Giáo dục

Hơn 5.000 giáo viên hoàn thành lớp bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học

Thống Nhất 04/10/2024 - 13:11

Ngày 4-10, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết các lớp bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông Hà Nội.

img_8827.jpeg
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thống Nhất

Hội nghị nằm trong kế hoạch thực hiện Đề án “Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là Đề án thuộc Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”.

Các lớp bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học được triển khai từ tháng 7 đến tháng 10-2024, với sự tham gia của hơn 5.000 giáo viên các trường phổ thông trên địa bàn thành phố. Sau 3 tháng triển khai, các lớp bồi dưỡng đã hoàn thành các nội dung theo đúng kế hoạch, bảo đảm chất lượng.

ha-noi-2.jpg
Ban tổ chức lớp học tặng hoa tri ân các cá nhân có nhiều đóng góp cho sự thành công của lớp bồi dưỡng. Ảnh: Thống Nhất

Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội nhấn mạnh, thời gian qua, nhà trường đã phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho các thầy, cô giáo ở 30 quận, huyện, thị xã. Với mong muốn trang bị cho các thầy, cô giáo những kiến thức cơ bản nhất về địa lý, lịch sử, văn hóa, quy hoạch đô thị... của thành phố Hà Nội, từ đó lan tỏa đến học sinh, nhà trường đã mời các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý giỏi cùng các giảng viên tâm huyết, chuyên môn tốt tham gia giảng dạy.

Theo ông Đỗ Hồng Cường, Thành ủy Hà Nội tiếp tục giao nhiệm vụ cho Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đưa môn Hà Nội học vào dạy trong các nhà trường. Công việc này rất vinh dự nhưng cũng rất nặng nề, có thành công hay không phần lớn nhờ vào sự chung tay của các nhà giáo Thủ đô, đặc biệt là đội ngũ các nhà giáo làm công tác quản lý tại các nhà trường.

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội luôn xác định, các cấp học phổ thông rất quan trọng trong việc đào tạo thế hệ trẻ cho đất nước. Thế hệ trẻ Thủ đô rất cần sự hiểu biết về con người và vùng đất Thủ đô nghìn năm văn hiến. Nhiệm vụ của các thầy, cô giáo bên cạnh dạy kiến thức cũng rất cần gieo vào tâm hồn thế hệ trẻ Thủ đô niềm tự hào, khát vọng và ý thức trách nhiệm cống hiến của công dân Thủ đô trong việc xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại.

Vì vậy, việc đưa kiến thức Hà Nội học vào các nhà trường là hết sức cần thiết, trong đó giai đoạn đầu cần trang bị cho các thầy, cô giáo - những người được coi là "cỗ máy cái" để lan tỏa kiến thức về Hà Nội đến với các học sinh. Nhà trường hy vọng thời gian tới, thành phố sẽ có chủ trương đưa môn Hà Nội học vào giảng dạy tại các nhà trường để tạo cơ sở pháp lý cho việc đào tạo giáo viên, có nhu cầu vị trí việc làm trong các trường học, tạo cơ sở để trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cùng các chuyên gia xây dựng chương trình, học liệu về Hà Nội học một cách hệ thống, thống nhất giữa các cấp học, giúp cho người dạy và người học dễ tiếp cận với những vấn đề cơ bản của Hà Nội, hướng đến mục đích cao nhất là xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm) Nguyễn Diệu Ánh thay mặt các học viên chia sẻ, việc tổ chức lớp học theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giúp các học viên chủ động, linh hoạt trong việc tiếp cận khóa học. Các nội dung ở lớp bồi dưỡng giúp các nhà giáo nâng cao hiểu biết về lịch sử, văn hóa Hà Nội, đồng thời có thêm nhiều kỹ năng mới. Những trải nghiệm trong khóa học thời gian qua là một hành trình khám phá thú vị, ý nghĩa, giúp các nhà giáo không chỉ mở rộng kiến thức, kỹ năng mà còn nuôi dưỡng, lan tỏa tình yêu, niềm tự hào về mảnh đất Hà Nội nghìn năm văn hiến, góp phần gieo tình yêu Hà Nội với các thế hệ trẻ.

ha-noi-1.jpg
Các học viên tiêu biểu nhận giấy khen. Ảnh: Thống Nhất

Tại hội nghị, Ban tổ chức đã trao giấy khen tặng 217 học viên xuất sắc.