Công nghệ

Dấu ấn sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024

Thu Hằng 04/10/2024 - 07:45

Với chủ đề “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo - Động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”, sự kiện “Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024” (Techconnect and Innovation Vietnam 2024) là sự kiện quan trọng chào mừng kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ (1959-2024) và 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024).

Diễn ra trong hai ngày 30-9 và 1-10 với quy mô quốc gia, sự kiện do Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức, trở thành sân chơi lớn giúp các đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm phát triển kinh tế xanh bền vững.

cntt.jpg
Khách tham quan gian hàng của Đại học Bách khoa Hà Nội tại sự kiện “Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024”.

Nhiều sản phẩm công nghệ thu hút khách tham quan

Trong suốt hai ngày diễn ra sự kiện, tại 200 gian hàng của 163 tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học tiêu biểu trên địa bàn Hà Nội và cả nước đã giới thiệu tới công chúng, đối tác, doanh nghiệp nhiều sản phẩm công nghệ trong các lĩnh vực: Nông nghiệp, công nghiệp, y tế, xây dựng... Gần 100 thành tựu công nghệ tiêu biểu cũng đã được trình chiếu, thu hút khoảng 4.000 lượt khách tham quan trực tiếp và trực tuyến.

Là công ty hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực cơ khí chính xác, tự động hóa và công nghệ, Intech Group mang đến sự kiện các giải pháp tự động hóa toàn diện cho nhà máy sản xuất, như robot AGV, hệ thống kho bán tự động lưu trữ mật độ cao, con lăn băng tải, sản phẩm cơ khí chính xác… để giới thiệu cho đối tác, khách hàng.

Tổng Giám đốc Intech Group Hoàng Hữu Yên chia sẻ, các sản phẩm của Intech Group được phân phối 70% ở thị trường nội địa, trong các nhà máy lớn, và 30% xuất khẩu. Đặc biệt, các sản phẩm như robot AGV, hệ thống kho bán tự động lưu trữ mật độ cao, con lăn băng tải được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu...

Nổi bật trong khuôn khổ không gian trình diễn thành tựu công nghệ là gian hàng của Đại học Bách khoa Hà Nội. Tham gia sự kiện, Đại học Bách khoa Hà Nội mang đến 11 sản phẩm đổi mới sáng tạo, bao gồm: Máy tạo dây in 3D composite; máy cắt cuống cà tự động; giải pháp đào tạo AI vision và COBOT trên trạm đào tạo tiêu chuẩn cho các trường cao đẳng nghề, các trường đại học đào tạo công nghệ, trung tâm đào tạo robot của doanh nghiệp; nanocenlulo; hệ thống kẹp hybrid mô phỏng ngón tay bẻ cong bị động của con người; thiết bị tích hợp lên men và chưng cất đa năng; giải pháp ứng dụng mô hình AI trong cảnh cáo sớm và phòng cháy tự động; trạm sản xuất linh hoạt dùng robot, tay máy và vision…

Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội Huỳnh Đăng Chính cho biết, đây chỉ là một phần nhỏ trong nhiều đề tài của cán bộ, giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội mong muốn ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để góp phần phát triển Thủ đô và đất nước.

Phần trình diễn công nghệ của Tập đoàn FPT cũng rất ấn tượng. Chủ tịch FPT IS và FPT Semiconductor Trần Đăng Hòa cho biết, FPT đã mang tới triển lãm hàng loạt sản phẩm, giải pháp công nghệ mang tính sáng tạo và đột phá như: Dịch vụ công thuận tiện, y tế thông minh, lưu trữ số...

Gian hàng của Hanel thu hút sự quan tâm của đông đảo khách tham quan và doanh nghiệp tham dự với các giải pháp tiên tiến như: Giải pháp Giao thông thông minh trên nền bản đồ số, giải pháp Visa điện tử, giải pháp về an toàn thông tin, Big Data, Chính phủ số, các giải pháp chuyển đổi số cho ngành Y tế, giải pháp quan trắc môi trường, giải pháp xác thực căn cước công dân… Phó Giám đốc Công nghệ của Hanel Phạm Tuấn Vũ cho biết, các giải pháp công nghệ của Hanel tập trung hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp chuyển đổi số và bảo vệ an toàn tài sản thông tin, dữ liệu trong kỷ nguyên số.

Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tế bào Mescells là một trong những đơn vị tư nhân đầu tiên tại Việt Nam được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp phép về nghiên cứu công nghệ, liệu pháp tế bào trong y học tái tạo.

Viện trưởng Nguyễn Hải Nam cho biết, những năm qua, Mescells đã nghiên cứu tiềm năng ứng dụng công nghệ tế bào gốc trung mô trong chăm sóc sức khỏe; quy trình chiết tách, nuôi cấy, lưu trữ, nghiên cứu tế bào; tiếp nhận, bảo quản, lưu trữ và cung ứng tế bào của Ngân hàng Mô Mescells... Bên cạnh nhiệm vụ nghiên cứu, Mescells còn là đơn vị tiên phong trong hợp tác quốc tế, tiếp nhận chuyển giao công nghệ tế bào từ các quốc gia tiên tiến như Nhật Bản, Hoa Kỳ...

Nhiều công nghệ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng gây ấn tượng mạnh với khách tham quan và được nhiều doanh nghiệp, địa phương quan tâm. Có thể kể đến như: Mô hình kinh tế tuần hoàn từ chất thải; sơn chống cháy sử dụng phụ gia biến tính; nền tảng quản lý và chia sẻ dữ liệu nghiên cứu khoa học và công nghệ dùng chung (Opensience.vn); GPTViet - Mô hình ngôn ngữ lớn nguồn mở cho tiếng Việt. Đặc biệt, phòng họp không giấy là phần mềm thực hiện các cuộc họp trên nền tảng số, hỗ trợ các tính năng: Họp nhiều nội dung, họp trực tuyến, quản lý lịch họp và các tài liệu cuộc họp… tích hợp các công nghệ nhận dạng giọng nói, mã hóa đầu cuối, tìm kiếm toàn văn giúp tiết kiệm thời gian, chi phí khi không sử dụng giấy tờ.

Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ Phan Tiến Dũng cho biết, thông qua sự kiện này, Viện Hàn lâm không chỉ khẳng định vị thế đầu tàu trong nghiên cứu khoa học cơ bản, mà còn nêu bật được vai trò tiên phong, minh chứng bằng những công nghệ mang tính đổi mới, sáng tạo, là nguồn cảm hứng và lan tỏa thông điệp: Khoa học phụng sự con người.

Những dấu ấn nổi bật

Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Mai Dương cho biết, năm nay, sự kiện “Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024” được mở rộng về quy mô tổ chức, với nhiều hoạt động chuyên sâu về công nghệ qua đó thu hút được sự tham dự đông đảo của nhiều ban, bộ, ngành ở trung ương và địa phương, các doanh nghiệp lớn, viện nghiên cứu, trường đại học...

Bên cạnh các hoạt động trình diễn, kết nối, các doanh nghiệp, chuyên gia, viện nghiên cứu, trường đại học cùng thảo luận các vấn đề nổi bật khác thông qua chuỗi 5 diễn đàn công nghệ chuyên sâu trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm và 2 hội nghị, tọa đàm... Các diễn đàn và hội nghị cung cấp nhiều thông tin cho tổ chức, doanh nghiệp về chính sách, công nghệ, xu hướng công nghệ, cơ hội hợp tác, đầu tư; đồng thời tập trung giải quyết những vấn đề cụ thể của doanh nghiệp đang vướng mắc cần tháo gỡ, cung cấp các thông tin nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc định hướng phát triển, đổi mới công nghệ trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đánh giá, sự kiện "Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024" được tổ chức thành công là minh chứng rõ nét cho hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa UBND thành phố Hà Nội và Bộ Khoa học và Công nghệ. Hà Nội cam kết đồng hành với các doanh nghiệp, tổ chức và nhà khoa học, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thành công của sự kiện cũng góp phần thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp và các tổ chức ở địa phương; góp phần thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước từ dựa vào tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn carbon thấp nhằm hướng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, doanh nghiệp được xác định là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, có khả năng ứng dụng nhanh các kết quả hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào thực tiễn, mang lại giá trị gia tăng và đóng góp vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư của Thủ đô Hà Nội và cả nước.