dự trữ để đốt lò. Với số than còn lại lúc này, nhà máy chỉ có thể hoạt động đến ngày 4-10 và nếu có thêm 600 tấn than đang trên đường về thì cũng chỉ tối đa đến ngày 10-10-1954.
Trước tình hình đó, vạch rõ đây là một âm mưu phá hoại của thực dân Pháp, trái với hợp đồng đã ký với thành phố khi nhận đấu thầu và cung cấp điện cho Hà Nội, các cuộc đấu tranh đòi chủ Pháp phải tiếp tục cho chuyển than về không chỉ nhằm đảm bảo công ăn việc làm cho công nhân nhà máy, mà còn vì thắng lợi của công tác tiếp quản Thủ đô.
Ngày 13-9-1954, sau khi họp các tổ trung kiên, anh em nhanh chóng phân công nhau đi đến các bộ phận giải thích, vận động công nhân toàn nhà máy ký tên vào bản yêu sách với nội dung đòi chủ Pháp phải thực hiện mua than để nhà máy tiếp tục hoạt động và đủ dự trữ trong 2 tháng; trả lại máy móc, nguyên vật liệu; trả nợ lương, trả lời các yêu cầu tăng lương…
Ngày 15-9-1954, đã có 250/280 công nhân, viên chức nhà máy ký tên vào bản yêu sách. Sau nhiều lần chủ nhà máy hứa suông không tiếp đại biểu công nhân, toàn thể công nhân viên chức đồng loạt nghỉ việc và cùng kéo đến đấu tranh. Trước tinh thần quyết liệt của công nhân, chủ nhà máy phải ra tiếp đại biểu công nhân và hứa sẽ chuyển về 4.000 tấn than, mỗi ngày 300 tấn. Nhưng sau đó, chúng lại tìm cách trì hoãn, bớt khối lượng than chở về mỗi ngày. Công nhân lại kiên trì tiếp tục đấu tranh. Cuối cùng, bọn chủ phải cho chuyển về đủ 4.000 tấn than dự trữ cho nhà máy.
Song song với cuộc đấu tranh đòi đảm bảo đủ than dự trữ cho nhà máy hoạt động, anh em công nhân cũng quyết liệt bảo vệ, gìn giữ máy móc, nguyên vật liệu, hồ sơ tài liệu của nhà máy. Nhiều cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy nổ ra nhằm kiên quyết không để bọn chủ tháo dỡ máy móc, thiết bị và buộc họ phải bàn giao cho ta. Bên cạnh đó, công nhân còn tích cực cất giấu máy móc, đẩy mạnh công tác binh vận, lôi kéo cai ký, nhân viên kỹ thuật về phía ta. Đội tự vệ nhà máy được thành lập với hơn 30 đội viên. Hằng ngày, các chiến sĩ tự vệ phân công nhau trực ở những bộ phận quan trọng để giữ máy, đêm đêm bí mật canh gác để địch không phá hoại hoặc di chuyển máy móc.
Ngày 1-10, chúng lại chuẩn bị di chuyển máy móc khỏi nhà máy. Hơn 200 công nhân đã đình công, kéo đến vây kín xưởng máy. Mặc dù chủ đưa lính lê dương đến uy hiếp và mời Ủy ban kiểm soát quốc tế đến can thiệp, nhưng trước tinh thần đấu tranh quyết liệt của công nhân, cuối cùng chúng cũng phải nhượng bộ, không thực hiện được ý đồ chuyển máy móc ra khỏi nhà máy.
Sau những lần thất bại, 2 ngày trước khi quân Pháp phải rút khỏi Hà Nội, lợi dụng thời gian thiết quân luật, bọn chủ đưa ô tô đến để chuyển tài liệu hồ sơ nhà máy. Trong tình thế không thể huy động thêm công nhân đến trợ giúp, cán bộ đã vận động những người đóng gói tài liệu vừa làm, vừa trì hoãn, vừa phá để kéo dài thời gian. Những công nhân khác thì kéo đến vây cản ô tô. Bọn chủ đưa lính lê dương, mật thám đến uy hiếp, đe dọa nhưng công nhân vẫn không lùi bước. Có công nhân còn phanh áo thách thức lính Pháp. Còn chủ nhà máy thì nhảy lên xe nổ máy định chạy thì bị anh em công nhân ùa tới vây quanh cản đường, kiên trì vây bám giữ để chờ đến sáng. Sáng 9-10, Ban lãnh đạo đấu tranh đã huy động thêm công nhân kéo vào nhà máy. Trước khí thế của anh em công nhân, bọn chủ buộc phải rút lui.
Thắng lợi của anh em công nhân, viên chức Nhà máy Đèn Bờ Hồ, đảm bảo được điện cho thành phố, không những đã góp một phần rất quan trọng vào công việc đảm bảo an ninh ở Thủ đô Hà Nội trước ngày tiếp quản, mà còn khích lệ, cổ vũ rất nhiều tinh thần đấu tranh của anh em công nhân và đồng bào Hà Nội.
Những tưởng việc đảm bảo nguồn điện thắp sáng cho Hà Nội là nhiệm vụ khó khả thi, nhưng các cán bộ, công nhân Nhà máy Đèn Bờ Hồ đã làm hết sức mình cho Thủ đô bừng sáng ngay từ ngày đầu tiếp quản Thủ đô.
Dòng điện tỏa sáng Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954
Sáng ngày 10-10-1954, cả Hà Nội bừng sáng trong cờ, hoa và biểu ngữ. Hà Nội sạch bóng quân thù, chào đón đoàn quân từ 5 cửa ô tiến vào giải phóng Thủ đô. Cùng với đồng bào Hà Nội, công nhân Nhà máy Đèn Bờ Hồ hân hoan chào đón đoàn quân cách mạng tiến vào tiếp quản Thủ đô. Dòng điện nhà máy tỏa sáng với niềm vui chung của người dân thành phố hoàn toàn được giải phóng.
Một tháng sau ngày tiếp quản, việc quản lý và điều hành hoạt động của các cơ sở điện lực ở Thủ đô đã đi vào nền nếp.
Hà Nội lúc này có hơn 70 trạm rải rác trên các tuyến phố. Từ mỗi trạm này tỏa ra một mạng lưới điện hạ thế 110V/220V vươn ra bán kính khoảng 500m-1.000m, cấp điện cho đèn công cộng, nhà dân và các cửa hàng, cửa hiệu.
Trạm phát một chiều 600V cấp cho xe điện nằm trong Nhà chia điện (gọi là Nhà chia điện vì từ Xưởng phát điện Yên Phụ về đây chỉ có một số tuyến cáp ngầm). Có 2 bộ chuyển điện, mỗi bộ có một động cơ 300kW kéo máy phát điện 1 chiều 600V-300kW. Hai bộ máy luân phiên nhau chạy đủ cho các chuyến xe điện chạy hằng ngày từ 5h tới 21h hoặc 6,6kV/0,4kV cỡ 50 tới 1.000kVA.
Tại Xưởng phát điện Yên Phụ có các đường cáp 6kV cung cấp điện đến các trạm hạ thế khu vực phía Bắc, phía Tây thành phố, kể cả thị xã Hà Đông. Một số đường cáp 6kV cấp điện cho các trạm khu vực giữa Yên Phụ và Bờ Hồ đấu vào thành buồng chia điện Bờ Hồ, từ đó hình thành nhiều đường dây cấp điện cho các trạm phía Nam thành phố. Cũng từ Xưởng phát điện Yên Phụ có 4 đường dây 30kV tỏa đi cung cấp điện cho các khu vực còn lại của thành phố và một số tỉnh lân cận: Sơn Tây và trạm bơm Phù Sa; hai đường còn lại đi phía trên cầu Long Biên đến trạm cắt Gia Lâm, từ đó chia thành 4 đường cấp cho Thái Nguyên, Phúc Yên, Vĩnh Yên, Việt Trì, Phú Thọ, Bắc Ninh, Đáp Cầu, Bắc Giang, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Phủ Lý.
Với sự nỗ lực của cán bộ công nhân viên nhà máy, điện thương phẩm năm 1954 đã đạt 17,2 triệu kWh, đội ngũ cán bộ công nhân viên có 716 người (trong đó Xưởng phát điện Yên Phụ có 253 người, Nhà máy Điện Hà Nội có 463 người lúc chưa sáp nhập) đã hưởng ứng phong trào thi đua sản xuất, tiết kiệm ở Thủ đô.