Đề xuất hỗ trợ người trồng đào, quất ở Tây Hồ bị ảnh hưởng bởi bão số 3
Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn quận Tây Hồ có 65ha đào bị mất trắng (chiếm 65,4%), thiệt hại khoảng 39 tỷ đồng; 27,5ha quất bị thiệt hại (chiếm trên 90%), mất khoảng 25 tỷ đồng.
Người trồng đào, quất Tây Hồ thiệt hại 64 tỷ đồng
Tại kỳ họp thứ 18, HĐND thành phố Hà Nội diễn ra sáng 4-10, thảo luận về ban hành nghị quyết Hỗ trợ phát triển sản xuất cây vụ đông góp phần khắc phục hậu quả của bão số 3 trên địa bàn thành phố Hà Nội, đại biểu Lê Thị Thu Hằng (Tổ Tây Hồ) cho biết: Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn quận, riêng cây đào thiệt hại khoảng 39 tỷ đồng, thiệt hại với cây quất là 25 tỷ đồng. Quận đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất hỗ trợ 60 triệu đồng/ha với cây đào và 90 triệu đồng/ha với cây quất.
Căn cứ Nghị quyết số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bênh, tại khoản 6, Điều 5 nêu: Các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại chưa đưa trong quy định tại điều 1,2,3,4 thì Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách, đặc điểm sản xuất và nhu cầu của địa phương quy định mức hỗ trợ cụ thể cho phù hợp.
Trên cơ sở quy định đó, đại biểu Lê Thị Thu Hằng đề xuất, ở nghị quyết này quy định giao cho các địa phương. Và như quận Tây Hồ hoàn toàn có điều kiện về ngân sách để áp dụng mức hỗ trợ phù hợp. Vì vậy, quận mong muốn có cơ chế để thực hiện hỗ trợ trong vụ đông xuân này.
“Áp lực là hỗ trợ người dân trên địa bàn sớm, kịp dịp Tết Nguyên đán, vì thế cần cơ chế của thành phố cho phép sử dụng ngân sách quận để hỗ trợ”, đại biểu Lê Thị Thu Hằng nêu.
Trao đổi về nội dung này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết: Theo chương trình hỗ trợ của Nghị quyết số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ, các địa phương đều khó khăn vì mức hỗ trợ thấp. Vì mức giá thấp nên Sở đã cùng các ngành chủ trì họp bàn giải pháp khắc phục ngay. Sở đã tham mưu UBND thành phố 5 giải pháp đồng bộ, bao gồm hỗ trợ trực tiếp và các nội dung tạo điều kiện để có giải pháp. UBND thành phố đã có 5 quyết định hỗ trợ các địa phương ngay với số tiền 220 tỷ đồng; bổ sung ngay 1.200 tỷ đồng cho các quỹ để cho vay.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Đại, theo Nghị quyết số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ, tất cả các mức hỗ trợ với cây trồng tối đa là 2 triệu đồng/ha; với vật nuôi tối đa 6 triệu đồng. Mức này rất thấp nên vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp Bộ Tư pháp sửa đổi Nghị định này; theo đó đề xuất mức hỗ trợ tối đa với cây trồng là 60 triệu đồng/ha. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đang căn cứ vào Luật Thủ đô (sửa đổi) để xây dựng chính sách đồng bộ trong định hướng phát triển nông nghiệp, trong đó lồng nội dung chính sách hỗ trợ này vào, sẽ trình HĐND thành phố tại kỳ họp cuối năm.
Với nội dung quận Tây Hồ đề xuất, theo nghị quyết số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ, địa phương sẽ chủ động bố trí ngân sách; thành lập hội đồng đánh giá thiệt hại để thực hiện hỗ trợ.
Cố gắng hỗ trợ ở mức tối đa, nhanh nhất
Liên quan đến vấn đề này, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hồ Vân Nga cho biết: Đề xuất của quận Tây Hồ là chính xác, đề nghị sớm xem xét cơ chế để quận kịp thời hỗ trợ bà con; đồng thời với các địa phương khác, HĐND thành phố cũng xem xét quyết nghị nội dung này.
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu cho rằng, Nghị quyết số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 07/2019/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn thành phố đã có. Bất kỳ địa phương nào trên địa bàn thành phố cũng có thể áp dụng, đây là cơ chế chung.
Sở Tài chính đã cấp bổ sung kinh phí dự phòng cho các quận, huyện để thực hiện nội dung này cùng với khắc phục hậu quả của bão. Nội dung tại kỳ họp này là trình cơ chế hỗ trợ đặc thù theo Luật Thủ đô. Về đối tượng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình cấp có thẩm quyền là cây vụ đông, không có hỗ trợ cây đào, quất. Với đề xuất của đại biểu Lê Thị Thu Hằng, Sở Tài chính thống nhất với Ban Kinh tế - Ngân sách xem xét trình cơ chế đặc thù, tăng thêm so với nghị quyết của Chính phủ và quyết định của UBND thành phố.
Nhấn mạnh về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho rằng, về căn cứ pháp lý, UBND thành phố thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách và Nghị định 163 của Chính phủ. UBND thành phố đã rà soát, trình HĐND thành phố quyết định hỗ trợ sản xuất cây vụ đông, khắc phục hậu quả bão số 3 trên địa bàn thành phố. Hồ sơ trình nội dung trên đúng quy định, đúng thẩm quyền của HĐND thành phố và Ban Kinh tế - Ngân sách đã thẩm tra cho thấy, hồ sơ trình đúng thẩm quyền. Tuy nhiên, qua thảo luận, không chỉ có ý kiến của đại biểu Lê Thị Thu Hằng mà nhiều đại biểu, đặc biệt khối huyện, ngoài danh mục cây ngô, đậu tương... còn hàng loạt cây sản xuất có giá trị hàng hóa cao, như: Cam canh, phật thủ, đào, quất bưởi... cần cân nhắc xem xét (chính sách hỗ trợ - PV).
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố đề nghị, UBND thành phố tiếp tục rà soát và khẩn trương tổng hợp, báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy và gửi đến HĐND thành phố sau khi có ý kiến thống nhất từ Ban Thường vụ Thành ủy. Trên cơ sở đó, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, trình hỗ trợ cho các cơ sở, người dân bị ảnh hưởng cơn bão số 3, cố gắng hỗ trợ ở mức tối đa, nhanh nhất.
“Đề nghị trình HĐND thành phố muộn nhất tại kỳ họp chuyên đề tháng 11-2024 để kịp thời hỗ trợ người dân ổn định sản xuất”, đồng chí Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh.