Tuyển sinh

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 đầu tiên theo chương trình mới: Khẩn trương chuẩn bị, hỗ trợ tối đa

Thống Nhất 04/10/2024 - 06:19

Năm học 2024-2025 là năm học đầu tiên học sinh lớp 9 học chương trình, sách giáo khoa mới biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Các em cũng là lứa học sinh đầu tiên tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông năm học 2025-2026 theo chương trình mới. Dù chưa công bố phương án thi mới, song Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã công bố cấu trúc định dạng và đề minh họa các môn của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học tới...

tuyen-sinh.jpg
Giáo viên cấp trung học cơ sở của quận Hoàn Kiếm tham gia tập huấn để hỗ trợ học sinh đáp ứng tốt nhất với kỳ thi tuyển sinh lớp 10 đầu tiên theo chương trình mới. Ảnh: Nam Du

Nhiều điểm mới cần lưu ý

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho các địa phương triển khai, quyết định phương thức thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với thi tuyển.

Tại Hà Nội, nhiều năm trước, kỳ thi được thực hiện theo phương thức kết hợp xét tuyển (học bạ cấp trung học cơ sở) với thi tuyển (hai môn toán, ngữ văn). Từ năm 2019, Hà Nội áp dụng phương thức thi tuyển để tuyển sinh lớp 10, gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và môn thứ tư (công bố vào tháng 3 hằng năm). Tuy nhiên, phương thức thi tuyển 4 môn chỉ duy trì trong hai năm 2019 và 2020. Từ năm 2020 đến nay, nhằm giảm áp lực cho học sinh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Hà Nội giữ ổn định phương thức thi tuyển với 3 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ.

Năm học 2025-2026 là năm học đầu tiên kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thời điểm này, số lượng môn thi của kỳ thi chưa được công bố. Tuy nhiên, nhằm giúp các nhà trường, học sinh chủ động chuẩn bị cho kỳ thi, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã công bố cấu trúc định dạng đề thi và đề minh họa của 7 môn gồm: Toán, ngữ văn, tiếng Anh, tin học, khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý, giáo dục công dân. Trong số 7 môn này, có 2 môn thi theo hình thức tự luận là toán và ngữ văn, thời gian làm bài 120 phút/môn; 5 môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài 60 phút/môn.

Điểm mới đáng lưu ý là ngoài dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn (cho 4 phương án, chọn 1 phương án đúng - dạng thức đã quen thuộc với học sinh), các môn thi trắc nghiệm ở kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026 sẽ có thêm dạng thức trắc nghiệm mới như trắc nghiệm đúng/sai (mỗi câu hỏi có 4 ý, học sinh chọn đúng hoặc sai ở từng ý); dạng thức trắc nghiệm trả lời ngắn (học sinh tô vào các ô tương ứng với đáp án của mình).

Nỗ lực đồng hành với học sinh

Số liệu cho thấy, hằng năm, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội thường có hơn 100.000 học sinh tham gia. Nhiều năm nay, sức “nóng” của kỳ thi chưa có dấu hiệu giảm do hầu hết gia đình học sinh đều mong muốn con trúng tuyển vào trường trung học phổ thông công lập, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh tại các trường này thường chỉ chiếm hơn 60% trong tổng số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở; số còn lại phân luồng theo học tại các trường tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp...

Đồng hành với học sinh lớp 9, giúp các em tự tin, sẵn sàng tâm thế, kỹ năng và kiến thức đáp ứng tốt yêu cầu của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 đầu tiên theo chương trình mới là mục tiêu, cũng là nhiệm vụ trọng tâm đang được các đơn vị, nhà trường trên địa bàn Thủ đô nỗ lực triển khai.

Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Dương Thị Thanh Tú cho rằng, trước một kỳ thi có nhiều điểm mới, việc sớm nắm bắt cấu trúc định dạng và đề minh họa kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026 giúp giáo viên, phụ huynh học sinh và học sinh lớp 9 trên địa bàn phần nào yên tâm hơn. Tại hội nghị giáo vụ đầu năm học của huyện diễn ra ngày 26-9, các chuyên viên phụ trách môn học của phòng đã triển khai đủ và kỹ nội dung này. 100% giáo viên dạy lớp 9 của 20 trường trung học cơ sở thuộc huyện cũng đã được tập huấn để đồng hành, hỗ trợ học sinh đáp ứng tốt nhất với kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học tới theo định hướng của chương trình mới.

Giáo viên dạy môn lịch sử và địa lý Trường Trung học cơ sở Khánh Thượng (huyện Ba Vì) Đào Thị Hoa chia sẻ, nhà trường hiện có khoảng 580 học sinh, trong đó có gần 140 học sinh lớp 9. Căn cứ đề thi minh họa lớp 10 năm học 2025-2026 do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ban hành, nhà trường đã triển khai đến các tổ chuyên môn và giáo viên, trong đó nhấn mạnh về những điều chỉnh, bổ sung các dạng thức trắc nghiệm.

“Chúng tôi đang khẩn trương xây dựng ngân hàng câu hỏi kiểm tra, đánh giá theo định hướng của chương trình mới, sau đó sẽ dần cho học sinh làm quen, tập dượt thường xuyên ngay từ học kỳ 1", giáo viên Đào Thị Hoa cho biết.

Còn em Nguyễn Minh An, học sinh Trường Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt (quận Đống Đa) bày tỏ: "Đến nay, em đã phần nào định hình được cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026". Tuy nhiên, cũng như nhiều học sinh khác, em Nguyễn Minh An mong được thầy, cô giáo các bộ môn tổ chức thực hành với các đề kiểm tra ở theo phạm vi lớp, trường và cả ở toàn quận để nắm biết mình đáp ứng được ở mức độ nào, từ đó kịp thời điều chỉnh cách thức học tập.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương:
Xây dựng ngân hàng câu hỏi theo yêu cầu của môn học

ykien-tran-the-cuong.jpg

Căn cứ cấu trúc định dạng đề thi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025-2026, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị, các phòng giáo dục và đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận đề kiểm tra theo yêu cầu cần đạt của môn học và tổ chức cho học sinh tập dượt kỹ; khuyến khích các nhà trường xây dựng thư viện số về đề kiểm tra nhằm tăng cường sự trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau.

Nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn, đối với môn ngữ văn, trong quá trình kiểm tra, đánh giá, các nhà trường tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra, đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ.

Đặc biệt, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang khẩn trương nghiên cứu, xây dựng phương án thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026, trình UBND thành phố để công bố trong thời gian sớm nhất.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh:
Giúp học sinh đạt năng lực theo chương trình mới

ykien-pham-ngoc-anh.jpg

Quận Cầu Giấy có hơn 5.000 học sinh lớp 9 sẽ tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông năm học 2025-2026. Việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sớm ban hành cấu trúc định dạng đề thi có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần dẫn hướng cho học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý các trường trong việc tổ chức dạy học ngay từ những ngày đầu năm học.

Tại hội nghị giáo vụ cấp trung học cơ sở toàn thành phố vừa qua, chuyên viên các phòng giáo dục và đào tạo, giáo viên cốt cán các trường trung học cơ sở được tập huấn về những vấn đề liên quan đến chuyên môn, định hướng giáo viên trong việc dạy học, kiểm tra, đánh giá. Chúng tôi nắm bắt rõ hơn những nội dung cần chuẩn bị, trong đó đặc biệt quan tâm đến những đổi mới trong quá trình dạy học, kiểm tra, đánh giá nhằm giúp học sinh đạt được năng lực, phẩm chất mà chương trình mới yêu cầu. Các chuyên viên sẽ đồng hành với các trường để kịp thời tháo gỡ khó khăn; thông tin kịp thời đến phụ huynh, học sinh những điểm mới của kỳ thi...

Giáo viên Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (huyện Thanh Trì) Trần Thanh Mai:
Ngữ liệu đề ngữ văn nằm ngoài sách giáo khoa

ykien-tran-thanh-mai.jpg

Theo đề minh họa do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ban hành, ngữ liệu được sử dụng trong đề ngữ văn sẽ nằm ngoài sách giáo khoa. Đây là điểm mới khiến nhiều phụ huynh học sinh và dư luận khá lo lắng. Tuy nhiên thực tế, việc đổi mới về việc sử dụng ngữ liệu môn ngữ văn đã được nhà trường trên địa bàn thành phố thực hiện khi dạy học Chương trình giáo dục phổ thông 2006.

Trong 3 năm vừa qua, khi học Chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh đã được làm quen với việc giải quyết đề kiểm tra ngữ văn với ngữ liệu mới, không có trong sách giáo khoa. Học sinh rất hào hứng đón nhận và giải quyết tốt đề bài.

Việc sử dụng ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa giúp học sinh loại bỏ cách học theo văn mẫu, học thuộc lòng các bài phân tích có sẵn. Thay vào đó, các em được tập trung hướng dẫn nắm chắc kiến thức cốt lõi và kỹ năng để tự viết bằng lời văn của mình, theo cảm nhận, suy nghĩ của mình.

Minh Khang ghi